TTTĐ - Cuộc sống hiện đại, bận rộn khiến mọi người không có nhiều cơ hội để tìm hiểu, cảm nhận được cái hay, cái đẹp của nhạc cụ dân tộc. Hiểu được điều đó CLB Nhạc cụ dân tộc TMIC của trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành không ngừng lan tỏa, thay đổi cái nhìn của mọi người, đặc biệt qua Liên hoan các ban, nhóm nhạc học sinh THPT Hà Nội lần thứ nhất năm 2023.

Khó khăn là điều không thể tránh

Thầy Hà Chí Bắc hiện là giáo viên âm nhạc trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành và cũng là trưởng đoàn của CLB Nhạc cụ dân tộc TMIC tham gia Liên hoan các ban, nhóm nhạc học sinh THPT Hà Nội lần thứ nhất năm 2023.

CLB Nhạc cụ dân tộc TMIC tại Liên hoan các ban, nhóm nhạc học sinh THPT Hà Nội lần thứ nhất năm 2023
CLB Nhạc cụ dân tộc TMIC tại Liên hoan các ban, nhóm nhạc học sinh THPT Hà Nội lần thứ nhất năm 2023

Là người quán xuyến CLB, anh chia sẻ về những khó khăn lúc luyện tập: “Vì môi trường giảng dạy là THCS và THPT không phải chuyên nghiệp nên trong trường chỉ có 1 - 2 giáo viên dạy nhạc cụ dân tộc. Một mình phải ôm dạy tất cả các loại đàn nhạc cụ dân tộc trong khi chuyên ngành của mình là sáo”.

Nhận thức được giới hạn của bản thân, anh Bắc luôn tìm tòi, nâng cao khả năng của để dạy cho các em học sinh về các loại nhạc cụ: “Hạn chế của mình là solo độc tấu, nhưng kiến thức cơ bản của tất cả các loại đàn để đệm hát hòa tấu thì mình có đủ khả năng. Mình đã tham khảo anh em học trong trường chuyên nghiệp một số kiến thức về nhạc cụ để truyền đạt cho học sinh trong trường”.

Không chỉ với người thầy dẫn dắt, các bạn thành viên CLB cũng có khó khăn riêng khi còn là những cô, cậu học sinh. Liên hoan diễn ra gần với kỳ thi của trường nên các thành viên trong câu lạc bộ cũng phải phân chia thời gian một cách khoa học.

“Sau thời gian học sáng ở trường, các thành viên trong CLB sẽ tranh thủ 30 phút tập luyện sau đó ăn trưa, ngủ, nghỉ bán trú tại trường. Hơi vất vả nhưng mọi người đều cố gắng. Mình cũng không cho tập nhiều quá vì còn liên quan đến thời gian học tập, sinh hoạt của các bạn.

Vì trùng với các đợt thi khảo sát, mình không bắt ép nhóm luyện tập nhiều, các em cũng rất hồn nhiên nên không ảnh hưởng đến thi cử, học tập” – anh Hà Chí Bắc chia sẻ.

Ảnh: Tranh thủ thời gian rảnh, các bạn học sinh chăm chỉ tập luyện
Ảnh: Tranh thủ thời gian rảnh, các bạn học sinh chăm chỉ tập luyện

Đam mê với những “thanh âm” nhạc cụ dân tộc

Khó khăn, thách thức là thế nhưng cả thầy và trò đều không ngại khó, nỗ lực đem nhạc cụ dân tộc vươn xa hơn nữa. Anh Bắc tâm sự: “Các bạn có tình yêu với nhạc cụ dân tộc nên khi nghe có các cuộc thi, cả nhóm hào hứng lắm. Cứ ôn bài xong là điện cho mình hỏi nhạc cụ này sử dụng như thế nào, mình quay video hướng dẫn cả nhóm tranh thủ luyện tập.

Cách tập bài mới, các hòa thanh mình cũng tự nghĩ ra đánh sao cho hợp lý chứ không có tham khảo từ nhạc sĩ nào để phối bài. Mình tự phân câu phân đoạn ghi hợp âm, được cái là các em rất hào hứng, tinh thần cả nhóm rất cao”.

Lan tỏa tình yêu nhạc cụ dân tộc nước nhà với người nước ngoài
Lan tỏa tình yêu nhạc cụ dân tộc nước nhà với người nước ngoài

May mắn hơn nữa, các bạn học sinh còn được gia đình tạo điều kiện, ủng hộ nên thầy Hà Chí Bắc đã cho các bạn mượn đàn về nhà tập luyện, nâng cao khả năng.

Vượt qua vòng Sơ khảo, CLB TMIC tiến vào vòng Chung khảo với 2 bài hòa tấu “Cô gái vót chông” và dàn nhạc dân tộc đệm hát “Hồ trên núi”. Trưởng đoàn Hà Chí Bắc cho biết lý do lựa chọn tiết mục này là vì: “Mình muốn mọi người biết nhạc cụ dân tộc chơi được các thể loại, âm thanh khi nghe lên sẽ khác nhạc cụ phương Tây. Mình muốn mang 100% nhạc cụ dân tộc lên trên sân khấu biểu diễn các bài truyền thống để mọi người biết được văn hóa dân tộc nước nhà rất hay.

Nhạc cụ dân tộc của mình bị phương Tây du nhập nhiều quá và đang bị phai mời đi. Mình đã dùng chính những nhạc cụ dân tộc để tạo nên tiếng chim, tiếng đàn T’rưng như tiếng suối chảy, tiếng đàn tranh vang lên như âm thanh của rừng núi. Và mong muốn mọi người đam mê và yêu nhạc cụ dân tộc mình hơn”.

 Ban nhạc đã để lại ấn tượng sâu sắc với tiết mục hòa tấu tại Liên hoan các ban, nhóm nhạc học sinh THPT Hà Nội lần thứ nhất năm 2023
Ban nhạc đã để lại ấn tượng sâu sắc với tiết mục hòa tấu tại Liên hoan các ban, nhóm nhạc học sinh THPT Hà Nội lần thứ nhất năm 2023

Mặc dù lần đầu tiên được tổ chức nhưng Liên hoan các ban, nhóm nhạc học sinh THPT Hà Nội lần thứ nhất năm 2023 lại có ý nghĩa vô cùng to lớn. Qua cuộc thi này, học sinh đã được phát triển đam mê, năng khiếu và đặc biệt, đây cũng là cơ hội để các em được thư giãn, nghỉ ngơi sau những giờ học tập căng thẳng.

Không chỉ là nơi các em học sinh thể hiện đam mê với nhạc cụ dân tộc, CLB Nhạc cụ dân tộc TMIC của trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, lan tỏa những thanh âm của dân tộc đến công chúng.

Đình Trung

Lộ diện 7 ban nhạc xuất sắc nhất vào chung khảo

TTTĐ - Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, liên hoan các ban nhạc, nhóm nhạc học sinh THPT năm 2023 đã tìm ra 7 đội xuất sắc nhất vào vòng chung khảo. Đó là: CLB Nhạc cụ dân tộc TMIC (THCS và THPT Nguyễn Tất Thành), TOS Band (THPT Olympia), THPT Chu Văn An (THPT Chu Văn An), Kimlienmusic club (THPT Kim Liên), PIC (THPT Phan Đình Phùng), O5UG (THPT Việt Đức), Medley Melody THPT Phan Huy Chú - Đống Đa).


Tiết mục tham gia liên hoan tại vòng sơ khảo của ban nhạc O5UG trường THPT Việt - Đức

Lễ khai mạc vòng chung khảo sẽ diễn ra lúc 19h30 ngày 14/4/2023 (Thứ sáu) tại Sân khấu ngoài trời, Trường Trung học phổ thông Việt Đức (số 47 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và trên các nền tảng trực tuyến khác.

BTC đặc biệt lưu ý các ban nhạc tham gia chung khảo liên hoan, mỗi ban nhạc sẽ thể hiện 2 tác phẩm liên tục (Ban nhạc thể hiện ít nhất 1 tác phẩm mới không trùng lặp với tác phẩm đã biểu diễn tại vòng sơ khảo). Thể loại: Hòa tấu hoặc đệm hát.

Các ban nhạc có thể sử dụng dàn trống Jazz và 1 Piano điện tử do BTC bố trí sẵn. Các Ban nhạc tham gia Liên hoan sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, hình thức biểu diễn phải phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Chấp hành nghiêm các nội quy, quy định của BTC; Không dàn dựng múa phụ họa.

Trước đó, trong các ngày từ ngày 28 đến 30/3/2023, Liên hoan các Ban nhạc/Nhóm nhạc học sinh trung học phổ thông năm 2023 khai mạc và hoàn thành vòng sơ khảo với sự tham gia của 34 ban nhạc học sinh đến từ 30 trường trung học phổ thông công lập, tư thục và trường có vốn đầu tư của nước ngoài.

Trước sự cổ vũ nhiệt tình của các thầy cô giáo, các vị đại biểu và hàng ngàn học sinh đến từ các nhà trường cổ vũ động viên, 68 tiết mục được trình diễn tại vòng sơ khảo với các thể loại nhạc dân tộc, nhạc nhẹ trong nước và quốc tế, hình thức thể hiện phong phú đa dạng, có chất lượng nghệ thuật cao.

Ngọc Minh
Nguồn:
Link bài viết gốc