Cứ đến dịp Giải phóng Thủ đô Hà Nội dấu yêu, người dân trên cả nước nói chung, người dân Hà Nội nói riêng lại chung tay chuẩn bị nhiều hoạt động để chào mừng và truyền tình yêu quê hương, đất nước đến các thế hệ trẻ. Ngôi trường mang tên Bác của chúng ta cũng có một buổi sinh hoạt dưới cờ đặc biệt nhân dịp kỉ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2014) và 15 năm Hà Nội được UNESCO công nhận là Thành phố hòa bình. Tuần này, cả trường sẽ bước vào kì thi giữa học kỳ I, nhưng dường như tất cả đã tạm gác lại nỗi lo thi cử đi, và hòa chung vào cảm xúc hân hoan của người dân Hà Nội.
Mở đầu mỗi buổi sinh hoạt vẫn là một phần rất quen thuộc - lễ chào cờ trang nghiêm do sự điều khiển của cô giáo Phương Thảo. Sau đó là phần nhận xét, xếp loại thi đua của lớp trực tuần 8A5. Bình thường, chúng tôi rất hồi hộp chờ đợi xem liệu tập thể lớp mình có được nhận cờ thi đua hay không. Nhưng hôm nay, đó lại không phải là điều được trông đợi nhất. Qua chia sẻ của thầy giáo Lê Đình Cương, chúng tôi biết rằng, hôm nay toàn trường sẽ được nghe thầy kể về ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội 60 năm trước. Ai cũng cảm thấy rất háo hức để được giao lưu với thầy, và tìm về hoài niệm Hà Nội xưa.
Và đây! Giây phút chúng tôi mong đợi nhất đã đến. Thầy Lê Đình Cương khoan thai bước lên sân khấu Nguyễn Tất Thành trong tiếng vỗ tay vang dội của các “fan hâm mộ” của thầy - những học sinh của tất cả các khối học. Xuất hiện với nụ cười hiền lành trên môi, thầy thân thiện chào và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến chúng tôi khi luôn luôn thể hiện tình cảm tốt đẹp đối với thầy. Rồi thầy bắt đầu bài nói chuyện bằng một bài hát bày tỏ niềm vui sướng của toàn dân khi Thủ đô của đất nước mình được giải phóng với giọng hát trầm ấm, hân hoan. Trong suốt buổi nói chuyện, thầy kể cho chúng tôi rất nhiều câu chuyện liên quan đến lịch sử nước nhà. Có những chuyện mang cảm xúc thật sự bởi thầy đã được tận mắt chứng kiến khi còn trai trẻ. Qua lời kể của thầy, chúng tôi biết thêm về Việt Nam- đất nước anh hùng của mình đã phải chuẩn bị, tương trợ cho nhau như thế nào để giành chiến thắng. Tất cả các thầy cô giáo và học sinh đều im lặng, chăm chú nghe từng lời kể của thầy.
Toàn trường chăm chú lắng nghe câu chuyện của thầy giáo Lê Đình Cương
Ai cũng thích thú vỗ tay theo nhịp bài hát
Kết thúc bài nói chuyện, tiếng vỗ tay vang lên to hơn bao giờ hết. Thay mặt cho giáo viên và học sinh toàn trường, cô giáo hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Anh đã tặng thầy Cương một bó hoa tươi thắm và bày tỏ sự cảm ơn trân trọng đến thầy.
Tiếp tục chương trình là tiết mục hát “Hà Nội- niềm tin và hy vọng” của thầy giáo Phạm Văn Thành. Nhiều người trong số chúng tôi chưa biết đến giọng hát của thầy nên vô cùng tò mò. Nhưng ngay lập tức, thầy Thành đã khiến chúng tôi phấn khích bởi chất giọng hào sảng chứa đựng đầy cảm xúc của thầy.
Đó là những gì của Hà Nội xưa. Vậy Hà Nội nay có gì khác không? Các thành viên của câu lạc bộ M4U đã cho chúng tôi câu trả lời qua phần kết hợp giữa cây đàn guitar và các “ca sĩ” đã quá quen thuộc với NTT-ers. Đầu tiên, chúng tôi được đến với “Trà đá vỉa hè”- bài hát mang không khí trẻ trung của phố Nhà Thờ với ly trà đá vỉa hè trên tay. Sau đó là “Thu cuối” – một bài hát về mùa thu Hà Nội mà các teen đang rất yêu thích cùng đoạn rap sôi động. Điều đặc biệt là cả hai bài đều được tự phối đảo nhịp nên lạ, mà hay hơn rất nhiều.
Sôi động cùng “Trà đá vỉa hè”
Mới lạ cùng “Thu cuối”
Chúng tôi còn đang say sưa chờ đợi tiết mục tiếp theo, nhưng đúng lúc đó, tiếng trống kết thúc buổi sinh hoạt đã rộn rã vang lên. Ai ai cũng tiếc nuối và mong muốn được xem tiếp. Thế nhưng không được, vì chúng tôi còn phải ôn thi mà! Như các bạn thấy đấy, qua buổi chào cờ ý nghĩa ngày hôm nay, chúng tôi đã được biết thêm rất nhiều về chiến thắng lẫy lừng của người dân Hà Nội, và ngày càng thêm yêu đất nước mình hơn. Hẳn trong tâm trí các học sinh trường Nguyễn Tất Thành sẽ còn nhớ mãi một ngày đầy cảm xúc đáng nhớ này, để có thể làm điều gì đó thật tốt đẹp để chào mừng kỉ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô!