Có nên đi du học hay không? có lẽ đã trở thành một câu hỏi quen thuộc của các bạn học sinh, nhất là với học sinh cuối cấp. Câu hỏi ấy càng trở nên phổ biến hơn trong xã hội ngày nay khi Việt Nam đẩy mạnh quan hệ ngoại giao, hội nhập với các nước trên thế giới. Vậy, có đáp án chính xác nào trả lời cho câu hỏi này hay không?


Trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay, việc lựa chọn đi du học đã trở nên vô cùng phổ biến, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Riêng tại Việt Nam, nơi trào lưu du học ngày càng bùng nổ, có khoảng 190.000 du học sinh đang học tập và nghiên cứu ở nước ngoài.

Đầu tiên chính là nhờ cánh cửa học bổng rộng mở ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Cơ hội học bổng không chỉ đến từ chính phủ các quốc gia, mà còn từ rất nhiều trường đại học trên khắp thế giới với mong muốn tìm được những học sinh, sinh viên hay nghiên cứu sinh tốt nhất.


Lý do thường được nhắc đến tiếp theo đó chính là môi trường học tập. Không thể phủ nhận rằng việc học tập và nghiên cứu tại Việt Nam hiện nay khá ổn. Tuy nhiên, sự tồn tại của việc chỉ học lý thuyết mà thiếu lồng ghép thực hành vào bài giảng tại nhiều trường khiến môi trường học tập dường như còn cứng nhắc và gò bó. Vì vậy, không ít gia đình gật đầu cho con mình đi du học với mong muốn con em mình sẽ được tiếp xúc với nền giáo dục tiên tiến hơn, cũng như có những va vấp để trưởng thành hơn trong cuộc sống.


Quả thực, việc trở thành một du học sinh mang lại rất nhiều lợi ích. Trước hết là được tiếp xúc với ngôn ngữ bản địa, môi trường học ngoại ngữ vô cùng chất lượng. Việc được nghe, nói, hay thậm chí là học ngoại ngữ hàng ngày với những người thầy, người bạn bản xứ chính là cách tốt nhất để chúng ta trau dồi, rèn luyện kĩ năng của bản thân.


Bên cạnh đó, ta sẽ được học hỏi thêm về một nền văn hoá hoàn toàn mới. Suốt 12 năm học, đa số học sinh chỉ được tiếp xúc với các nền văn hoá khác nhau qua sách vở hay mạng internet, do đó, ta khó có thể có cái nhìn chân thực, sinh động về nền văn hoá mới. Nhưng khi lựa chọn du học đến một đất nước khác, bạn sẽ được trải nghiệm vô vàn những điều mới lạ tại nơi mình theo học.


Và lợi ích quan trọng nhất mà không thể không đề cập đến chính là cơ hội được học tập tại môi trường giáo dục tiên tiến. Còn gì thú vị hơn khi được trải nghiệm học tập với những công nghệ hiện đại, được trải nghiệm thực tế trong quá trình nghiên cứu hay có cơ hội tiếp xúc với những tư tưởng mới, giáo trình mới. Đó chưa phải là tất cả những gì chúng ta được nhận khi trở thành một du học sinh, mà bên cạnh đó, ta còn có thêm cho mình những người bạn mới, những kĩ năng vô cùng hữu ích và hơn hết là những trải nghiệm đáng nhớ có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống của bạn.


Dù là lựa chọn nào cũng sẽ có thuận lợi và khó khăn riêng của nó và con đường trở thành một du học sinh cũng không phải là một ngoại lệ. Điều đầu tiên mà đa số chúng ta đều nghĩ đến khi nói về du học chính là chi phí. Có một thực tế rằng, ngay cả khi bạn giành được học bổng toàn phần, bạn vẫn cần phải chi trả tiền sinh hoạt phí, và con số ấy, đặc biệt ở các quốc gia phát triển, không thể nhỏ như khi ở Việt Nam. Hơn nữa, với du học sinh, nỗi cô đơn, nhớ nhà chắc hẳn là điều khó có thể tránh khỏi. Bạn chỉ có một mình, xung quanh không người thân, lúc buồn hay vui cũng không ai chia sẻ, lại thấy chạnh lòng, nhớ gia đình, nhớ quê hương.

Có thể nói, du học là bước ngoặt lớn của cuộc đời. Bên cạnh những lợi ích, vẫn tồn tại những thách thức khi lựa chọn con đường này. Vì vậy, bản thân mỗi người chúng ta cần cân nhắc thật kĩ và đưa ra quyết định đúng đắn, phù hợp nhất với bản thân và điều kiện gia đình để đạt được thành công trên con đường mình đã lựa chọn!

Bài viết: Nguyễn Hạnh Nguyên (12D3)

Ảnh: Sưu tầm