Phạm Thị Thu Trang tổng hợp
Barack Obama từng nói: "Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn”
Hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đọc sách, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành luôn quan tâm đến văn hóa đọc trong nhà trường. Và khi nói đến đọc sách thì Thư viện là một địa điểm lí tưởng cho Giáo viên và học sinh có thể đến làm việc, học tập và tra cứu thông tin. Qua đó, được sự đồng ý của Ban Giám hiệu, Thư viện nhà trường đã phối hợp với các Tổ chuyên môn, các Câu lạc bộ định hướng tổ chức hoạt động đọc sách như: Cuộc thi giới thiệu sách, Ngày hội sách, Ngày hội đổi đồ, tuyên truyền giới thiệu sách hay…
“THẦY CÔ TRONG HÀNH TRÌNH CỦA BẠN”
Giải Nhất cuộc thi giới thiệu sách năm học 2018-2019
Hoàng Diệu Anh – Lớp 7A7
Mỗi con người chúng ta, ai sinh ra, lớn lên rồi sẽ đều có những hành trình riêng, những bước đi riêng của mình - đó là những bước đi trên con đường trải đầy những khó khăn, gian khổ sẽ đưa chúng ta đến với tương lai. Có những khoảng khắc đầy đau buồn, đầy nhọc nhằn đẩy chúng ta vào sự bất lực, tuyệt vọng và có thể sẽ không muốn đi tiếp. Bởi vậy, mỗi người học trò chúng ta luôn khát khao có một vòng tay ấm áp, một lời san sẻ, động viên, một sự giúp đỡ và thúc đẩy, người mang đến những điều tốt đẹp ấy, không ai khác, chỉ có thể là thầy cô. Em xin được giới thiệu cuốn sách: “Thầy cô trong hành trình của bạn.”
Cuốn sách “Thầy cô trong hành trình của bạn” do Thanh Bình và Nam Anh - 2 tác giả tuyển chọn và sưu tầm. Tuy chỉ gọn nhỏ trong khuôn khổ 168 trang đầy ngắn ngủi, những cảm xúc vẫn mãi còn đọng lại trong tâm trí em. Trang bìa với hình ảnh người thầy đang tận tụy giảng dạy cho học trò đã khơi gợi lên tình yêu thương thầy trò trong em. Mỗi khi lật qua những trang sách đã dần ngả màu lá úa, từng kỉ niệm tràn về sao mới thật chân thực. Tất cả đều là những ký ức tuyệt đẹp bên thầy cô dưới mái trường thân yêu đã qua nhiều mùa lá rụng.
Mở đầu cuốn sách là những dòng chữ ngay ngắn được trích trong bức thư gửi đến toàn bộ thầy cô giáo và các học sinh của Bác Hồ, tựa như một lời chào và lời chúc mừng đầy thân ái. Khi khám phá cuốn sách này, các bạn có thể biết và tìm hiểu một cách kỹ càng về lịch sử ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, cũng như các hoạt động tri ân thầy cô trong dịp lễ trọng đại này trên toàn thế giới.
Cuốn sách “Thầy cô trong hành trình của bạn” tái hiện một cách sâu sắc các góc nhìn về tình thầy trò trong xã hội xưa. Tình nghĩa thầy trò đâu cần phải hoa mỹ, cầu kỳ chỉ đơn giản như những khóm hoa tươi nhưng hương thơm chẳng bao giờ dứt. Tâm tư của mỗi học trò như được bộc lộ thật rõ ràng, kết hợp với dòng cảm xúc mạch lạc trong phần “Thầy cô ơi, chúng em muốn nói”. Những ý nghĩ bay ra từ tận sâu thẳm trong đáy lòng quả thực đã chạm vào trái tim người đọc. Trong những hồi ký chợt đến chợt đi bên thầy, bên cô, “Ký ức con đò” dường như thâu tóm hết thảy, nắm bắt từng kỷ niệm êm đềm tựa tấm lụa đào mềm mại, như con đò mãi lênh đênh trên dòng sông mênh mông không bến đỗ.
Cuộc đời học sinh như những lời vang vọng để lại dư âm sâu nặng. “Những lời xin lỗi” hay “Người cha thứ hai” gợi trong ta sự chân thật, thẫm đượm những tình thương sâu sắc giữa thầy và trò trong cuộc sống học hành. Điều đó xứng đáng được tôn trọng và khắc ghi cùng hình ảnh người thầy người cô đã bao năm gắn liền với bục giảng, bảng đen, phấn trắng. Cuốn sách ngợi ca những công lao to lớn của thầy cô một cách trầm lắng qua những câu chuyện như: “Bà Thanh Quan dạy trong cung” hay “Người thầy đầu tiên”.
Giữa chốn thủ đô náo nhiệt và phồn thịnh, tình thầy trò như một đóa hoa tươi thắm mãi luôn tỏa hương dịu dàng để làm con người ta đủ cảm thấy yên bình và ấm áp từ sâu thẳm trong đáy lòng. Hãy để cuốn sách “Thầy cô trong hành trình của bạn” đưa ta về dòng chảy chậm chạp của ký ức, lặng lẽ tách khỏi guồng quay học tập dù chỉ là một khắc đồng hồ.
Tình thầy trò sâu nặng, những công lao to lớn của thầy cô… Chao ôi! Suy nghĩ thật kỹ ta mới hiểu rằng có những công lao trời biển không sao có thể đáp đền vẹn trọn.
“NGÔI TRƯỜNG MỌI KHI”
Giải Nhất cuộc thi giới thiệu sách năm 2018-2019
Nhóm Phạm Thị Phương Mai – Lớp 11D4
Nguyễn Đoàn Hồng Nhung – Lớp 11D4
Lê Thu Thảo – Lớp 11D4
Trong suốt những năm tháng cuộc đời mỗi con người, chắc hẳn tuổi học trò chính là khoảng thời gian tươi đẹp nhất, đáng nhớ nhất mà không ai có thể quên được. Và quãng thời gian đầy khó quên ấy đã trở thành một chủ đề được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thể hiện vô cùng thành công qua rất nhiều tác phẩm. Trong số đó, nổi bật nhất chính là “Ngôi trường mọi khi”, một cuốn sách viết về thời học sinh cấp 3, và đây cũng chính là lí do vì sao chúng tôi - những người cũng đang là học sinh phổ thông - lại chọn cuốn sách này. Cuốn sách là câu chuyện đầy thú vị về các cô cậu học sinh mới lớn, đã có sự trưởng thành nhưng vẫn đầy trong sáng, tinh nghịch và năng động.
Tác giả của cuốn sách chính là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh; ông sinh ngày 7/5/1955, là người con của miền quê Quảng Nam. Trước khi trở thành nhà văn, ông là thầy giáo dạy Văn ở THPT. Trong 20 năm trở lại đây, ông được biết đến là một cây bút vô cùng quen thuộc với các độc giả lứa tuổi thanh thiếu niên qua hơn 100 tác phẩm lớn nhỏ. Với ngôn ngữ giản dị, xây dựng nhận vật có cá tính, có chiều sâu của thế giới tâm hồn cùng tình tiết truyện chân thực, độc đáo, cuốn hút, mỗi sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh đều rất thành công trong việc hấp dẫn các độc giả ở khắp mọi lứa tuổi. Bạn đọc thường biết đến ông qua các tác phẩm về thời học sinh cấp 1, cấp 2 như “Bàn có năm chỗ ngồi”,... nên chính vì thế, “Ngôi trường mọi khi” - cuốn sách viết về lứa học sinh phổ thông lại trở nên đặc biệt hơn cả.
Được xuất bản bởi Nhà xuất bản Trẻ, “Ngôi trường mọi khi” đến nay đã được tái bản không dưới 25 lần. Bìa cuốn sách được thiết kế theo phong cách tối giản với tông màu chủ đạo là màu xanh rêu ấm áp và đầy cuốn hút. Ấn tượng nhất chính là hình ảnh minh họa vẽ những cô nữ sinh mang trên mình tà áo dài trắng tinh khôi, trên môi nở nụ cười rạng rỡ. Đó chỉ là một hình vẽ hết sức giản đơn còn có phần nguệch ngoạc mang nét trẻ con nhưng lại hoàn toàn phù hợp với nội dung câu chuyện, giúp truyền tải ý nghĩa của tác phẩm. Đặc biệt, những dòng tiêu đề như tên tác giả, tác phẩm hay thể loại đều không viết hoa, được in bằng phông chữ mềm mại cùng màu sắc trang nhã; tất cả đã hòa quyện với tông màu nền, tạo nên một chỉnh thể hòa hợp và đầy lôi cuốn, thu hút ánh nhìn của độc giả và nhận được rất nhiều sự yêu thích.
Đằng sau bìa sách đẹp đẽ ấy là 230 trang truyện gồm 61 chương, mỗi chương chỉ gói gọn trong 4 trang giấy. Từng chương là những mẩu chuyện nhỏ, những mảnh kí ức tưởng như rời rạc nhưng thực ra lại được sâu chuỗi thành một câu chuyện hoàn chỉnh. “Ngôi trường mọi khi” có đề tài vô cùng quen thuộc nhưng không hề nhàm chán. Cuốn sách viết về những năm tháng tươi đẹp của tuổi học trò bậc THPT. Đó là những câu chuyện về một nhóm bạn 10 người khi bước vào năm đầu THPT với bao kỷ niệm vui buồn hờn giận, bao trò tinh nghịch của tuổi mới lớn.
Cuốn sách xoay quanh câu chuyện của 10 người bạn: Răng Chuột, Hột Mít, Hạt Tiêu, Tóc Ngắn, Bảnh Trai, Bắp Rang,… Các nhân vật trong truyện đều không có tên riêng mà được gọi bằng biệt danh, đó là cách gọi tên độc đáo của tuổi học trò. Mặc dù 10 nhân vật trong truyện đều được xây dựng là những học sinh mới bước vào cấp THPT, nhưng mỗi người lại có một hoàn cảnh riêng, một cá tính riêng không thể lẫn đi đâu được. Ấn tượng với tôi đầu tiên là cậu bạn Răng Chuột trầm tính, ít giao tiếp với bạn bè và học không được khá cho lắm. Cậu là một cậu bé có hoàn cảnh gia đình khó khăn, dù mới chỉ là học sinh trung học nhưng luôn phải dành thời gian đi làm kiếm tiền để trang trải cuộc sống nên không có thời gian học tập. Nhờ sự quan tâm và giúp đỡ nhiệt tình của nhóm bạn, từ 1 cậu con trai lầm lì, ít nói, cậu trở nên cởi mở, gần gũi và hòa đồng với bạn bè hơn và còn cải thiện được việc học tập. Bên cạnh đó, cuốn sách còn đem đến câu chuyện của một cô bé đầy cá tính có ngoại hình y hệt con trai mang tên Tóc Ngắn. Cách cô ăn mặc, đi đứng, nói chuyện, cách suy nghĩ giống như một cậu nhóc vậy; đó chính là lí do mà Tóc Ngắn luôn khiến Bảnh Trai – lớp phó học tập cũng là người thích cô bé vô cùng, đau đầu vì không biết làm cách nào để cô bé nhận ra tình cảm của cậu. Ngoài ra, ta cũng bắt gặp câu chuyện dở khóc dở cười của Bắp Rang – một cậu bạn có khả năng “đánh hơi” thức ăn đầy đặc biệt khiến mọi người thán phục. Cậu vô cùng thông minh nhưng lại luôn giả vờ học kém trên lớp vì cậu không muốn theo ngành Y như bố mẹ mong muốn. Lần này, 9 người bạn còn lại đã trợ giúp rất nhiệt tình khiến Bắp Rang giải quyết được câu chuyện hướng nghiệp của cha mẹ, từ đó, cậu được tiếp tục theo đuổi ước mơ, và trở thành một học sinh xuất sắc của lớp.
“Ngôi trường mọi khi” là một cuốn sách không mang quá nhiều triết lí sâu xa khiến trẻ con đọc thấy hài hước và người lớn đọc phải suy ngẫm như “Tôi là Bê Tô” hay cũng chẳng đượm buồn hiu hắt như “Mắt biếc”. Khiến cho những ai đang học cấp 1, cấp 2 mong muốn lớn thật nhanh để được lên cấp ba, cho những chàng trai cô gái “mười sáu ngọt ngào” thấy trân trọng thêm tuổi những phút giây cấp ba tươi đẹp. Cho những ai đã xa thời áo trắng thấy trong lòng dâng lên một cảm xúc bồi hồi, thân quen khi được sống lại những năm tháng đã qua.
Lời văn tình cảm, trong sáng, giản dị gần gũi, hồn nhiên và vui vẻ, đậm chất học trò cùng cách xây dựng tình tiết truyện nhẹ nhàng, mộc mạc, cách kể chuyện ngắn gọn, súc tích và đầy thu hút của Nguyễn Nhật Ánh trong “Ngôi trường mọi khi” đã thực sự lôi cuốn tôi vào mỗi mẩu chuyện. Nhân vật rất đông nhưng nhân vật nào cũng có cá tính riêng, để lại ấn tượng đậm nét trong lòng người đọc. “Ngôi trường mọi khi” đã không còn chỉ là một ngôi trường trên những trang sách mà nó còn xuất hiện quanh ta, ở ngoài đời thực. Để rồi trong mỗi chúng ta bỗng bất giác chợt nhận ra bản thân mình như là một cô cậu học sinh trong Ngôi Trường Mọi Khi ấy.
“Ngôi trường mọi khi” đã cho chúng ta nhận ra được nhiều giá trị ý nghĩa trong cuộc sống. Đó chính là tình bạn như một phần vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Tình bạn giúp ta vượt lên mọi khó khăn, vượt lên chính mình, giúp ta thêm hiểu nhau hơn, đoàn kết hơn.
Cuốn sách còn cho ta cảm nhận được những cái trong sáng và đơn thuần của tình yêu học đường. Đó là khi mà chúng ta có những nét ngây thơ, hồn nhiên, vô lo vô nghĩ, và cũng có chút trưởng thành, tò mò thích thú với những rung động đầu đời. Tình cảm ấy cũng là động lực để con người sống tốt hơn, học tập tốt hơn và hoàn thiện bản thân mình.
Đây cũng là câu chuyện về cách ứng xử bạn bè, cách nuôi dưỡng và giữ gìn tình bạn chân thành, vô tư, trong sáng, biết trân trọng nhau và cùng giúp nhau hoàn thiện bản thân tốt đẹp hơn trong cuộc sống cũng như trong học tập. Bạn bè chính là chỗ dựa cho nhau. Cũng giống như nhân vật Răng Chuột, nhờ có những người bạn luôn bên cạnh giúp đỡ, cuộc sống của cậu đã thay đổi, cậu được sống đúng với lứa tuổi của mình.
Cuốn sách này giúp cho bố mẹ có thể hiểu thêm về những tư tình cảm của con mình, khi chúng đang ở độ tuổi dậy thì. Giai đoạn mà chúng luôn mong muốn được làm người lớn, được có suy nghĩ riêng của mình, và bố mẹ nên hiểu và tôn trọng điều đó. Họ có thể học cách đồng cảm, trò chuyện để thấu hiểu, lắng nghe và trở thành một người bạn của con mình. Từ đó mà họ có thể giúp con mình có những định hướng, hướng đi đúng đắn trong tương lai, để chúng được sống và theo đuổi ước mơ của chính chúng. Song, cuốn sách còn giúp cho thầy cô – những nhà giáo dục hiểu được tâm sinh lý học sinh. Qua đó họ có thể chia sẻ, tư vấn, là chỗ dựa vững chắc cho các em trong giai đoạn tâm lí lứa tuổi.
Sau tất cả thì đây chính là nơi cất cánh ước mơ, nuôi dưỡng tâm hồn của bao thế hệ học sinh, nơi mà chúng ta học được cách trân trọng tình bạn, biết thế nào là rung động lần đầu tiên. “Ngôi trường mọi khi” đã thực sự để lại trong con những cảm xúc trong trẻo, vui tươi, rạng rỡ, cho tôi hiểu thêm về tình bạn, thay đổi bản thân mình tốt hơn. Nó đã khiến cho tôi, một học sinh lớp 11 thêm trân trọng những giây phút khi còn được là học sinh, vì tôi hiểu mình chỉ còn 1 năm nữa thôi là kết thúc quãng thời gian học trò này rồi. Tôi cảm thấy những năm tháng này trở nên ý nghĩa vô cùng và mỗi chúng ta bây giờ đây, khi còn là học sinh, khi còn học chung với nhau, thì nên yêu quý, và dành những điều tốt đẹp cho nhau nhiều hơn, để mãi là 1 phần kỉ niệm đẹp trong nhau. Sách không chỉ giá trị cho lứa tuổi học trò mà còn cho bố mẹ và các thầy cô giáo.
Cuốn sách đã nhận được rất nhiều bình luận tích cực và được đánh giá trên 4 sao. Rất nhiều độc giả chia sẻ rằng đây là 1 cuốn sách rất hay, và bản thân họ đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần. Ngôi trường mọi khi là một cuốn sách bạn nên đọc và cần phải có trên giá sách trong hành trang của mình.
Đôi khi đọc sách là để thư giãn tâm hồn, được đắm mình trong cảm xúc nhẹ nhàng, trong sáng. Chẳng cứ phải là những cuốn sách thần bí ma mị, bi kịch khổ đau, tâm lí phức tạp hay có ý nghĩa tầm cỡ mới là những cuốn sách đáng đọc. Mà chính là những cuốn sách giản đơn như thế này thôi cũng đủ để chúng ta vừa được suy ngẫm mà vẫn có thể thư giãn.
“OSCAR VÀ BÀ ÁO HỒNG” - CÂU CHUYỆN VỀ NGHỊ LỰC SỐNG PHI THƯỜNG
Giải Nhất cuộc thi giới thiệu sách năm 2017-2018
Đặng Vũ Phương Thảo – 11D3
Tôi nhớ đã có người từng nói với mình như vậy: “Dù trong hoàn cảnh nào cũng phải luôn suy nghĩ theo hướng tích cực thì kiểu gì cũng thành công. Ít nhất cũng tự làm mình cảm thấy tốt hơn trước những khó khăn”. Lúc đó tôi đã nghĩ người đó thật buồn cười. Làm sao trong cái mớ khó khăn đầy căng thẳng đấy mà người ta có thể nghĩ tích cực được chứ? Thế nhưng sau khi những trang sách của cuốn truyện ngắn sau tôi đã hoàn toàn có một suy nghĩ khác. Đó chính là quyển sách “Oscar và bà áo hồng” của nhà văn Schmitt.
Schmitt tên đầy đủ là Eric-Emmanuel Schmitt là một nhà văn nổi tiếng người Pháp. Ông xuất thân từ một gia đình trí thức và bản thân ông cũng là một tiến sĩ triết học. Sau một thời gian làm giáo viên, ông hoàn toàn chuyển sang sáng tác với vở kịch đầu tay là “Đêm Valognes”. Sau sự thành công của vở kịch trên, tên tuổi của ông đã ngày càng được biết đến rộng rãi. Bằng chứng là việc sách của ông đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng. Tiếp nối đó, tổng số các giải thưởng mà Eric-Emmanuel Schmitt nhận được vào khoảng 30 giải lớn nhỏ khác nhau. Một số những tác phẩm kinh điển khác của ông mà các bạn cũng có thể đón đọc như: “Nửa kia của Hitler”, “Bản concerto tưởng nhớ một thiên thần”, “Chàng sumo không thể béo” hay “Một ngày mưa đẹp trời”.
Hãy để tôi cho bạn một tưởng tượng nhỏ trước khi đi vào nội dung cuốn sách này. Giả sử rằng bạn đang mắc căn bệnh ung thư và đầu bạn thì trọc lốc vì ảnh hưởng của điều trị hóa học trong một thời gian dài. Xung quanh bạn là những con người cũng đang mang trong mình bệnh tật. Họ hốc hác, tiều tụy. Mùi thuốc sát trùng và những mũi tiêm đã trở nên quá quen thuộc đến mức bạn còn chẳng them để ý tới sự hiện diện của chúng. Một màu trắng bao trùm tất cả. Thật là khủng khiếp phải không?
Nhưng đó là tình cảnh của cậu bé mười tuổi Oscar trong câu chuyện. Trong một lần tình cờ chờ gặp bố mẹ cậu đã nghe được cuộc nói chuyện giữa bác sĩ điều trị của mình với bố mẹ mình. Bác sĩ nói cậu không thể sống được lâu nữa, cậu sẽ chết. Hẳn là ai trong chúng ta nếu trong hoàn cảnh đó sẽ vô cùng sốc. Cậu bé cũng rất bàng hoàng, tới mức khi nghe tin đó cậu không thể hiểu bề mặt của cánh cửa kim loại lạnh hay chính cậu đang lạnh cả người đi. Những tưởng cậu sẽ sụp đổ, thế nhưng với sự giúp đỡ từ bà áo hồng – tình nguyện viên trong bệnh viện - đã khiến cho cậu lạc quan hơn và biến những ngày cuối của cuộc đời cậu trở nên thật tuyệt vời. Bà gây dựng nên trong cậu lòng tin về Chúa trời để cậu ngày nào cũng viết thư giãi bày với Người. Bà sáng tạo ra những truyền thuyết nghe thì nực cười và vô lí để tạo cho cậu niềm tin. Bà nói rằng hãy coi mỗi ngày qua đi Oscar đã trải qua mười năm cuộc đời. Và thế là mười hai ngày cuối đời cậu vì thế mà trở nên ý nghĩa hơn khiến cậu có thể lạc quan đến tận phút giây cuối cùng trong cuộc đời mình. Cậu cũng trải qua những tháng ngày của độ tuổi “dậy thì” cùng tình yêu chớm nở với cô bạn gái phòng bệnh bên. Dù chỉ mới mười tuổi, thế nhưng cách yêu thương của cậu lại chín chắn như một người đã có một “tình trường dày dặn”. Cậu luôn bên cạnh, bảo vệ và yêu thương người bạn gái của mình. Hay đó còn là những suy nghĩ không khác gì của một ông cụ khi Oscar đến tuổi “xế chiều”. Cậu cũng trầm tư, cũng suy ngẫm nhưng với một niềm hạnh phúc chứ không hề tiếc nuối. Và để rồi cậu lặng lẽ ra đi với một câu nói: “Chỉ Chúa mới có quyền đánh thức tôi”...
Không chỉ để lại cho người đọc ấn tượng về mặt nội dung, câu chuyện cũng khiến chúng ta tò mò về người dịch. Không phải là một nhà văn lớn, một dịch giả chuyên nghiệp, cuốn sách được dịch bởi Giáo sư Ngô Bảo Châu. Nghe thật kì lạ phải không? Hẳn trong chúng ta ai cũng đang thắc mắc: liệu dưới con mắt và cái nhìn của một nhà toán học tài ba thì văn chương có “khô khan” hay có gì khác biệt?
Câu chuyện về cậu bé 10 tuổi Oscar đã khiến bản thân tôi không khỏi suy nghĩ. Suy nghĩ về cái chết, về niềm tin, về cách nhìn nhận cuộc sống của một cậu bé mười tuổi nhưng giống như một ông già đã sống được hơn trăm năm. Mỗi lá thư Oscar gửi Chúa hay những cuộc trò chuyện đều gửi gắm những triết lí của cuộc đời. Tôi xin chắc rằng, mỗi độc giả ở những lứa tuổi khác nhau sẽ có những cảm nhận khác nhau về những triết lí đó. Ở tuổi chúng tôi là sự trân trọng những người bạn, những phút bồng bột của tuổi trẻ, sự tự tin dám làm dám nói. Ở những người cao tuổi hơn là sự nhìn lại những gì mình đã phung phí thời còn xuân trẻ.
Dù chỉ vọn vẹn hơn một trăm trang giấy nhưng tác giả của cuốn truyện – Schmitt đã truyền tải cho chúng ta cái chết, nỗi đau, niềm lạc quan của một cậu bé với đầy chất thơ. Và thật không phải ngẫu nhiên mà ở tại Pháp - nơi cuốn truyện được xuất bản đầu tiên – độc giả đã bình trọn đây là một trong những cuốn sách “đã thay đổi cuộc đời tôi”. Vậy còn chần chờ gì nữa, hãy cùng mở cuốn sách “Oscar và bà áo hồng” ra, mỗi ngày đọc một bức thư của cậu bé mười tuổi và cùng suy ngẫm…
NHẬT KÍ CHÚ BÉ NHÚT NHÁT
Giải Nhì cuộc thi giới thiệu sách năm 2017-2018
Đặng Vũ Hoàng Minh – Lớp 6A6
Jeff Kinney (sinh năm 1971) tại Maryland - một tiểu bang nằm bên bờ biển phía đông Hoa Kỳ. Từ những năm 1990, ngay từ khi còn học đại học, Jeff đã bắt đầu sáng tác truyện tranh biếm họa cho tờ báo của trường. Và kể từ đó, ước mơ trở thành một người viết truyện đã nhen nhóm trong ông.
Năm 1998, Jeff bắt đầu đặt bút viết “Nhật Kí Chú Bé Nhút Nhát”. Sau 6 năm kiên trì làm việc, phiên bản online của bộ truyện này đã ra đời và thu hút hơn 80 triệu lượt truy cập mỗi ngày. Tháng 4/2007, tập đầu tiên của seri “Nhật Kí Chú Bé Nhút Nhát” bản sách đã ra mắt và nhanh chóng trở thành cuốn sách bán chạy nhất trong 75 tuần liên tiếp với tổng số lượng sách bán ra lên đến hơn 200 triệu bản.
Tập truyện “Nhật Kí Chú Bé Nhút Nhát” kể về những tình huống dở khóc dở cười của một cậu bé tên là Greg Heffleys. Greg đã có những năm tháng thơ ấu thật đáng nhớ với bà mẹ siêu hay than thở, ông bố siêu cáu bẳn, anh trai Rodrick siêu ngầu cùng cậu em trai Manny siêu quậy. Không chỉ gặp những rắc rối ở nhà, đến trường, cậu bé cũng gặp phải vô số những tình huống dở khóc dở cười với thầy cô, lũ con gái, cậu bạn thân Rowley… Nhưng, rắc rối hơn cả là dường như chính cậu – Greg – mới là kẻ hay gây rắc rối.
Thú vị nhất trong cả bộ truyện này có lẽ là cuốn “Kỳ Nghỉ Thảm Khốc”. Cuốn sách kể về kì nghỉ hè của gia đình Heffleys. Thường thì nhà Greg chả mấy khi đi du lịch vì mẹ cậu vốn sợ tốn kém. Thế nhưng, sau khi thấm nhuần lời khuyên trong cuốn tạp chí “Hạnh Phúc Gia Đình”, mẹ của Greg đã có một quyết định trên cả tuyệt vời: cả nhà sẽ đi chơi xa một chuyến.
Chuyến đi khởi đầu đầy hứa hẹn, nhưng nhanh chóng, cả nhà đã gặp phải những rắc rối liên tiếp: Nhà vệ sinh ở trạm xăng, lũ mòng biển điên loạn, vụ đụng xe khủng khiếp, rồi cả một con lợn nhặng xị lúc nào cũng chực lồng lên… Chắc chắn đây không phải là một chuyến du lịch mơ ước như Greg đã từng tưởng tượng biết bao lần. Nhưng bằng sự đoàn kết, nỗ lực, và quyết tâm của tất cả các thành viên trong gia đình thì một hành trình tệ hại nhất cũng có thể hóa thành một cuộc phiêu lưu vui vẻ, đáng nhớ. Và dù chuyến đi này không giống như tưởng tượng nhưng cũng đủ khiến cả nhà Heffleys không dễ dàng lãng quên.
Với bộ truyện “Nhật kí chú bé nhút nhát”, Jeff Kinney đã trở thành tác giả có sách bán chạy số một của New York Times và bốn lần đoạt giải Sách thiếu nhi được yêu thích nhất. Năm 2009, ông lọt vào top 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới. Hãng phim FOX 2000 đã sản xuất 4 tập đầu của seri “Nhật Kí Chú Bé Nhút Nhát”. Phim đã được công chiếu và đứng đầu bảng xếp hạng những phim ăn khách nhất trong nhiều tuần liên tiếp.
Trên tay tôi lúc này là cuốn “Kì nghỉ thảm khốc” – một tập của bộ truyện “Nhật kí chú bé nhút nhát”. Như thầy cô và các bạn có thể thấy, cuốn sách có khổ giấy xinh xắn, với nhiều hình minh họa vô cùng vui tươi và thu hút. Bộ sách này do NXB Văn học ấn hành. Thầy cô và các bạn có thể tìm thấy ở rất nhiều nhà sách trên toàn quốc.
Đây là cuốn sách mà bất cứ ai là trẻ con hoặc đã từng là trẻ con nên đọc. Để tìm thấy một phần của mình trong đó!
LẤY NƯỚC ĐƯỜNG XA
Giải Nhất cuộc thi giới thiệu sách năm 2022-2023
Nhóm học sinh lớp 12D2: Phan Trần Bảo Trâm, Lương Nhật Linh, Vũ Anh Đức
Mải miết chạy trên thứ gọi là đường đua của cuộc đời, có ai chưa từng cảm thấy mình giống như một vận động viên đuối sức trên chặng hành trình dài?
Không phải ai cũng may mắn sinh ra đã ở vạch đích, nên có lẽ ước mơ nào cũng cần được đánh đổi bởi rất nhiều mồ hôi, máu và nước mắt. Khi người ta càng mơ lớn, thử thách cũng chẳng vừa, và lắm lúc nó còn bao gồm cả sự hi sinh và thất bại. Loay hoay tìm lối ra trong mê cung cuộc đời, làm sao không có những khoảnh khắc ta chỉ muốn bỏ cuộc, để đặt một dấu chấm hết cho những lời biểu tình của một cái chân đau? Nhưng “từ bỏ sẽ mang lại hạnh phúc ít hơn so với hy vọng”, đó là một bài học vô giá mà cuốn tiểu thuyết: “Lấy nước đường xa” đã tặng cho tôi, và cũng là một bước ngoặt đã thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi.
LINDA SUE PARK VÀ VẠN DẶM TỚI TRỜI PHI
Tác giả Linda Sue Park
Nổi tiếng với sáng tác “Mảnh gốm vỡ” đoạt huy chương Newberry danh giá vào năm 2002, Linda được biết đến là một cây bút người Mỹ - Hàn chuyên viết tiểu thuyết hư cấu lịch sử và truyện tranh cho thiếu nhi. “Lấy nước đường xa” (2010), tựa Việt của cuốn sách “A long walk to water”, là một trong những đầu sách viết về trẻ em bán chạy nhất nhật báo New York Times. Đây cũng là một thành công vang dội dựa trên câu chuyện có thật về cuộc đời Salva Dut – người bạn của chính tác giả. Chỉ với 167 trang, cuốn tiểu thuyết đã đưa độc giả lên một chuyến bay dài gần 9000 cây số tới mảnh đất cằn cỗi Nam Sudan tại phía đông Châu Phi để chứng kiến toàn bộ những sự kiện đã làm nên con người Salva ngày hôm nay.
"LẤY NƯỚC ĐƯỜNG XA" - LÁT CẮT HIỆN THỰC ĐỜI SỐNG CƠ CỰC VÀ ĐẦY HIỂM NGUY CỦA TRẺ EM CHÂU PHI
Cuốn sách viết về hai đứa trẻ sinh ra trong hai thời kỳ khác nhau, hai bộ tộc đối lập nhau và hai cuộc “đấu tranh” không giống nhau.
Nya, một cô bé người Nuer 11 tuổi. Vào năm 2008, vì thiếu nguồn nước, cô bé phải đi bộ mỗi ngày 8 tiếng đồng hồ dưới cái nắng thiêu đốt và trên đôi bàn chân tứa máu bởi gai nhọn để lấy nước từ một cái ao ô nhiễm – hai chuyến mỗi ngày. Thật đáng thương cho Nya khi là con gái, em không được tới trường học tập, vui chơi cùng bạn bè mà phải chăm sóc nhà cửa từ khi còn quá trẻ. Ngày qua ngày cứ tiếp diễn như thế cho đến một ngày nọ, có một đoàn người lạ mặt vào làng của em để khoan giếng nước sạch và xây trường học.
Salva, một cậu bé người Dinka 11 tuổi, đã phải đi bộ xuyên lục địa Châu Phi để tìm thức ăn, nơi trú ẩn an toàn và gia đình bị chia cắt vì cuộc nội chiến Nam Sudan từ năm 1985. Theo gót chân Salva, tác giả dành phần lớn dung lượng để miêu tả hành trình chạy trốn khỏi ngôi làng bị tàn phá bởi chiến tranh để sinh tồn của cậu bé, mà theo lời kể của dịch giả, “hành trình ấy diễn ra trong nhiều năm, xuyên qua Châu Phi tới Ethiopia, sau đó tới Kenya, và xa hơn nữa”. Xuyên suốt các chương truyện, có lẽ dấu chấm hỏi lớn nhất mà nhiều độc giả đặt ra là: “Làm thế nào mà một cậu bé chỉ mới 11 tuổi, lại có thể vượt qua hàng ngàn cay đắng trên hành trình gian khổ mà cả ngàn người bộ hành cũng chẳng làm được?”. Cũng từ chia sẻ của chính Salva: “nhờ niềm hi vọng và sự bền gan tôi mang trong mình”, ta ngộ ra câu trả lời: Động lực cao cả dẫn dắt Salva vượt lên tất thảy chính là sức mạnh nội tại và hi vọng được đoàn tụ gia đình lúc nào cũng nằm đây, trong trái tim cậu.
Trong một châu lục nghèo đói bậc nhất thế giới, trái tim ta vẫn rung động bồi hồi trước những con người vững tin vào một tương lai tươi sáng cho bản thân, dám mạnh mẽ vươn lên để kiếm tìm cơ hội biến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Dù viết về những đứa trẻ, cuốn sách lại ẩn chứa những thông điệp gửi tới mọi lứa tuổi độc giả trên khắp hành tinh.
LÁ THƯ ĐẦU TIÊN: Bài học về sự biết ơn những gì mình đang có
Một chi tiết cảm động mà tôi rất lưu tâm, đó là câu hỏi luôn thường trực trong đầu Salva khi cậu mới bắt đầu chạy trốn khỏi ngôi làng Loun-Ariik: “Gia đình mình đâu?”. Chỉ vỏn vẹn 6 trang giấy, nhưng những câu hỏi về tung tích gia đình đã được lặp lại đến 4 lần. Với một cậu bé 11 tuổi, mới phút trước tâm trí đang thả trôi về niềm hạnh phúc đủ đầy trong gia đình và những niềm vui đơn sơ thuở bé, nay lại phải tức tốc rời ghế nhà trường để chạy trốn mà chẳng được ngoảnh đầu lại, chỉ qua ranh giới của một tiếng: “CRACK! SÚNG! TẤT CẢ NẰM XUỐNG”, thì đó cũng là điều hiển nhiên. Nhưng cái “hiển nhiên” ấy nếu thực sự diễn ra trong đời sống của chúng ta thì lại trở thành một khái niệm quá đỗi xa lạ. Quả thật, được sinh ra, lớn lên tại mảnh đất hình chữ S trong thời bình đã là một điều may mắn lắm rồi!
Trong màu khói u ám của bom và tiếng rền vang của súng, thật đáng mừng cho Salva khi gặp được người chú Jewiir, một người thân khác của cậu. Chính chú là người đã cứu sống Salva khi cậu nằm giữa lằn ranh của sự sống và cái chết trên sa mạc Akobo:
“Salva Mawien Dut Ariik!” Chú gọi tên nó đầy đủ, to, rõ ràng.
Salva ngẩng đầu lên, ngừng nức nở vì ngạc nhiên.
“Cháu có nhìn thấy đám cây bụi kia không?” Chú nói và chỉ tay về phía trước. “Cháu chỉ phải đi tới chỗ bụi cây đó nữa thôi. Cháu có làm được không, Salva Mawien Dut Ariik?”
Salva lấy mu bàn tay dụi mắt. Nó nhìn thấy bụi cây; có vẻ như cũng không còn quá xa nữa.
….
Chú cứ tiếp tục làm vậy trong suốt chuyến đi. Mỗi lần chú đều gọi tên đầy đủ của Salva. Lần nào được gọi, Salva cũng nghĩ tới gia đình và ngôi làng của mình, và bằng cách nào đó nó lại tiếp tục lê bàn chân đau đớn về phía trước.
Cuối cùng, mặt trời cũng chịu lặn xuống. Bóng tối mát mẻ bao trùm lên sa mạc, và giờ là lúc nghỉ ngơi.”
Giữa khí hậu Châu Phi khắc nghiệt, dường như mọi vất vả, khó nhọc và gian khổ phần nào đã được xoa dịu nhờ vào tình yêu thương của người chú và những ký ức tuổi thơ hạnh phúc bên gia đình. Dù xuất hiện chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng chú Jewiir đã trở thành “suối nguồn” tưới mát cho thân thể khô cằn của Salva, là chỗ dựa tinh thần vững chắc và là “tấm khiên” bảo vệ cho Salva trong hành trình dài đằng đẵng của mình.
Lang bạt gần 7 năm khắp Châu Phi, những ký ức tươi đẹp về cuộc sống bên gia đình nhỏ chưa bao giờ lụi tắt trong tâm trí Salva: bà mẹ đeo khăn trùm đầu màu cam vàng rạng rỡ, hai đứa em thơ dại, lời răn dạy của bố,... Đó chính là nguồn động lực đưa Salva bơi qua nanh nhọn của cá sấu, tiếng gầm của sư tử; chiến thắng cơn khát, cái đói. Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, ý nghĩ “nếu chết bây giờ, mình sẽ không bao giờ được gặp lại gia đình nữa” đã giúp cậu bé đủ gan góc để khỏi đổ gục xuống vì sợ trước lũ phiến quân! Để đến 19 năm sau khi rời bỏ ngôi làng, Salva đã được gặp lại người cha của mình. Mọi cố gắng được đền đáp, Salva vỡ òa trong niềm vui sướng!
Ngày hôm nay, bạn biết ơn vì điều gì? Còn tôi, tôi biết ơn khi mình được sinh ra ở một đất nước hòa bình yên ấm. Tôi biết ơn khi mình còn được tới trường, thụ hưởng một nền giáo dục hiện đại. Tôi biết ơn khi mình có nguồn nước sạch để sử dụng mỗi ngày. Và hơn cả, tôi biết ơn khi được sống trong một gia đình đầy đủ vật chất và tình yêu thương.
LÁ THƯ THỨ HAI: “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”
Đối diện với gian truân, thử thách và cả những mối đe dọa, Salva vẫn ngời lên ý chí, nghị lực của một chiến binh nhỏ tuổi. Phải gan dạ và kiên cường đến độ nào thì Salva mới dám băng qua hàng trăm dặm trên sa mạc, bền gan vững chí trước cơn đói khát và hiểm nguy từ cả thú cả người đang bủa vây tứ phía để tìm đến các trại tị nạn. Salva cứ chạy, cứ đi mà không biết rằng sẽ phải chạy và đi đến bao giờ:
“Chú nói phải mất ba ngày để băng qua Akobo. Giày Salva nát bươm do không chịu nổi nền sỏi đá nóng bỏng của sa mạc. Đế giày làm bằng lốp xe đã mòn vẹt chỉ còn phần mỏng dính được buộc vào miếng da nhỏ và một hy vọng lớn lao. Chỉ sau vài phút, Salva đá văng cái đế giày mỏng và đi chân trần.”
Salva hành động một cách dứt khoát, đầy quyết tâm, không chút do dự. Cái nóng cháy ghê gớm của mặt trời không đủ để khuất phục cậu. Nhưng khi cậu bé càng mạnh mẽ, càng nỗ lực thì sa mạc Akobo lại một thêm trỗi dậy, thi nhau nuốt chửng ngọn lửa hy vọng đang rực cháy trong lòng Salva:
“Mặt trời thiêu đốt từ sáng đến tối: Chẳng có mảy may một dải mây dù mong manh hay một cơn gió nhẹ.”
“Gai đâm toạc chân. Đôi môi khô nứt.”
“Salva đi chân trần và vấp phải hòn đá bật mất móng chân”
“Vết đau thật kinh khủng. Salva cắn môi chịu đựng. Những nỗi vất vả dồn nén cả ngày cộng với vết thương lúc này dường như vượt quá sức chịu đựng của thằng bé. Nó cúi đầu xuống và nước mắt bắt đầu chảy.”
May mắn thay, cậu còn có chú Jewiir. Nhân vật này không chỉ là người che chở Salva, mà còn giúp bộc lộ tinh thần dũng mãnh của cậu bé người Dinka. Chú đến bên Salva như một phép màu, nhưng đau đớn thay, người thủ lĩnh đoàn ấy đã ngã xuống chớp nhoáng trước nòng súng đen ngòm của bộ tộc đối thủ. Vậy là giấc mơ quay trở lại Sudan để chiến đấu, bảo vệ đồng bào của chú giờ đây sẽ mãi mãi nằm lại trên sa mạc. Đến đây, không chỉ Salva, những người tị nạn mà biết bao nhiêu bạn đọc đã không cầm được nước mắt. Liệu số phận của Salva sẽ ra sao khi chẳng còn một ai bên nó nữa? Nhưng sự hy sinh đó của chú đã kịp thời trao cho đứa cháu ruột thịt quyết tâm nối dài hành trình rực lửa. Những lời của chú ngày ở sa mạc hôm đó cũng đã trở thành cách duy nhất để Salva chống chọi lại những ngày tháng cô đơn tại trại tị nạn Itang, Ethiopia trong suốt 6 năm: “Mình chỉ phải cố nốt ngày hôm nay thôi, ngày hôm nay thôi, không còn ngày nào thế nữa.”
LÁ THƯ THỨ BA: Ước vọng tạo nên kỳ tích
Đối với nhiều người, có lẽ giấc mơ chỉ dành cho những kẻ khờ, chỉ có những kẻ khờ mới mơ mộng hão huyền. Còn với họ, họ đã sớm chấp nhận thực tại tàn khốc thay vì theo đuổi những giấc mơ mà mình còn chẳng nắm chắc sự thành công. Tư tưởng đó sẽ dễ dàng bóp chết ước mơ và đẩy ta vào thảm cảnh thực sự. Nhưng Salva khiến người ta khâm phục bởi cậu vẫn không ngừng mơ ước và khát vọng sống. Để rồi ở cuối câu chuyện, Salva là số ít những người còn sống sót và được một gia đình người Mỹ nhận nuôi. Hơn thế, cuộc gặp gỡ của cha con Salva không chỉ thắp lên trong cậu một ngọn lửa hy vọng về tương lai, mà còn thắp lên cả hy vọng cho người dân ở Nam Sudan. Vì chỉ sau khi gặp lại người cha bị bệnh tiêu hóa do nhiều năm uống nước bẩn, Salva mới nảy ra ý tưởng thành lập tổ chức phi lợi nhuận "Nước cho Nam Sudan" (Water for South Sudan) và bắt tay vào các dự án lắp đặt giếng nước sâu ở những ngôi làng hẻo lánh đang rất thiếu thốn nước sạch. Hai mảnh ghép tưởng chừng như không ăn nhập nhau dần được kết nối. Đây chính là thời điểm câu chuyện của anh và Nya giao thoa đầy cảm động. Cậu bé Sudan ngày nào, bất ngờ thay lại chính là chủ của đội công nhân đem nước sạch về cho ngôi làng của bộ tộc kẻ thù. Cô bé Nya nhờ vậy đã kết thúc hành trình đi bộ 8 tiếng mỗi ngày lấy nước của mình để bước vào chương mới: hành trình đến trường. Còn Salva vẫn tiếp tục hành trình mang nước sạch đến cho người dân quê hương mình.
LỜI KẾT: ĐỌNG LẠI NHỮNG THÔNG ĐIỆP GỬI THỜI ĐẠI
“Lấy nước đường xa” không phải là một tựa sách quá mới với độc giả trên toàn thế giới, nhưng nó vẫn luôn là một lựa chọn hàng đầu của rất nhiều người yêu sách. Đó là bởi sức lan tỏa của cuốn sách là mãi mãi, có giá trị với bất kỳ ai, ở bất kỳ thời điểm nào. Là cuốn sách nhỏ nhưng bao hàm những thông điệp lớn, “A long walk to water” xoáy sâu vào những vấn đề mang tính thời sự toàn cầu: quyền được học tập, chiến tranh, đói nghèo, khan hiếm nước sạch, dịch bệnh, bất bình đẳng. “Chảo lửa” Châu Phi không được miêu tả khốc liệt, tàn nhẫn hay gây ám ảnh như trong các tác phẩm về chiến tranh khác, nhưng lại vừa đủ để trở thành bàn đạp vững chắc làm tỏa sáng ý chí và khát vọng sống của con người. Tất cả đã tạo nên một “Lấy nước đường xa” thật nhiều cung bậc cảm xúc, khiến tôi vừa cười, vừa phải bật khóc theo từng trang sách.
“Trong cuộc chạy đua marathon, nếu bạn không chạy nổi thì có thể đi bộ, đi bộ không nổi thì nhích từng bước, miễn sao chúng ta tới đích là được.”
Vậy còn bạn, bạn sẽ chấp nhận bỏ cuộc, hay bước tiếp?
ĐỂ “MÙA XUÂN VẮNG LẶNG” - KHÔNG GIEO IM LẶNG VÀO THINH KHÔNG
Giải Nhì cuộc thi giới thiệu sách năm học 2022-2023
Phạm Sơn Bách – Lớp 6A4
Vấn đề môi trường và thực trạng ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề nóng được quan tâm hàng đầu trong thời gian dài và đến nay vẫn là một vấn đề bức xúc. Nói đến vấn đề này, bạn thường nghĩ đến những điều gì? Hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino, La Nina hay các trận thiên tai khủng khiếp? Nhưng có lẽ ít ai nghĩ rằng thuốc diệt côn trùng cũng là một vấn đề và là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường vô cùng nặng nề. Tác hại tàn phá môi trường của các loại thuốc diệt côn trùng thậm chí còn nhiều hơn cái lợi là diệt côn trùng gây hại. Cuốn sách “Mùa xuân vắng lặng” (Silent Spring) của nhà nghiên cứu khoa học người Mĩ, Rachel Carson (Nhà xuất bản Thế giới, với sự hợp tác của Phương Nam Book và nhóm dịch Khánh An), đã lần đầu chỉ ra vấn đề đó và đem lại ấn tượng sâu sắc cho mỗi độc giả khiến chúng ta (có tôi và bạn) phải thay đổi cách nhìn nhận về thực trạng ô nhiễm môi trường và hành động của chính mình.
Tác giả của cuốn sách là bà Rachel Carson, một nhà động vật học, nhà nghiên cứu sinh vật biển người Mĩ. Bà sinh năm 1907, mất năm 1964, ngoài nghiên cứu khoa học, bà còn đi đầu trong công cuộc bảo vệ môi trường với những hành động thiết thực. Với bộ ba tác phẩm “Dưới làn gió biển”, “Biển quanh ta”, “Bờ biển”, bà đã trở thành tác giả hàng đầu trong dòng sách viết về thế giới tự nhiên. Bà được giải National Book Award vào năm 1951; Guggenheim Fellowship vào năm 1951, 1952; Huy chương Vàng của New York Zoological Society vào năm 1963. “Mùa xuân vắng lặng” là một thành công vang dội của Rachel Carson, được xuất bản lần đầu vào năm 1962, được xem như tác phẩm kinh điển khởi đầu cho những phong trào bảo vệ môi trường trên toàn thế giới.
Khi tôi cầm trên tay cuốn sách có tên “Mùa xuân vắng lặng” với màu bìa xanh lá cây đậm, dù không mấy bắt mắt, nhưng tôi từng cho rằng nội dung của cuốn sách sẽ là những điều yên ả, lãng mạn, nhẹ nhàng. Tôi chưa từng nghĩ rằng cuốn sách 356 trang với những mặt giấy dày đặc chữ này có thể đem lại cho tôi một nội dung có sức bùng nổ đến vậy. “Mùa xuân vắng lặng” nói về hậu quả khôn lường mà thuốc diệt côn trùng, đặc biệt là thuốc DDT, gây ra ở Mĩ trong những năm 1940 - 1970. Theo như lời tác giả, những thứ như thế này phải gọi là “chất diệt sinh vật” mới chính xác vì tác dụng của chúng hiếm khi chỉ giới hạn ở các loài gây hại mục tiêu. Mục đích của cuốn sách này đã được nói ngay trong chương đầu tiên của sách: “Điều gì đã làm cho nhiều thị trấn trên nước Mĩ vắng hẳn những giai điệu của mùa xuân? Mục đích của “Mùa xuân vắng lặng” chính là để tìm ra lời giải đáp”.
Động lực thúc đẩy sáng tác “Mùa xuân vắng lặng” là một lá thư được viết vào tháng 1 năm 1958 bởi người bạn của Carson, Olga Owens Huckins, gửi cho The Boston Herald. Bức thư mô tả cái chết của những con chim xung quanh khu nhà của cô ấy do việc phun DDT từ trên không để diệt muỗi. Carson đã viết rằng bức thư này là động lực thúc đẩy bà nghiên cứu các vấn đề môi trường do thuốc trừ sâu hóa học gây ra. Tên của dự án nghiên cứu sau đó, đồng thời cũng là tên cuốn sách sau này thì lại lấy ý tưởng từ một bài thơ của thi sĩ người Anh John Keats:
“Để cây bên hồ chỉ còn lá rụng,
Và chẳng còn nghe tiếng hót của chim.”
Chủ đề bao trùm của “Mùa xuân vắng lặng” là sự tác động mạnh mẽ - nhưng hơn hết là tiêu cực - của con người đối với thế giới tự nhiên. DDT là một ví dụ điển hình, nhưng các loại thuốc trừ sâu tổng hợp khác cũng được xem xét kĩ lưỡng. Trong 17 chương sách, Carson cáo buộc ngành công nghiệp hóa chất cố tình truyền bá thông tin sai lệch và các quan chức công chấp nhận các tuyên bố của ngành một cách thiếu cân nhắc. Phần lớn nội dung cuốn sách nói về tác động của thuốc trừ sâu đối với hệ sinh thái tự nhiên, nhưng có bốn chương trình bày chi tiết các trường hợp con người ngộ độc thuốc trừ sâu, ung thư và các bệnh khác do thuốc trừ sâu: Loài thuốc trường sinh mang tên thần chết (chương 3), Sự tàn phá không cần thiết (chương 7), Và lũ chim thôi hót (chương 8), Ào ạt và dồn dập (chương 16).
“Trong số những trường hợp bị nhiễm độc endrin bi thảm nhất, có một vụ không hề do bất cẩn; mọi biện pháp để phòng tránh tác hại của nó xem như đã thực hiện đầy đủ. Đứa bé một tuổi người Mỹ đã theo cha mẹ của nó đến sống ở Venezuela. Ngôi nhà nơi họ chuyển đến có gián, và vài ngày sau đó họ đã xịt thuốc diệt gián có chứa endrin. Đứa bé và chú chó nhỏ của gia đình đã được dẫn ra khỏi nhà khoảng chín giờ trước khi tiến hành xịt thuốc vào buổi sáng. Sau khi xịt thuốc xong, nền nhà được lau sạch. Họ đưa đứa trẻ và chú chó trở lại ngôi nhà vào khoảng giữa trưa. Khoảng hơn một giờ sau đó, chú chó nôn mửa, co giật rồi chết. 10 giờ tối cùng ngày, đứa bé cũng nôn mửa, co giật và bất tỉnh. Sau lần tiếp xúc định mệnh với endrin, đứa trẻ khỏe mạnh, bình thường bỗng trở thành người thực vật – không thể nhìn thấy hay nghe được gì, thường xuyên bị co thắt cơ, dường như cắt đứt mọi liên hệ với thế giới xung quanh. Nhiều tháng điều trị tại bệnh viện New York cũng không làm thay đổi tình hình sức khỏe của đứa trẻ và cũng không mang lại chút hi vọng nào cho gia đình. Bác sĩ điều trị cho biết: Khả năng hồi phục của đứa trẻ là khó xảy ra.” (Trích trang 45, chương 3)
Carson dự đoán hậu quả sẽ gia tăng trong tương lai, đặc biệt là vì các loài gây hại có thể phát triển khả năng kháng thuốc trừ sâu và hệ sinh thái suy yếu sẽ trở thành con mồi cho các loài xâm lấn không lường trước được. Những dòng chữ nghiêm khắc của bà Carson ở chương 15 (Thiên nhiên phản đòn) đã làm cho người đọc khiếp sợ khi loài người chúng ta bị thế giới tự nhiên ruồng bỏ: “Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra và những điều hoàn toàn không thể cũng thường xảy ra” khiến “chúng ta rơi vào một tình thế khó khăn nghiêm trọng” (trang 265, chương 15). Cuốn sách kết thúc với lời kêu gọi về một phương pháp sinh học để kiểm soát dịch hại thay thế cho thuốc trừ sâu hóa học như “Một con đường khác” (chương 17) để con người chung sống với thiên nhiên và cũng là cách con người duy trì sự tồn tại của chính mình.
Trong “Mùa xuân vắng lặng”, Carson không cực đoan kêu gọi việc cấm hoàn toàn DDT bởi vì bà hiểu được giá trị những phát minh khoa học của nhân loại. Tuy nhiên bà lên tiếng để ngăn cản việc sử dụng DDT bừa bãi. Bà nói rằng ngay cả khi DDT và các loại thuốc diệt côn trùng khác không có tác dụng phụ đối với môi trường, việc lạm dụng bừa bãi chúng vẫn phản tác dụng vì nó sẽ tạo ra khả năng kháng thuốc trừ sâu của côn trùng, khiến chúng trở nên vô dụng trong việc loại bỏ các quần thể côn trùng.
Cuốn sách ra đời đã gặt hái được nhiều thành công: giúp mọi người hiểu hơn về thuốc trừ sâu, hệ sinh thái cần được bảo vệ và hơn hết là thúc đẩy việc thành lập Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mĩ (EPA). Tuy nhiên, không phải ai cũng đón nhận cuốn sách này một cách tích cực. Vào những tuần trước khi xuất bản, đã có sự phản đối mạnh mẽ đối với “Mùa xuân vắng lặng” dấy lên từ ngành công nghiệp hóa chất. DuPont, nhà sản xuất chính của DDT và 2,4-D, và Công ty Hóa chất Velsicol, nhà sản xuất chlordane và heptachlor duy nhất, là những công ty đầu tiên phản đối. DuPont đã biên soạn một báo cáo mở rộng về mức độ đưa tin của cuốn sách và tác động ước tính đối với dư luận. Velsicol đe dọa hành động pháp lý chống lại Houghton Mifflin, The New Yorker và Tạp chí Audubon trừ khi các dự định tiếp theo của “Mùa xuân vắng lặng” theo kế hoạch của họ bị hủy bỏ. Các đại diện của ngành công nghiệp hóa chất và các nhà vận động hành lang đã nộp một loạt các khiếu nại không cụ thể, một số là nặc danh. Các công ty hóa chất và các tổ chức liên kết đã sản xuất các tài liệu, bài báo quảng cáo và bảo vệ việc sử dụng thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, Carson và các luật sư của nhà xuất bản tin tưởng vào quá trình kiểm duyệt mà “Mùa xuân vắng lặng” đã trải qua. Việc xuất bản tạp chí và sách, cũng như việc in Cuốn sách của Tháng tiếp tục được tiến hành theo kế hoạch, trong đó có một tập sách nhỏ của William O. Douglas đã tán thành cuốn sách. Nhờ vậy, cuốn sách “Mùa xuân vắng lặng” đã tiếp tục đến với bạn đọc, được tái bản nhiều lần và có tác động tích cực đến phong trào bảo vệ môi trường trên thế giới và với nhận thức của mỗi con người trên địa cầu.
Đọc xong “Mùa xuân vắng lặng”, tôi đã lặng yên một hồi lâu, trong lòng nghĩ đến những bài học mà cuốn sách đem lại. Từ trước đến giờ, tôi luôn nghĩ phun thuốc trừ sâu đã được cấp phép thì không sao. Nhưng sau khi đọc xong cuốn sách này, suy nghĩ đó đã thay đổi hoàn toàn. Tôi hiểu được lời khuyên của Giám đốc Cục Bảo vệ Thực vật của Hà Lan: “Lời khuyên thiết thực chính là nên “Phun càng ít càng tốt” thay vì “Phun trong giới hạn khả năng của bạn”. Áp lực đối với quần thể sinh vật gây hại phải luôn ở mức nhẹ nhất có thể”. Tôi cũng xác định mình sẽ có thêm lời nói và hành động trong kế hoạch tham gia câu lạc bộ Môi trường xanh GEC của trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành. Bắt đầu từ cuốn sách này - “Mùa xuân vắng lặng” của Rachel Carson, tôi cũng sẽ không im lặng trước những việc làm gây ô nhiễm môi trường quanh mình.
Cảm ơn nhà văn Rachel Carson, cảm ơn “Mùa xuân vắng lặng”. Và tôi đang lắng nghe tiếng chim hót trong mùa xuân của đất trời và từ lòng mình…