Mỗi con đường ở Hà Nội đều mang trong mình một nét đẹp riêng, ẩn chứa đằng sau những câu chuyện kì thú. Chính điều đó đã tạo vẻ đẹp, sức hút kì lạ đến siêu lòng của Hà Nội. Trong số đó, chắc chắn, Cổ Ngư (đường Thanh Niên ngày nay) là một cái tên tiêu biểu, quen thuộc với mỗi người dân Hà thành. Nằm lặng mình giữa một Hà Nội đông đúc, hối hả, vội vàng, đường Cổ Ngư mang một nét đẹp cổ kính xen lẫn chút hiện đại, kiểu cách.


Đường Thanh Niên tĩnh lặng giữa một Hà Nội nhộn nhịp

Ghi chép rằng, đường Cổ Ngư có từ thế kỉ XIV, nhưng khi đó, Cổ Ngư chỉ là một con đê nhỏ nối liền hai bên bờ với nhau, nhằm mục đích giao thương, đi lại, mua bán của người dân. Về sau, ở mỗi thời kì, con đường lại được mở rộng ra, nhưng không đáng kể. Mãi cho đến khi giải phóng Thủ Đô, vào năm 1957, hưởng ứng phong trào của ngày Lao động Cộng sản, hàng vạn thanh niên, cơ quan trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện nghĩa vụ Lao động công ích Xã hội Chủ nghĩa. Phong trào đã vận động vận chuyển được hàng nghìn mét khối đất từ sông Hồng về để bồi đắp nên con đường to rộng, khang trang như ngày nay. Đến năm 1959, con đường Cổ Ngư chính thức hoàn thành và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là đường Thanh Niên như ngày nay. Bác bảo, do con đường được thanh niên làm nên gọi luôn là đường Thanh Niên, ý nghĩa nó chỉ đơn giản vậy thôi.


Đường Cổ Ngư xưa nhìn từ trên cao

Đại Việt sử ký chép rằng: “Năm 1427, Bình Định Vương Lê Lợi sai đắp đường từ Yên Hoa xuống cửa Bắc thành Đông Quan để tấn công quân Minh bị vây trong thành”, đây là bằng chứng rõ ràng nhất còn được giữ lại về lịch sử hình thành của con đường này. Về ý nghĩa của từ Cổ Ngư, cũng có nhiều giả thuyết thú vị được đặt ra, nhưng vẫn chưa có ý kiến nào được chấp thuận, kiểm chứng hoàn toàn. Có ý kiến cho rằng Cổ Ngư được dịch theo nghĩa chữ Hán, có nghĩa là con cá cổ, con cá xưa. Nhưng nếu dịch theo nghĩa vừa Nôm vừa Hán, thì Cổ Ngư lại có nghĩa là cổ của một con cá. Tức là, coi hồ Trúc Bạch như đầu, còn Hồ Tây như mình cá. Cũng có ý kiến lại cho rằng, Cổ Ngư thực chất là cách đọc lệch của Cố Ngự (giữ cho vững), ý chỉ cái đê ngăn nước kiên cố. Đó là vài trong số nhiều cách giải thích khác nhau mà dân gian vẫn thường truyền tai nhau.


Một góc đường Thanh Niên xưa

Nối dài từ ô Yên Hoa (nay là đầu phố Yên Phụ) đến đền Quán Thánh, chỉ với hơn 1km chiều dài, đường Thanh Niên lại sở hữu rất nhiều địa điểm lịch sử văn hoá quý báu. Trong đó, phải kể đến đn Quán Thánh, có từ thời vua Lý Thái Tổ, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ. Ngôi đền cùng với đền Bạch Mã, đền Voi Phục và đền Kim Liên tạo thành Thăng Long Tứ Trấn, trấn giữ 4 cửa ngõ thành Thăng Long khi xưa. Ngoài ra, nếu bỏ qua chùa Trấn Quốc thì thật sự là một thiếu sót lớn. Nằm trên một bán đảo nhỏ ở phía Đông hồ Tây, chùa Trấn Quốc mang vẻ đẹp uy nghiêm, cổ kính, thanh nhã giữa mây hồ mênh mang. Nổi tiếng là nơi cửa Phật linh thiêng, mỗi năm, chùa Trấn Quốc thu hút hàng vạn tín đồ và du khách thập phương. Đây được coi là ngôi chùa cổ nhất ở Hà Nội và kinh thành Thăng Long khi xưa với hơn 1500 năm lịch sử.


Chùa Trấn Quốc - Biểu tượng Phật giáo giữa lòng Thủ đô

Không phải chỉ riêng đời nay, đây mới là con đường tình yêu, mà từ thời Pháp thuộc, đường Cổ Ngư đã là con đường nơi tài tử giai nhân dập dìu sánh bước. Đó là bởi, con đường nằm ở vị trí đắc lợi, có gió mát, trăng trong, đầy thơ mộng. Đường Thanh Niên với một bên là Hồ Tây bao la sóng vỗ, một bên là hồ Trúc Bạch lãng mạn, phảng phất hơi sương đã tạo nên một bức tranh thuỷ mặc đẹp siêu lòng người. Ở đây, quanh năm cây xanh rợp bóng, hương hoa lan toả; chiều tà, người ta có thể trông thấy bóng hoàng hôn đi xuống với nhiều gam màu khác nhau. Cũng bởi sự thơ mộng, lãng mạn hết sức riêng, đường Thanh Niên đã đi vào biết bao trang thơ ca, nhạc tình. Ca dao Hà Nội xưa có câu:

Trên đê cố ngự, nhớ chữ đồng tâm

Hỡi cô đội nón ba tầm

Có về Yên Phụ hôm rằm lại sang

Phiên rằm chợ chính Yên Quang

Yêu hoa, anh đợi hoa nàng mới mua

Cùng với thời gian, đường Thanh Niên dần trở thành một phần không thể thiếu của mỗi con người Hà thành nói riêng và cả nước nói chung. Chắc chắn, con đường sẽ mãi tồn tại theo năm tháng, trải qua thăng trầm, buồn vui cùng người Hà Thành, trở thành nhân chứng của lịch sử.

Bài viết: Phạm Quốc Đạt (11N1)

Ảnh: Sưu tầm