Giải Nhì cuộc thi “Sách và tôi” - năm học 2023-2024
“Nếu một người tha thiết muốn làm một điều gì đó thì người ấy sẽ làm được thôi.” Trên con đường trưởng thành, chúng ta càng tiến bước, mọi việc lại càng khó khăn hơn khiến ta chùn chân, muốn bỏ cuộc. Thế nhưng trong những khoảnh khắc tưởng chừng như mọi thứ vụt mất khỏi tầm với, ta lại nhận ra giá trị của bến bờ trước mắt, nhận ra ta muốn chạm tay, chinh phục nó biết nhường nào. Trong cuốn sách “Bồ câu bay đi tìm bà”, khát vọng được yêu thương, được tự do của cậu bé Finn và em gái Derval đã làm nên những điều kì diệu, với những hi vọng về một trang đời mới ấm áp và ngập tràn hơi ấm tình thân.
“Bồ câu bay đi tìm bà” được chắp bút bởi tác giả Walter Macken. Ông là nhà văn, nhà soạn kịch nổi tiếng người Ai-len. Xuất thân là diễn viên, Macken chỉ bắt đầu tập trung hoàn toàn vào sự nghiệp viết lách sau thành công của cuốn sách “Rain on the wind” - tác phẩm đã làm nên tên tuổi của ông. Gia tài sáng tác của ông còn có đến 5 tuyển tập truyện ngắn cùng 2 tiểu thuyết dành cho thiếu nhi, một trong số đó là “Bồ câu bay đi tìm bà” - cuốn sách nuôi dưỡng tâm hồn mỗi đứa trẻ từ những điều giản đơn nhất.
Ấn tượng đầu tiên của người đọc với “Bồ câu bay đi tìm bà” có lẽ chính là trang bìa của cuốn sách. Hai anh em trong câu chuyện mang họ Dove, mang ý nghĩa là hai chú bồ câu nhỏ với khát khao được tự do. Chính vì vậy, ngay giữa bìa của cuốn sách là hình ảnh chú chim bồ câu đang dang rộng đôi cánh, dũng cảm vượt đường xa để đi tìm nơi chứa tình yêu thương. Bao phủ bởi màu xanh, nó còn như một biểu tượng của niềm hy vọng, ước mong được sống trong một mái ấm gia đình thực sự của anh em nhà Dove. Những hình ảnh thân thuộc song ẩn chứa đầy ý nghĩa đã đưa người đọc đến gần hơn với chuyến hành trình tìm bà nhiều kì thú mà sẽ được hé mở khi ta lật từng trang sách tiếp theo.
“Bồ câu bay đi tìm bà” kể về cuộc hành trình của cậu bé Finn, 12 tuổi và em gái Derval, 7 tuổi lên đường đi tìm bà ngoại ở phía tây của đất nước Ai-len xa xôi. Hai đứa trẻ mồ côi cha từ nhỏ, mẹ bước thêm bước nữa nhưng cũng qua đời không lâu sau đó. Không thể chịu nổi những trận bạt tai, hành hạ tinh thần của cha dượng độc ác Toby, Finn đã đi đến quyết định cùng em gái của mình vượt biển, qua khỏi biên giới nước Anh để đi tìm đến nơi có hơi ấm gia đình bên người bà O’Flaherty đáng mến. Hành trình của hai chú bồ câu bé nhỏ ẩn chứa vô vàn những thử thách. Không tiền bạc, không địa chỉ cụ thể, chỉ với trí nhớ mờ nhạt và tấm bản đồ cùng vài dòng nhật kí nguệch ngoạc mơ hồ, Finn và Derval đã phải vượt qua những hiểm nguy, đối mặt với sự truy đuổi của cha dượng, đồng thời cũng tìm kiếm sự trợ giúp từ những người xa lạ.
Trong sách luôn lặp đi lặp lại hình ảnh Finn băn khoăn, liệu quyết định này của mình có đúng hay không. Nhưng mỗi lần nhìn thấy em gái, cậu lại càng chắc nịch hơn về quyết định của mình. Mục đích cuối cùng cũng chẳng phải là vì cậu, rằng cậu đã lớn, đã có thể tự lo cho bản thân, còn Derval, em gái của cậu thực sự cần một người để yêu thương, chăm sóc. Finn luôn tâm niệm: “ Đây là toàn bộ ý nghĩa của chuyện này. Đây là lí do tại sao mình làm việc này, để em gái mình được ở bên những người yêu thương nó, lắng nghe nó nói. Vì chính điều này, nếu không phải là vì điều gì khác.” Vậy là cậu bé đã có câu trả lời thích đáng cho chuyến hành trình ấy.
Walter Macken đã tạo nên một câu chuyện đầy lôi cuốn và hấp dẫn. Cuộc phiêu lưu dài của hai anh em hiện lên đầy thú vị nhưng cũng không kém phần kịch tính. Finn và Derval đã trải qua không ít những khó khăn và thử thách để đi tìm người bà của mình - bến đỗ tình yêu mà chúng luôn khao khát. Sự hấp dẫn và lôi cuốn trong từng chương truyện của tác phẩm khiến cho người đọc không thể rời mắt, tò mò muốn biết liệu hai anh em nhà họ Dove có tìm được bà ngoại của chúng hay không? Hay sau cùng, chúng vẫn phải quay về cái nơi mà chúng không nhận được tình yêu thương? Tác giả đã xây dựng một cốt truyện với các tình huống được bố trí tài tình, chẳng hạn như mỗi khi hai anh em nhà Dove gặp khó khăn, ở đâu đó luôn có những người tốt xuất hiện như một điều kì diệu để giúp đỡ hai anh em. Bằng chính sự tài tình ấy, ông đã dẫn dắt người đọc qua nhiều cung bậc khác nhau của cảm xúc, từ tức giận, tò mò, thích thú, hồi hộp rồi vỡ oà khi hai anh em tìm được bà ngoại. Tác giả đặt các nhân vật vào các tình huống khác nhau để khắc hoạ diễn biến tâm lí cũng như qua đó, các nhân vật dần dần bộc lộ bản chất và tính cách của mình. Ngoài ra, với tài kể chuyện và bút pháp miêu tả tâm lí nhân vật khéo léo, tác giả cũng giúp người đọc hình dung trạng thái, cảm xúc của nhân vật một cách rõ nét nhất. Điều đó đã được tác giả thể hiện vô cùng thành công qua đoạn trích:
“...Tim cậu bắt đầu đập nhanh đến mức cậu phải nhắm mắt lại và không nhìn tờ báo một lúc. Derval đứng bên cạnh, khẽ đặt tay lên vai cậu. Rồi cậu lại đọc tiếp. [...]
Finn để tờ báo trên đầu gối trong khi cậu nghĩ về nó . Cậu rất bối rối. Tại sao dượng Toby lại truy tìm anh em cậu? Dượng lấy đâu ra một trăm bảng để treo thưởng? Và tại sao? Finn không nghĩ hai anh em cậu lại đáng giá tới một trăm bảng.
Rồi cậu nghĩ đến điều tốt đẹp. Nickser biết về số tiền một trăm bảng. Việc cung cấp thông tin cho cảnh sát đối với ông dễ ợt. Nhưng ông không làm thế. Nếu ông làm thế, anh em cậu giờ đây đang trên đường bị trao trả lại cho dượng Toby rồi.”
Bằng tài kể chuyện độc đáo của mình, Walter Maken đã thành công trong việc truyền tải những giá trị và thông điệp của cuốn sách.
Bên cạnh đó, cuốn sách còn chứa đựng những ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Trong đó, tình thương giữa con người với con người chính là điểm sáng trong tác phẩm “Bồ câu bay đi tìm bà” của Walter Macken. Hai đứa trẻ với cuộc hành trình vượt biển về phía Tây đất nước Ai-len xa xôi, vượt qua biết bao khó khăn và thử thách để chạy trốn khỏi dượng Toby, tất cả đều xuất phát từ khát khao có được tình yêu thương. Người anh trai Finn chỉ mới mười hai tuổi nhưng với tình yêu thương bao la dành cho em gái mà bất chấp mọi gian nan, nguy hiểm:“Đó là vì tình yêu. Trẻ con nên có ai đó yêu thương mình. Không phải cháu, mà những đứa bé gái như Derval. Ông có hiểu không? Và cháu biết rằng bà sẽ làm nó vui nếu cháu có thể đến chỗ bà. Giống như cha mẹ cháu đã từng”. Rồi hai đứa trẻ đã hạnh phúc đến thế nào khi gặp được bà ngoại, người mà có thể cho chúng cảm nhận được tình yêu thương, cảm nhận được sự an toàn giống như cha mẹ đã từng trao cho chúng. Và cuộc hành trình tưởng chừng như không thể ấy lại đến đích một cách kì diệu cũng nhờ vào tình yêu thương, lòng nhân hậu của những con người lương thiện như bác Nickser, điều tra viên Michael,...
“Bồ câu bay đi tìm bà" tựa như một câu chuyện cổ tích lấp lánh niềm hy vọng về một cuộc sống tươi đẹp. Hai đứa trẻ đi bộ hàng ngàn dặm, gặp không ít khó khăn và thử thách. Thế nhưng đó cũng chính là lối nhỏ để hai chú chim bồ câu bước vào đại lộ cuộc đời với thứ bột tiên được người tốt ở khắp nơi rắc phủ. Nói “Bồ câu bay đi tìm bà” là một câu chuyện cổ tích quả thực không sai, bởi giữa những khoảnh khắc tưởng chừng như hai đứa nhỏ sẽ bị đưa trở về với người cha dượng tham lam, thì người tốt ở khắp mọi nơi bỗng chốc xuất hiện như một điều thần kì. Cuộc gặp gỡ của những con người xa lạ, trong chốc lát lại hóa thân quen để rồi mỗi sáng tỉnh giấc ở một nơi xa xôi, còn hiện hữu chiếc mỏ neo trong chuyến hải hành - nơi neo giữ sự tin yêu giữa người và người. Như ông Nickser hết lòng giúp đỡ hai anh em Finn và Derval thoát khỏi sự truy lùng của cảnh sát. Hay như khi điều tra viên Michael sẵn sàng nghỉ phép, tự mình đi tìm hiểu về đứa bé trai tóc đỏ và bé gái tóc vàng, giúp hai anh em chạy thoát khỏi viên cảnh sát, cho chúng ở nhờ và làm sáng tỏ mọi chuyện. Cuốn sách gieo vào lòng chúng ta niềm tin, hi vọng vào một thế giới tốt đẹp. Trên hành trình trưởng thành của mỗi người chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, thử thách, nhiều điều không như ý nhưng chắc chắn rằng đâu đó ngoài kia vẫn tồn tại những người tốt sẵn sàng che chở, giúp đỡ ta.
Đọc xong cuốn sách, ta sẽ rút ra được những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống. Có một câu nói chân thành của ông Nickser, người đã cho hai anh em Finn và Derval quá giang trong quãng đường dài đi tìm bà mà để lại thật nhiều ấn tượng trong lòng tôi là: “Hãy cứ cười đi, chẳng ai trả tiền cho cháu vì khóc đâu, trừ phi cháu làm việc trong nhà máy chế biến hành.” Bằng việc vẽ nên bức tranh đầy màu nhiệm về cuộc sống, tác giả đã thành công trong việc truyền tải thông điệp rằng hãy luôn có cái nhìn lạc quan, niềm tin vào cuộc sống dù cho ta đang chìm trong bao khó khăn, thử thách. Giống như lời ông Nickser nói, “hãy cứ cười đi" bởi còn rất nhiều thứ tốt đẹp đang chờ đợi chúng ta ở phía trước.
Câu chuyện của Finn và Derval - hai đứa trẻ phải sống cùng người cha dượng độc ác với hành trình đi tìm bà ngoại - bến đỗ của tình thương mà chúng luôn khao khát đã giúp tôi hiểu được tầm quan trọng của gia đình đối với mỗi con người. Hình ảnh hai đứa trẻ nhà họ Dove trong tác phẩm chính là đại diện cho một bộ phận trẻ em trên thế giới ngày ngày phải đối mặt với sự bạo hành, ngược đãi từ người lớn nhưng vẫn khát khao một cuộc sống bình yên, thứ mà đáng lẽ chúng hiển nhiên phải có. Không phải đứa trẻ nào cũng được yêu thương và bao bọc trong chính căn nhà của mình và cũng không phải đứa trẻ nào cũng có hành trình trưởng thành êm đềm dưới sự chở che của cha mẹ. Chính vì vậy, tình cảm gia đình đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi người. Gia đình là nơi cho ta thứ động lực lớn lao để vượt qua khó khăn, là nơi ta trải qua những tháng ngày bình yên và êm đềm, là nơi luôn dang rộng vòng tay chào đón chúng ta trở về. Và một mái ấm gia đình thực sự là nơi mà ta có thể sống trọn trong tình cảm chân thành, ngọt ngào nhất.
Từ câu chuyện trong tác phẩm, ta thấy được một xã hội tràn ngập tình yêu thương, nơi mà những điều tốt đẹp vẫn luôn hiện hữu xung quanh chúng ta. Tôi nhận ra rằng cuộc sống chắc chắn luôn tồn tại những nơi tăm tối nhưng để thắp lên ánh sáng nơi đó, tình yêu có lẽ là hạt giống sinh trưởng bền bỉ hơn cả trong tâm hồn mỗi chúng ta. Có một câu bác Tom đã nói khi Finn từ chối sự giúp đỡ của ông trên đường về phía Tây khiến tôi nhớ mãi : “Bác giúp cháu và cháu sẽ ghi nhớ, rồi mai này trưởng thành, cháu sẽ giúp ai đó đang gặp khó khăn. Đó là một vòng tròn không bao giờ kết thúc". Đúng vậy, tình yêu thương cứ lan toả, từ người này sang người khác như một vòng tròn không bao giờ kết thúc. Và khi ta trao đi tình yêu thương, chính là đang xây nên cây cầu kéo mọi người xích lại gần nhau hơn, phá bỏ đi bức tường của sự ghen ghét và đố kị. Chính vì vậy, hãy luôn thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với mọi người xung quanh bằng tất cả tình yêu thương và lòng nhân ái.
Đọc xong “Bồ câu bay đi tìm bà”, tôi còn học được từ hai anh em nhà họ Dove nhiều bài học đáng trân quý. Không thể không kể đến chính là sức mạnh của lòng dũng cảm và sự quyết tâm, hai đứa trẻ vì khát khao tình yêu thương mà dám liều lĩnh bỏ nhà ra đi, vượt biển đến đất nước Ai-len xa xôi, rồi dũng cảm vượt qua những thử thách trên chuyến đi, đương đầu với biết bao khó khăn để tìm bà. Như Finn đã nói: “Nếu một người tha thiết muốn làm một điều gì đó thì người ấy sẽ làm được thôi”. Cuộc sống của chúng ta luôn xuất hiện những gam màu khác biệt, lúc thì là sắc đỏ rực rỡ, lúc lại trầm buồn. Và trên con đường nuôi lớn đứa trẻ tâm hồn, chắc hẳn sẽ có nhiều khó khăn, thử thách khiến ta chùn chân thế nhưng chỉ cần ta đủ quyết tâm, đủ nỗ lực, kiên trì và cố gắng thì những điều tốt đẹp luôn chờ đợi chúng ta ở phía trước.
Nếu được chọn một câu danh ngôn để nói về giá trị của cuốn sách “Bồ câu bay đi tìm bà", thì câu danh ngôn của Robertson Davies hẳn là phù hợp nhất: “Một cuốn sách thực sự hay nên đọc trong tuổi trẻ, rồi đọc lại khi đã trưởng thành, và một nữa lúc tuổi già, giống như một tòa nhà đẹp nên được chiêm ngưỡng trong ánh bình minh, nắng trưa và ánh trăng”. Không sai khi nói “Bồ câu bay đi tìm bà” giống như một bức tranh kì diệu cho chúng tôi góc nhìn đa chiều hơn về cuộc sống. Bởi khi còn nhỏ, chúng tôi chỉ cảm thấy hào hứng và thu hút bởi chuyến phiêu lưu đầy bất ngờ và kịch tính của hai anh em nhưng sau này, cứ mỗi lần tôi đọc lại cuốn sách, là một lần tôi thêm thấm thía, nghiền ngẫm ra những giá trị sâu sắc trong đây. Từng trang sách như từng khía cạnh của cuộc sống, phản ánh nhiều điều trong thế giới bao la kia. Như vậy, qua cuộc hành trình của hai anh em họ Dove, chúng tôi rút ra được nhiều bài học đáng quý về cuộc sống, giúp cho cả nhận thức và tình cảm của chúng tôi trở nên trưởng thành, chín chắn, lớn khôn hơn nhiều.
“Bồ câu bay đi tìm bà” không chỉ là một câu chuyện phiêu lưu đơn thuần, mà còn là lời ca tụng cho tình yêu thương, tình cảm gia đình thiêng liêng và lòng dũng cảm mà tác giả Walter Macken gửi gắm. Bắt đầu từ những câu chuyện giản đơn, đời thường nhất, nhà văn người Ai-len đã giúp độc giả có cái nhìn lạc quan hơn về cuộc sống và dám khát khao được tự do, hạnh phúc. Ai trong chúng ta đều nên có một cuốn sách này trong tay, bất luận là trẻ em hay người lớn, thả mình vào chuyến hành trình của hai đứa trẻ và hơn cả là cảm nhận thực sự những giá trị nhân văn sâu sắc ẩn chứa trong đây.
Bài viết: Hoàng Hà Anh - Nguyễn Mai Ngọc - Trần Ngọc Mỹ Vân (8A4)