Từ ngày con hát lên tiếng “Oe, oe,…” chào đời, có thể lúc ấy con đã không thể hiểu giọt lệ lặng lẽ lăn trên nụ cười của mẹ, con cũng chẳng thấu hết được con cò trong những lời ru, nhưng có lẽ làn da non nớt lúc bấy giờ của con đã cảm nhận được hơi ấm ngọt ngào của mẹ đang mơn man khắp da thịt.
“Mẹ!”. Khi con bập bẹ biết nói, tiếng con thốt lên đầu tiên cũng là “mẹ”. Chỉ một tiếng gọi thôi nhưng nó thật thiêng liêng và cao cả biết bao. Đó là một nốt nhạc nhưng mới đẹp đẽ và đặc biệt làm sao!
Tuổi thơ con lớn lên trong vòng tay của mẹ. Bố luôn đi làm xa, hay về muộn, chỉ có mình mẹ bên con. Mẹ chăm sóc con từng bữa ăn giấc ngủ. Nhớ mỗi khi mẹ vừa đi làm về đã vội vàng cơm nước cho gia đình, làm từng công việc nhà từ nhẹ đến nặng, từ việc trông em, cho con ăn sữa đến nấu bữa cơm tối cho gia đình, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa. Lúc ấy con còn thơ ngây đâu có hiểu những nỗi vất vả, khó nhọc của mẹ và những áp lực, sức ép đè nặng lên đôi vai hao gầy.
Hai đứa trẻ chỉ nhìn mẹ bằng bốn giọt nước trong veo ngân ngấn lệ, thiết tha: “Ơ mẹ đâu rồi, mẹ ra chơi với chúng con đi!”. Đến khi thấy mẹ mệt mỏi đặt từng bước nặng trĩu vào phòng, hai đứa nhỏ mới nở một nụ cười mãn nguyện. Chúng kéo váy mẹ, đu lên người mẹ, cùng mẹ chơi oẳn tù xì, chơi xếp hình, chơi búp bê. Chúng cười giòn tan, mẹ của chúng cũng bất giác mỉm cười. Lúc này trong mắt chúng, mẹ không còn dáng vẻ phờ phạc, mỏi mệt sau bao bộn bề của cuộc sống, mẹ như hóa thành một trong số chúng, một đứa trẻ, vì chỉ có một đứa trẻ mới có thể hiểu hai đứa trẻ nói những chuyện gì và cảm nhận niềm vui trong những trò chơi thời thơ ấu.
Lớn lên một chút, nhìn giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán của mẹ, chúng con đã tự nhủ rằng khi con lớn thêm chút nữa thì mẹ sẽ chẳng còn phải lo toan những việc nhỏ trong nhà bởi mẹ đã có chúng con. Hai đứa trẻ ngóng trông mình lớn lên từng ngày như ngóng từng chiếc lá vàng úa buông rơi trong không gian se lạnh. Nhưng đâu phải vậy!
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con.”
Dù con có lớn khôn đến đâu, trưởng thành đến đâu thì đối với mẹ, con vẫn chỉ là một đứa trẻ “to xác”, vẫn còn cần người chăm bẵm. Như một sợi dây vô hình kết nối giữa hai tâm hồn máu mủ, mẹ luôn luôn bên con và hiểu con, đôi khi còn sâu sắc và chính xác hơn sự hiểu biết của con về chính bản thân mình. Nhớ lúc mẹ ngồi học cạnh đứa em 13 tuổi của con, dù đã lớn hơn năm ba tuổi rất nhiều nhưng vẫn phải để mẹ lo lắng. Nhớ những lúc con tưởng mình gục ngã, nhớ khi mọi người đều quay lưng lại với con, nhớ khoảnh khắc trống vắng, một mình bó gối nơi góc tường phòng không màu. Nhớ cả khi mẹ cố gắng hết mình để mở toang cánh cửa lạnh lẽo để mang ánh sáng vào góc tối của con, khiến tâm hồn con dường như đẹp hơn, bình yên, và vững vàng. Vì con tin rằng dù mình có bị người ta hắt hủi, ghẻ lạnh thì vẫn có một người luôn cạnh bên và âu yếm con. Đối với con, mẹ không chỉ là ánh sáng, mẹ còn là niềm tin và lẽ sống của cuộc đời con.
Người ta có những ngày 20/10, mùng 8/3 hay Ngày của Mẹ để tri ân người phụ nữ vĩ đại đã sinh ra chúng ta nhưng tại sao con phải làm như họ? Con có tận 365 ngày trong một năm và nhiều năm trong cuộc đời để yêu mẹ, để thương mẹ, để ôm mẹ, để trao cho mẹ những cái hôn lên gò má, để ba mẹ con cùng nắm tay dạo quanh phố phường Hà Nội, và để nói: “Con yêu mẹ rất nhiều!”. Con luôn trân trọng và biết ơn mẹ. Mẹ đã nhẹ nhàng bước vào cuộc đời con, nhắc nhở những con người bộn bề với biết bao lo toan có thể quay về nhà, sà vào vòng tay những người phụ nữ thân yêu và gửi đến họ những lời cảm ơn chân thành nhất.
“Mẹ…
…là tất cả…
…là bài học đầu tiên…
…là tuổi thơ bé con êm đềm, ngọt ngào như viên kẹo…
…là những nụ hôn vào má…
…là người bạn thân yêu…
…là người cầm tay con đi trên đoạn đường tiếp đến…
…là người thả tay con ra và dõi theo con khi con trưởng thành…
…là một đứa trẻ…
…à không, là một người lớn bên cạnh hai đứa trẻ…”
Bài viết: Phạm Quỳnh Chi (10D2)
Ảnh: Sưu tầm