1. Sơ lược về trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng

Tết Nguyên Đán đang đến gần, không khí xuân tấp nập, rộn ràng trên mọi nẻo đường góc phố. Buổi chiều ngày 12/12/2012, giáo viên và học sinh trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đã có buổi gặp gỡ giao lưu với những người đã dệt nên mùa xuân cho đất nước – những thương binh ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng – Hà Nam. Đây là một hoạt động thường niên của trường nhân dịp kỉ niệm ngày Hội Quốc phòng toàn dân 22-12, nhằm gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến những người đã trực tiếp cầm súng bảo vệ non sông.

Sau khi kết thúc kì thi tập trung đầy căng thẳng, các học sinh khối THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã hào hứng lên đường hướng về nơi ở của những con người có công với đất nước. Ai ai cũng xúc động khi trong tiết trời lạnh giá này, các bác thương binh liệt sĩ dù mang trong mình những thương tổn về mặt thể xác nhất định vẫn tề tựu đông đủ để chào đón đoàn cán bộ giáo viên và học sinh trường. Trái lại với những khắc nghiệt của thời tiết bên ngoài, không khí trong khán phòng lại vô cùng nhộn nhịp và ấm áp

 

Sự tấp nập và nhộn nhịp đã khiến cho không khí trở nên ấm áp hơn bao giờ hết

Đại diện cho toàn bộ thương binh bệnh binh thuộc Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng, chú Nguyễn Minh Tuấn – Bí thư Ban chấp hành Đảng bộ, Giám đốc Trung tâm – đã thể hiện niềm vui và sự xúc động trước tấm lòng của thầy trò trường Nguyễn Tất Thành, qua đó giới thiệu đôi điều về trung tâm. Qua một vài chia sẻ thú vị của chú Tuấn, học sinh trường Nguyễn Tất Thành đã có những hiểu biết nhất định về khu điều dưỡng đặc biệt này.


Chú Nguyễn Minh Tuấn thể hiện sự xúc động
trước chuyến thăm của thầy trò trường Nguyễn Tất Thành

Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng là đơn vị trực thuộc Cục Người có công - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đảm nhiệm việc nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho thương, bệnh binh tâm thần.

Từ khi được thành lập, trung tâm đã đưa được 88 đồng chí thương binh về sống với gia đình, và cứu được hàng vạn người khác. Hiện trung tâm đang điều trị cho 108 thương binh bị tâm thần mãn tính, mất trí nhớ một phần hoặc hoàn toàn do trấn thương vùng não. Trung tâm có 3 khoa điều trị, gồm các y, bác sĩ giỏi, quản lý chặt chẽ, phát hiện sớm những diễn biến bất thường của sức khỏe thương binh. Nhận được sự tin yêu của nhân dân địa phương cũng như Đảng bộ, trung tâm nhiều năm nhận được bằng khen của cục thương binh và xã hội.

Với tinh thần phát huy lời dạy của Bác: “Lương y như từ mẫu”, các cán bộ, y bác sĩ ở trung tâm đều rất tận tình chăm sóc thương bệnh binh. Có những thương binh ở xa, được các y tá chăm sóc nhiều tháng trời, thân thiết như ruột thịt. Hàng năm, trung tâm đều tổ chức cho 100% thương bệnh binh đi khám sức khỏe để kịp thời điều trị. Cùng với khám, chữa bệnh, trung tâm luôn để ý đến điều kiện sống, sinh hoạt của thương binh. Thương binh được hưởng chế độ trợ cấp, ở trong phòng khép kín, thoáng mát mùa hè, ấm áp về mùa đông. Những thương binh được về sống với gia đình hàng tháng đều được cấp thuốc và khám sức khỏe tại đơn vị.

Hưởng ứng câu nói “thương binh tàn nhưng không phế”, đơn vị cũng rất coi trọng đời sống tinh thần của thương binh. Các cán bộ, y bác sĩ đều tham gia hướng dẫn thương binh tập luyện thể dục, các môn thể thao như bóng chuyền, cầu lông. Thương binh còn được tham gia sinh hoạt văn nghệ.

2. Những món quà ý nghĩa

Trước những tình cảm và sự đón tiếp nhiệt tình của trung tâm, cô giáo, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Anh – Phó Hiệu trưởng trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành - đã bày tỏ sự xúc động và khâm phục trước tinh thần của các thương binh, liệt sĩ “Khi đến trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng, thầy và trò chúng tôi thật sự xúc động khi được tận mắt thấy những khó khăn của các bác thương binh nặng, và càng ngưỡng mộ khi thấy các cô các bác vẫn rất lạc quan yêu đời. Điều đó khiến chúng tôi vô cùng cảm phục

Tiếp theo đó, cô hướng về phía những bó hoa tươi thắm của thầy trò trường Nguyễn Tất Thành đã chuẩn bị từ trước, tự hào nói “Từ mấy ngày nay thầy và trò chúng tôi đã rộn ràng chuẩn bị những món quà và những tiết mục văn nghệ để giờ đây bày tỏ tình cảm và sự tri ân sâu sắc của mình đối với những người đã cống hiến và hi sinh xương máu cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc


Bó hoa tươi thắm cùng với món quà là tấm lòng
của các cán bộ công nhân viên, giáo viên và học sinh trường Nguyễn Tất Thành

Món quà mà trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành biếu tặng trung tâm bao gồm 20 triệu đồng sung vào quỹ sinh hoạt chung, cùng với những món quà nhỏ trị giá 300 nghìn đồng trao tận tay mỗi người. Đó là thành quả của toàn bộ học sinh trường Nguyễn Tất Thành, cho dù đang trong thời gian ôn thi vất vả và căng thẳng vẫn kịp thời đóng góp bằng tất cả tấm lòng trân trọng của mình. Chính các giáo viên và các bạn học sinh ngày hôm đó đã gửi tặng 86 món quà đến tận tay các thương binh bệnh binh. Tấm lòng của nhà trường khiến cho tất cả những người có mặt ở Trung tâm điều dưỡng ngày hôm đó vô cùng cảm động

3. Các tiết mục văn nghệ đặc sắc

Trong không khí rạo rực của ngày truyền thống Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, trường THPT Nguyễn Tất Thành muốn mang lời ca, tiếng hát của mình để gửi những lời tri ân sâu sắc nhất tới những người đã làm nên truyền thống vẻ vang của dân tộc. Chiến tranh đã qua đi nhưng nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần có lẽ chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng họ.

Nhắc đến chiến tranh là nhắc đến đau thương, khốc liệt, chết chóc. Nhưng, nhắc đến chiến tranh, ta cũng không thể không nghĩ đến hình ảnh những anh bộ đội cụ Hồ. Tốp ca 6A5 đã mang đến cho hội trường không khí tươi vui với hình ảnh đáng yêu của những anh bộ đội ấy qua bài hát “Chú bộ đội và cơn mưa.”

“Mưa đang bay mưa đang lượn
Chú bộ đội mỉm cười
Cất tiếng hát cùng mưa”

Từng câu hát như làm sống dậy tuổi trẻ nơi những người lính ngồi đây. Thật cảm động khi những người lính ấy – những bước chân tập tễnh, chầm chậm đi lên sân khấu tặng hoa cho các em. Những nụ cười nở trên gương mặt họ xua tan cái lạnh của buổi chiều đông.


Nụ cười hạnh phúc trên môi các thương binh

Hẳn nhiều người trong chúng ta biết đến người lính Trọng Loan – tác giả của nhiều khúc quân hành đi cùng năm tháng. Đến nay, con gái của ông – cô giáo Nguyễn Tường Lan- thành viên hội Nhạc sĩ Việt Nam đang giảng dạy tại trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành cũng mong gửi đến các bác thương binh ngồi đây những lời ca đẹp nhất để ngợi ca những anh bộ đội năm xưa. Bằng cả trái tim mình, cô đã đưa cả hội trường đi qua những năm tháng cách mạng hào hùng, từ những giai điệu ngọt ngào đằm thắm trong “Sợi nhớ sợi thương” đến sự mạnh mẽ, bi tráng trong “Nếu em đến thăm biển đảo Việt Nam”.


Cô giáo Tường Lan

Những bài ca tuyệt đẹp về người lính, về chiến tranh, về mẹ,… lần lượt được hát lên bởi các cán bộ của trung tâm cũng như giáo viên – học sinh của trường chính là sợi dây nối hai thế hệ. Chúng đưa thế hệ còn sống ngồi đây, ngược dòng thời gian hơn 40 năm về trước, khi đất nước còn chìm trong khói lửa. Thật biết ơn họ - những người đã hi sinh cả tuổi xuân cho dân tộc.


Tiết mục tập thể đáng nhớ

“Ðêm nay trên đường hành quân ra mặt trận
Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác”

Vâng, chiến tranh đã qua đi để lại quá nhiều mất mát. Những thương binh ngồi đây chính là những nhân chứng rõ nhất cho sự mất mát ấy. Mang đến những lời ca, tiếng hát ấy, thầy và trò trường Nguyễn Tất Thành mong sao họ sớm bình phục để về sống với gia đình.

4. Trò chuyện cùng những con người hi sinh thầm lặng

Mười lăm phút cuối cùng, các bạn học sinh đã được tạo điều kiện để trực tiếp giao lưu và chia sẻ với cán bộ, nhân viên của trung tâm và đặc biệt là các bác thương binh, liệt sĩ. Nhìn nụ cười trên khuôn mặt các bác, ít ai nghĩ được đó là những con người đã bị mất sức lao động từ 80-95% sau cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước

Rất may mắn vì chúng tôi – những phóng viên trường Nguyễn Tất Thành – đã được trò chuyện với bác Đào Xuân Hợi (1954) quê ở Hải Phòng. Bác là thương binh 81% được an dưỡng tại trung tâm. Sống ở đây, bác nhận được sự quan tâm, chăm sóc của đội ngũ y bác sĩ rất nhiệt tình, tình cảm. Họ đều là những chiến sĩ bộ đội chuyển ngành nên thấu hiểu và chăm sóc chu đáo. Bác cũng chia sẻ kỉ niệm khi ban đầu trung tâm mới thành lập. Khi đó trung tâm chỉ là cái trại cải tạo với cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Các bác phải nằm trên những chiếc giường bằng xi măng. Về sau, nhận được nhiều hơn sự quan tâm của xã hội, trung tâm chăm sóc thương binh bệnh binh Kim Bảng được thành lập. Bác đã rất xúc động trước sự quan tâm của nhà nước, cũng như thế hệ học sinh dù nhỏ tuổi nhưng đã biết phát huy đạo lý Uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc.


Bác Đào Xuân Hợi cùng phóng viên trường NTT

Chúng tôi cũng đã được gặp một con người đặc biệt khác. Cuộc trò chuyện chớp nhoáng không đủ để chúng tôi nhớ rõ được tên hay quê quán, chỉ biết bác là một bệnh binh 95%, từng bị thương trong trận chiến bảo vệ dân tộc khốc liệt đầy máu lửa. Thương tích ở sọ và xương sống đã để lại cho bác những hậu quả hết sức đau thương. Khi nhắc đến gia đình, bác cũng chỉ biết cười trừ:“Vợ à? Vợ bác bỏ bác lâu lắm rồi. Chỉ còn hai đứa con trai thôi.” Bác nói vậy, chúng tôi cũng nghẹn ngào, không biết phải hỏi gì nữa


Có ai biết con người này từng là một nạn nhân
của chiến tranh cả về thể xác lẫn tinh thần?

Lưu luyến trở lên xe, các bạn học sinh vẫn hướng về phía trung tâm vẫy tay tạm biệt. Đây là một kỉ niệm đáng nhớ với không chỉ trung tâm điều dưỡng thương binh, khi mà “đây là lần đầu tiên có nhiều người đến thăm trung tâm như vậy”, mà còn là một bài học, một ấn tượng sâu đậm trong lòng mỗi học sinh trường Nguyễn Tất Thành. Tre già, măng mọc- thế hệ học sinh ngày nay sẽ không ngừng cố gắng nỗ lực học tập vì tương lai tươi sáng cho Tổ Quốc, vì nhân dân và vì một thế hệ anh hùng đi trước đã không ngần ngại hi sinh tuổi xuân và máu thịt của mình để bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

Nguyễn Bảo Anh, Ngô Thị Thu Hằng lớp 10D1, Lê Thùy Linh, Vũ Đình Hoàng lớp 10D4