Cùng với sự phát triển không ngừng của các phương tiện truyền thông, con người ngày càng được tiếp cận với nhiều luồng thông tin, kiến thức đa dạng. Khác với xưa, khi báo đài là những phương tiện duy nhất giúp con người cập nhật tình hình xã hội, thế giới, hiện nay, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, ta hoàn toàn có thể tiếp cận được với toàn bộ tri thức của nhân loại. Tuy nhiên, điều này cũng đem đến không ít bất cập.
Vào tháng 4/2019, Đại học Kỹ thuật Đan Mạch đã đưa một báo cáo kết luận rằng: “Hiện nay, con người đang có nhiều thứ để chú ý hơn, nhưng lại thường chú ý trong một khoảng thời gian ngắn hơn”. Báo cáo cũng chỉ ra rằng vào năm 2013, một xu hướng toàn cầu trên Twitter (Twitter Global Trend) trung bình sẽ kéo dài trong 17,5 giờ. Nhưng vào năm 2016, con số đó đã giảm mạnh xuống chỉ còn 11,9 giờ. Nói một cách đơn giản, khả năng tập trung của con người đang ngày càng ngắn đi do phải tiếp xúc với quá nhiều luồng thông tin, sự việc.
Việc có quá nhiều thông tin được đưa lên các phương tiện truyền thông đại chúng với tốc độ chóng mặt, khiến bộ não chúng ta không thể theo kịp các sự việc trên thế giới. Một vấn đề đưa ra, chưa được bàn đủ sâu, tường tận cho người đọc hiểu, thì lại có một vấn đề khác nóng hơn nổi lên. “Xu hướng thông tin nhanh” dẫn đến việc sinh ra những bài báo nông nghĩa, chung chung, không có thông tin đáng giá, đồng thời cũng khiến ngày càng có nhiều người đọc lướt, đọc nhanh qua các bài báo, dù chưa hay mới hiểu một phần thông tin mà người viết muốn gửi đến. Thống kê chỉ ra rằng, khi lướt web, mạng xã hội, một người trung bình chỉ đọc từ 20 - 28% lượng chữ và sẽ dời đi trong khoảng 10 - 20 giây với một bài viết. Hiện trạng này đặt ra một yêu cầu mới, cấp thiết với mỗi người viết, không chỉ riêng những người làm báo, đó là: Viết ít, hiểu nhiều.
Nhìn sang giáo dục hiện nay, vẫn còn không ít người có lầm tưởng: “Viết văn càng dài càng được điểm cao”. Đó là một tư duy hoàn toàn sai lầm. Một khi ta viết đủ sâu, đủ ý, dù bài viết ngắn gọn cũng sẽ được điểm cao, thậm chí sẽ cao hơn những bài viết với hàm ý tương tự nhưng lại rườm rà, dài dòng. Đó là lí do tại sao ngày càng có nhiều đề văn quy định rõ ràng số từ tối thiểu và tối đa. Mục đích là để rèn khả năng giải thích, trình bày vấn đề ngắn gọn, dễ hiểu cho học sinh. Bởi suy cho cùng, hiếm có bản báo cáo, văn bản hành chính, hay bất cứ công việc gì trong cuộc sống của học sinh lại yêu cầu phải càng dài dòng, vòng vo càng tốt.
Vì vậy, trước khi đặt bút viết hay gõ một dòng văn bản, mỗi chúng ta đều nên đặt mình vào vị trí của người đọc, quan tâm đến nhu cầu của họ. Chúng ta luôn phải tự hỏi: “Người đọc cần gì từ bài viết này? Nếu để chọn một điều duy nhất, ta muốn người khác nhớ gì về bài viết của ta?”. Đồng thời, chúng ta cũng cần hạn chế tối đa sử dụng những từ ngữ hoa mỹ, cấu trúc phức tạp, với mục đích khoe mẽ, phô trương. Bởi việc này khiến người đọc tốn nhiều thời gian nhưng vẫn rất khó để hiểu người viết đang muốn truyền tải điều gì. Càng đơn giản càng tốt, bởi một bài viết thành công là khi 1, 10, hay thậm chí 100, 1000 người đọc cũng không hiểu sai ý của người viết. Hãy luôn áp dụng quy luật 80/20 vào bài viết, bài nói của mình: “Liệu 20% những điều quan trọng mình viết, nói đã khiến người đọc, nghe hiểu về 80% những điều còn lại?”.
Bài viết: Phạm Quốc Đạt (11N1)
Ảnh: Sưu tầm