Ngày thứ tư 20/2/2013 đã thực sự trở nên đầy ý nghĩa với các thầy cô giáo trường Nguyễn Tất Thành cũng như nhóm phóng viên chúng tôi khi được tham dự buổi Hội thảo: "Tăng cường giáo dục biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững ở các trường phổ thông bậc trung học tại Hà Nội ", diễn ra vào lúc 8h30’ tại phòng Hội đồng 107 trường Nguyễn Tất Thành.

Buổi hội thảo vinh hạnh được đón chào sự góp mặt của hai chuyên gia tới từ Thụy Điển là Staffan Svanberg và Iann Lundegard. Bên cạnh đó, về phía chuyên gia Việt Nam có PGS.TS Trần Đức Tuấn, TS Đào Ngọc Hùng, Hiệu trưởng trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành - cô giáo Nguyễn Thị Thu Anh, một số các cô giáo Hiệu trưởng từ các trường phổ thông khác và các thầy cô giáo trường Nguyễn Tất Thành.

Khai mạc buổi hội thảo là lời phát biểu của chuyên gia tới từ Thụy Điển – Thầy Staffan. Thầy nói rằng thầy rất vui khi được có mặt ở đây để giao lưu với các thầy cô giáo trường Nguyễn Tất Thành và rất mong chờ được trao đổi với các thầy cô giáo về vấn đề biến đổi khí hậu. Thầy đã dành suốt mười lăm năm trong cuộc đời mình để nghiên cứu và thuyết trình về các vấn đề biến đổi khí hậu tại rất nhiều nơi trên toàn thế giới…

Những tràng vỗ tay tán thưởng vang lên không ngớt nhưng sự ngại ngùng, e dè vẫn còn xuất hiện trên khuôn mặt của một số thầy cô giáo. Không bao lâu sau, bầu không khí sôi nổi nhanh chóng xuất hiện khi thầy giáo Staffan tổ chức một trò chơi thú vị với cái tên “A circle” (một vòng tròn). Các giáo viên được hướng dẫn xếp thành hai vòng tròn: lớn ở ngoài, bé ở trong và di chuyển theo hai chiều đối ngược nhau . Thầy sẽ đọc câu hỏi và tất cả mọi người sẽ trả lời thật nhanh “Có” hoặc “Không”. Nếu “Có”, tất cả giáo viên ở vòng tròn lớn sẽ di chuyển vào vòng tròn bé. Nếu “Không”, mọi người sẽ đứng yên tại vị trí của mình. Một sự khởi động đầy hứa hẹn!


Cùng nhau khởi động bắt đầu buổi hội thảo một cách vui vẻ

Tiếp đó các thầy cô giáo được chia nhóm ba người ngẫu nhiên để thảo luận trả lời câu hỏi “Bạn mong muốn nhận được điều gì khi tham gia buổi hội thảo?". Và tất nhiên phần lớn câu trả lời của các thầy cô giáo là mong muốn sẽ hiểu rõ hơn về vấn đề biến đổi khí hậu, những phương pháp để có thể tự “cứu thoát”mình trong tương lai và cách tổ chức một lớp học như thầy dạy ngày hôm nay.

 "Bạn tin tưởng điều gì vào khí hậu của tương lai?"- đó là câu hỏi mở đầu cho bài học về Giáo dục biến đổi khí hậu. Mỗi học viên phải độc lập suy nghĩ để lựa chọn cho mình một đáp án trong “Bốn tầm nhìn của tương lai”. Những người chung đáp án sẽ tập hợp thành nhóm để tiếp tục thảo luận. Thật thú vị khi thầy giáo yêu cầu người đại diện nhóm lên trình bày phải đáp ứng tiêu chí “tên ngắn nhất”!

Đến 10h, tất cả thành viên của buổi hội thảo có cơ hội tham dự một tiết sinh hoạt của Câu lạc bộ Green Environment (GEC) trường Nguyễn Tất Thành và được thưởng thức một vở kịch thú vị mang tên “Lâm Tặc”. Các anh chị lớp 12D1 đã diễn một vở kịch vô cùng funny, đến nỗi những thầy cô giáo khó tính nhất cũng phải bật cười. CLB đã truyền tải được ý nghĩa về việc bảo vệ môi trường rất sâu sắc và thú vị. Có lẽ vì thế mà thầy Staffan đã bày tỏ ý muốn kết nối CLB GEC của trường Nguyễn Tất Thành với những CLB có chung mục đích bên Thụy Điển. Điều đó thật ý nghĩa và đáng tự hào, phải không các bạn?


Những diễn viên chính góp mặt trong vở kịch “Lâm tặc”.


Thái độ tự tin trong giao tiếp của chủ tịch CLB Green Environment

Đã 11h, nhưng trước khi nghỉ trưa, các thành viên tham gia buổi Hội thảo vẫn say sưa cùng nhau thảo luận về vấn đề ô nhiễm môi trường với chủ đề chính là Dấu chân sinh thái và biến đổi khí hậu. Rất nhiều quan điểm trái ngược nhau đã được đưa ra, mỗi người đều có ý kiến riêng và luôn giữ vững quan điểm của mình. “Biến đổi khí hậu là một đề tài quan trọng, nó ảnh hưởng đến cả con người và sinh vật xung quanh. Rất nhiều hội nghị đã được đưa ra để có thể tìm ra giải pháp và công ước chung cho việc biến đổi khí hậu. Vậy toàn cầu hóa ở đây có lợi gì?”- mỗi câu hỏi đặt ra lại đem đến thêm nhiều sự thích thú cho người trả lời.

Buổi chiều bắt đầu với phần giao lưu với ba học sinh đạt giải cao nhất trong cuộc thi vẽ tranh Tuyên truyền về biến đổi khí hậu của trường Nguyễn Tất Thành. Những bức tranh đã truyền tải đến người xem những thông điệp sâu sắc về việc bảo vệ Trái Đất của chúng ta trước nguy cơ biến đổi khí hậu


Tác giả của những bức tranh đoạt giải cao lên thuyết trình

Tiếp tục là một bài tập hấp dẫn với nội dung “Giao thông trên đường”. Mỗi người sẽ phải nêu ra ý kiến của bản thân mình về vấn đề “Các phát triển kĩ thuật sẽ giúp phát triển giao thông đường bộ?”. Có sáu mức độ để bạn lựa chọn, từ “hoàn toàn không đồng ý “đến “hoàn toàn đồng ý”. Mỗi nhóm sẽ phải bàn bạc để tìm ra lí do “bảo vệ “cho nhóm mình và thuyết phục được các nhóm khác nữa. Lần này, người có ngón tay út ngắn nhất sẽ là người đại diện phát biểu. Mọi người tranh luận sôi nổi hào hứng, ai cũng cố tìm ra lí do chính đáng nhất để “bảo vệ “cho nhóm của mình, khiến cho căn phòng luôn tràn ngập tiếng cười…


Cô Thu Hà đang bảo vệ cho ý kiến của nhóm mình

Vẫn tận dụng tối đa ưu thế của hoạt động chia nhóm, cuộc hội thảo tiếp tục với nội dung vẽ sơ đồ tư duy về một hiện tượng cụ thể của biến đổi khí hậu. Các bài tập được thực hiện linh hoạt dưới mọi hình thức đã gây được hứng thú cho các học viên tham gia dù thời gian khá căng thẳng. Đây cũng chính là những phương pháp tổ chức dạy học quý giá mà những thành viên tham gia đã thu nhận được.

Trước khi buổi hội thảo kết thúc, các thành viên cùng tham quan phòng triển lãm với chủ đề Phòng chống biến đổi khí hậu. Có thể nói các học sinh dưới mái trường mang tên Bác không chỉ học giỏi mà còn rất có tài năng, thể hiện được những bức vẽ, sáng tạo những sản phẩm gây được ấn tượng tốt đẹp với người xem, nhất là với những chuyên gia đến từ Thụy Điển.




Buổi hội thảo đã giúp chúng tôi hiểu thêm về môi trường xung quanh ta và giá trị của việc gìn giữ môi trường. “Gìn giữ môi trường ngày hôm nay chính là bảo vệ môi trường cho con cháu mai sau!”. Tuy chỉ kéo dài có một ngày nhưng chắc chắn sau ngày hôm nay, suy nghĩ của những người tham gia buổi hội thảo về môi trường và khí hậu chắc chắn sẽ thay đổi đáng kể, có phải vậy không?

Trịnh Nguyễn Minh Anh, Trần Ngọc Quỳnh- lớp 8A5 (CLB Phóng viên)