Việt Nam có truyền thống hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, trải qua hàng trăm cuộc chiến vô cùng khốc liệt. Trong các cuộc chiến đó, thắng lợi vẻ vang mà chúng ta có được không thể không kể đến vai trò người đứng đầu ở các chiến tuyến là các chiến sĩ bộ đôi. Ngày nay, đất nước tuy đã hòa bình, mặc dù không phải đấu tranh chống giặc ngoại xâm nhưng chúng ta đã, đang phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh. Thời gian gần đây, Việt Nam cũng như toàn thế giới phải đối mặt với cuộc chiến chống virus corona. Trong cuộc chiến này, nổi bật lên là hình ảnh của những bác sĩ - anh hùng áo trắng kiên cường, bất khuất không quản ngại nguy hiểm đối mặt với dịch bệnh.
Tại các vùng dịch trên thế giới, các y, bác sĩ không quản ngại khó khăn tiến vào để cứu chữa cho các bệnh nhân. Các y, bác sĩ nữ đã nén nỗi đau, kìm nước mắt khi phải chia tay mái tóc yêu thích của mình. Người thì phải rời xa vòng tay gia đình, rời xa vòng tay vợ/ chồng và con.
Những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu
Để đem lại sự sống, sự an toàn cho bệnh nhân, các bác sĩ không quản ngại khó khăn thậm chí ngay cả khi biết phải đối mặt với rủi ro, nguy hiểm. Họ phải hi sinh hầu như moi thứ để tập trung hết sức đẩy lùi dịch bệnh. Họ không có thời gian chăm lo cho bản thân, gia đình. Những tháng ngày đằng đẵng trong bệnh viện không được về nhà, những bữa cơm ăn vội. Họ chỉ dám hôn người chồng, người thân, con qua cửa kính, qua khẩu trang, qua một khoảng cách nhất định, những người mẹ nhìn con mà không dám ôm hôn. Khi biết người thân mất mà họ không dám về nhà.
Hình ảnh các bác sĩ ngủ gục trên bàn làm việc, những bác sĩ, y tá chân tay bị sưng tấy, nứt nẻ, rướm máu do sử dụng chất khử trùng hay đồ bảo hộ đã không còn xa lạ với người dân Việt Nam cũng như trên thế giới. Điều này càng làm cho hình ảnh các bác sĩ trở nên đẹp hơn bao giờ hết.
Trong điều kiện cuộc chiến ngày càng khốc liệt, trang thiết bị y tế không đáp ứng đủ, ở nhiều nơi trên thế giới, các bác sĩ phải tận dụng hết mức có thể thậm chí dùng túi rác thay quần áo bảo hộ. Biết là nguy hiểm, nhưng họ vẫn không lùi bước, họ vẫn ngày đêm chạy đua với thời gian, chạy đua với thần chết để giành lấy sự sống cho bệnh nhân. Trong bối cảnh dịch bệnh, họ vừa là bác sĩ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhưng cũng đồng thời là cha mẹ, anh chị bạn bè động viên tinh thần bệnh nhân cùng họ đấu tranh với bệnh tật. Họ đau cùng nỗi đau của bệnh nhân. Chứng kiến hàng trăm sinh mạng phải ra đi, thậm chí ngay cả đồng nghiệp người thân của mình, họ cũng có lúc tuyệt vọng, mệt mỏi. Tuy nhiên trách nhiệm của người bác sĩ không cho phép họ được gục ngã.
Những bác sĩ không cho phép mình “gục ngã” trong cuộc chiến chống COVID-19
Nhiều khi làm việc quá mệt mỏi, họ chỉ mong có được một giấc ngủ. Những giấc ngủ vội vì kiệt sức do làm việc suốt nhiều giờ xảy ra thường xuyên. Khi chúng ta chìm trong giấc ngủ ngon thì họ vẫn bận rộn với công việc và chỉ kịp chợp mắt trong chốc lát.
“Giấc ngủ vội, manh chiếu cói trên sân
Thở qua khẩu trang, áo quần bảo hộ”
(Lương Đình Khoa)
Xót xa hình ảnh các tình nguyện viên ngủ vội trên chiếc chiếu cói
Cho dù phải chịu nhiều đau đớn, khổ cực nhưng các y, bác sĩ vẫn luôn ở nụ cười trên môi. Những nụ cười giữ vững tinh thần, sự lạc quan, yêu đời để đối phó với dịch bệnh. Họ là những anh hùng áo trắng đi đầu trong chiến dịch. Họ sẵn sàng hi sinh tính mạng, hạnh phúc của bản thân, trực ngày trực đêm để chống dịch. Họ là những người đứng đầu tiền tuyến. Những sự cống hiến lặng thầm của các y bác sĩ nơi tuyến đầu sẽ luôn khắc sâu trong mỗi con người Việt Nam nói riêng, người dân trên toàn cầu nói chung.
Vì vậy, chúng ta mỗi người dân Việt Nam hãy cùng chung tay làm giảm bớt gánh nặng, giúp các bác sĩ đẩy lùi dịch bệnh. Hãy tuân thủ đầy đủ hướng dẫn của Bộ Y tế. Các bác sĩ đi làm vì chúng ta, vậy chúng ta hãy ở nhà vì họ. Chúc các bác sĩ, y tá khỏe mạnh, luôn giữ vững tinh thần lạc quan với hi vọng đất nước Việt Nam thân yêu sẽ sớm kết thúc dịch bệnh nguy hiểm.
Bài viết: Đặng Minh Thu (6A2)
Ảnh: Sưu tầm