Giải Nhì cuộc thi “Sách và tôi” (Năm học 2023-2024)

Xét về tổng thể hình thức, cuốn sách đã ấn tượng tôi bởi cái tên, một cái tên khái quát, không rõ ràng về nội dung triển khai. Đồng thời, bìa cuốn sách khiến tôi liên tưởng đến cuốn bách khoa về địa lí, các môi trường cụ thể trên Trái Đất. Nhưng cũng chính vì thế mà tôi đã bị lôi cuốn vào trong cuộc hành trình khám phá “địa lí” cùng hai nhân vật của nhà văn Henryk Sienkiewicz.

Sinh năm 1846 trong một gia đình quý tộc Ba Lan nghèo, ban đầu ông theo học ngành luật và y khoa, nhưng cuối cùng lại chuyển sang văn và sử. Về sau, ông không chỉ là một văn hào mà còn là một nhà báo tài năng. Là tác phẩm duy nhất viết cho thiếu nhi của ông, ngay từ khi xuất bản lần đầu năm 1912, “Trên Sa mạc và trong Rừng thẳm” đã được hoan nghênh nhiệt liệt, được tái bản ngay và được dịch ra nhiều thứ tiếng, sau đó được dựng thành phim năm 1973 và 2001.

Truyện kể về cuộc phiêu lưu của cậu bé Stas mười bốn tuổi và cô bé Nell tám tuổi khi bị bắt cóc, bị đưa từ kênh đào Suez, qua sa mạc Sahara tới Sudan. Hai đứa trẻ phải trải qua biết bao hiểm nguy, đối mặt với nhiều khó khăn gian khổ, chiến đấu với những thử thách nghiệt ngã của số phận, vượt sa mạc nắng cháy, băng rừng rậm nhiệt đới trong mùa mưa dầm, trước mối đe dọa đến từ những bộ lạc xa lạ và các loài dã thú. Câu chuyện về cuộc hành trình vượt qua miền Đông châu Phi của Stas và Nell trong Trên Sa Mạc Và Trong Rừng Thẳm là khúc tráng ca về vẻ đẹp kì vĩ của thiên nhiên châu Phi, khúc ca ca ngợi lòng quả cảm, khát khao chinh phục chân trời mới, ước vọng thực hiện kì tích phi thường để bảo vệ những điều thân yêu. Không chỉ là khúc ca vượt lên số phận, đây còn là bài hát tôn vinh những kẻ dám đương đầu thử thách, vượt lên trên cả chính bản thân của mình, trở thành một phiên bản tốt hơn. Phần này sẽ được làm rõ hơn khi ta đi sâu vào hai nhân vật chính của cuốn sách.

Stas, nhân vật trung tâm của câu chuyện, cách xây dựng nên nhân vật này rất dễ khiến độc giả có thiện cảm khi ngay từ chương đầu tiên, em đã được khắc hoạ với rất nhiều phẩm chất tốt đẹp (qua lời kể của ba em và hành động của em với Nell): thông minh, dũng cảm, biết yêu thương,… Tuy nhiên, một nhân vật quá hoàn hảo như vậy sẽ chỉ khiến cho câu chuyện trở nên nhàm chán và đôi khi kèm sự lố bịch, rỗng tuếch. Chính vì thế mà Stas đã được xây dựng có điểm bù trừ trong tính cách. Và tác giả cũng khéo léo đặt điểm yếu ấy vào trong độ tuổi em, sự tự cao, huênh hoang và cả cứng đầu mà bất kì cậu con trai mười ba, mười bốn tuổi cũng dễ mắc phải. Nhưng cũng như bao nhiêu nhân vật chính khác, Stas sẽ buộc phải học cách thay đổi bản thân trong suốt cuộc hành trình với Nell, để bảo vệ cô bé mà em yêu thương hơn hết thảy, và để sống sót trở về với gia đình. Sự phát triển trong tính cách của em được khắc họa hợp lí, không quá chậm khiến người đọc sốt ruột nhưng cũng không quá lố để biến em thành siêu nhân. Người ta đôi khi có thể cảm thấy Stas quá ưu tú và tài giỏi so với tuổi của mình, nhưng xét trong bối cảnh của câu chuyện, điều đó lại khá hợp lí”. Qua từng chương truyện, kì sốt rét, tránh khỏi sự săn lùng của thú dữ, em đã ngày càng trưởng thành, gan dạ hơn và thậm chí có những hành động liều lĩnh, sẵn sàng hi sinh bản thân mình để bảo vệ Nell thân thương. Thông qua Stas, Henryk Sienkiewicz dường như đã gửi gắm vào em nhiều điều tốt đẹp, mà tiêu biểu nhất có lẽ là đức tin mạnh mẽ và lòng yêu đất nước Ba Lan sâu sắc.

Còn về thiên thần nước Anh, không có quá nhiều điều để nói về Nell, vì em còn nhỏ quá và tác giả cũng ít khi đặt điểm nhìn về phía của em. Tôi từng đọc qua vài bài phân tích cuốn sách này và họ cho rằng Nell chỉ là yếu tố phụ, không đáng làm nhân vật chính trong câu chuyện ca ngợi tinh thần dũng cảm, vượt lên chính mình và số phận. Thế nhưng, chính những suy nghĩ ấy đã khiến Nell có phần bị lãng quên và vẻ đẹp qua hành động của em cũng bị lu mờ. Nhiều lần, em lo lắng cho Stas và thậm chí em còn thỉnh cầu anh hãy bỏ mình lại, bớt đi gánh nặng tiến về với gia đình. Tấm lòng cao đẹp ấy sao có thể bị vùi lấp chỉ vì em ít “đất diễn” hơn Stas được đây! Mà chính vì ít phân cảnh để thể hiện bản thân nên Nell được khắc hoạc là một bé gái thơ ngây, tràn đầy tình yêu thương với Stas và cả muôn loài. Dẫu là một cô bé yếu đuối về thể chất nhưng tâm hồn em vẫn rất mạnh mẽ, đôi khi còn trở thành điểm tựa tinh thân cho Stast trong những giờ phút nguy khốn nhất.

Không chỉ xoay quanh hai nhân vật, sau khi hoàn thiện việc đọc cũng như tìm hiểu thêm về tác phẩm, tôi nhận thấy “White savior”, vấn đề làm tôi bận tâm khá nhiều sau khi đọc xong tác phẩm.

 “White savior”, hay “vị cứu tinh da trắng” - vai trò của Stas trong nửa sau tác phẩm. Khi đọc đến đoạn ấy, độc giả không khó để nhận ra sự chênh lệch về cả địa vị lần kiến thức giữa Stas (và những người Châu Âu trong tác phẩm nói chung) với những người da đen, cũng như sự “tôn vinh” của tác giả dành cho Stas, người gần như đã khai sáng văn minh cho một bộ tộc da đen. Bên cạnh một Stas đang rất mạnh mẽ và giỏi giang hình ảnh của người da đen được khắc họa rất yếu thế, đơn giản, lạc hậu và kém hiểu biết”. Điều này càng nhấn mạnh hơn khi ta nhìn vào độ tuổi của em và những người da đen xung quanh. Một đứa trẻ mười ba, mười bốn tuổi lại có thể dễ dàng đàm phán hay thậm chí “khai sáng”, thay đổi tư duy bao đời của cả một bộ tộc. Thế mới thấy, nhà văn đã biến Stas trở thành một anh hùng thật sự, một việc làm quá sức với độ tuổi của em. Dù hiện nay, motip “White savior” đã dần không còn được sử dụng nữa do sự nhạy cảm sắc tộc mà nó có thể mang lại nhưng khi đọc tác phẩm, tôi mới chợt nhận ra rằng đã từng có thời kì điều này lại phổ biến đến thế.

Tuy nhiên, tôi viết như vậy không phải để chê bai tác phẩm hay đánh giá lối suy nghĩ của nhà văn là lạc hậu. Vì xét cho cùng, việc “anh hùng hóa” một người da trắng (tiêu biểu là Stas) cũng không hoàn toàn là lỗi của tác giả. Vùng đất châu Phi vào thời điểm của câu chuyện cũng không có nhiều khác biệt so với những gì ta đọc trong Trên sa mạc và trong rừng thẳm. Những người châu Phi ở đó khi ấy vẫn phải chịu kiếp sống nô lệ và những bộ lạc người da đen vẫn còn rất hoang dã. Chính vì thế khi xét ở hai khía cạnh đời sống và tiểu thuyết, tôi nhận thấy điều đáng trận trọng trong tư duy tưởng chừng đi theo lối mòn của nhà văn người Ba Lan. Ông vẫn miêu tả được rất nhiều điểm tích cực ở người da đen (thông qua những phẩm chất của nhân vật Kali) bên cạnh hình tượng xấu xí. Thậm chí có thể nói là Henryk Sienkiewicz cũng dành khá nhiều tình cảm với người da đen, khi ông để một người da trắng dùng những giờ phút cuối cùng của cuộc đời để bảo vệ họ, một việc khá ít nhà văn dám làm. Đặc biệt hơn, nhà văn đã làm điều đó trong một cuốn sách viết cách đây hàng trăm năm, thời điểm sự phân biệt chủng tộc đỉnh điểm và “White savior” trở thành điều hiển nhiên trong mắt người Châu Âu.

Gạt những vấn đề đó sang một bên và đánh già từ góc độ khác thì cá nhân tôi thấy tiểu thuyết “Trên sa mạc và trong rừng thẳm” vẫn là một cuốn sách tuyệt vời. Nó đã kể một câu chuyện phiêu lưu hồi hộp gay cấn, mang đến một bài học lịch sử địa lí đầy thú vị và cổ vũ những phẩm chất tốt đẹp trong nước con người bằng một phong cách văn học đậm chất Henryk Sienkiewicz:

Bằng một giọng văn tinh khiết và giàu cảm xúc, tác giả đã phác họa rõ nét toàn bộ chuyến hành trình đi xuyên châu Phi dưới góc nhìn của hai đứa trẻ người ngoại quốc. Từng cử chỉ, hành động của nhân vật như sống dậy qua ngòi bút tài hoa của tác giả càng khiến cho câu chuyện cuốn hút hơn bao giờ hết: “Và bỗng nhiên em cảm thấy mũi và gò má lại lạnh toát đi, nhưng là một thứ lạnh khác hẳn, cái lạnh không phải nảy sinh từ nỗi sợ mà từ một quyết định kinh khủng không gì lay chuyển nổi, với quyết định ấy trái tim trong lồng ngực em hiện thời như biến thành sắt thép. Mày sẽ không thể giết được Nell nữa đâu - em nhắc lại.”

Không chỉ khắc họa thành công sự trưởng thành của Stas, ông vẫn không quên lưu giữ lại nét ngây thơ hồn nhiên hiếm hoi của cậu bé khi ở bên cạnh Nell, như muốn nhắc nhở rằng Stas vẫn chỉ là một cậu bé mà thôi:

- Cái đồ Saba xấu xí! Xấu xí! Đã thế thì khi nó về, em sẽ không nói với nó một lời nào hết, em sẽ nói với nó rằng nó rất xấu.

Mặc dù không muốn cười chút nào, Stas cũng phải mỉm cười và hỏi:

- Làm sao em vừa có thể không nói với nó một lời nào mà đồng thời lại bảo cho nó biết rằng nó rất xấu được?

- Nó nhìn vẻ mặt của em thì nó biết chứ.

- Cũng có thể. Nhưng nó cũng chẳng có lỗi gì, và sau đó nó xông tới cứu chúng mình đấy thôi.

- Được rồi, nhưng là người lịch thiệp thì đâu có sủa để chào hỏi nhau.

- Người lịch thiệp thì cả khi từ biệt cũng không sủa, trừ khi anh ta là một con chó, mà Saba đúng là chó chứ còn gì nữa.”

Bên cạnh những cuộc săn đuổi và màn đấu trí hồi hộp đến ngạt thở, nhà văn không quên ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã của núi rừng Phi châu, nơi mà chưa có nhà thám hiểm châu Âu nào đặt chân đến vào thời điểm hiện tại. Chỉ cần nhắm mắt lại, những câu chữ tươi mát sẽ ngay lập tức đưa ta vào thế giới trong truyện với những “thân cây mục ruỗng màu xám trông như một tấm thảm thêu”, “những bông hoa sặc sỡ như cánh bướm” và thậm chí là những loài vật kì lạ mà ta chưa bao giờ biết đến như loài voi nướcbáo wobo khiến cho bộ tộc da đen không khỏi khiếp sợ. Đọc từng trang truyện mà có cảm nhận như tác giả đã từng bước khám phá, quan sát và ghi chú tỉ mỉ vẻ đẹp hoang sơ tại nơi này vậy:

“Nơi nào ánh nắng mặt trời chiếu tới, ở đó mặt đất lại vàng rực bởi những loài lan kì lạ khác, nhỏ bé, màu vàng, trong đó hai cánh hoa vươn lên cao bên cạnh cánh thứ ba, trông giống như đầu một loài nào đó có những cái tai to dài nhọn hoắt. Một đôi nơi rừng được trang điểm bởi những bụi nhài dại, kết thành những tràng hoa gồm những dây mỏng mảnh nở hoa hồng hồng. … Hoàn toàn không nghe thấy tiếng chim hót, ngược lại trên các ngọn cây lại vang lên những tiếng kêu kì lạ nhất , khi thì nghe như tiếng cưa rít, khi như tiếng gõ thùng, khi lại như tiếng cò kêu, như tiếng cọt kẹt của những chiếc cửa cũ kĩ, như tiếng vỗ tay, tiếng mèo kêu meo meo, thậm chí như tiếng trò chuyện to tiếng và khích động của con người nữa”.

Có thể cho rằng, Trên Sa mạc và trong Rừng thẳm là tác phẩm kinh điển mà mọi đứa trẻ trên thế giới này nên đọc một lần trong đời. Tác phẩm đã gợi lên khát vọng sống tốt đẹp, ước mơ được đi đến những chân trời xa, làm được những điều kì diệu phi thường, vượt qua mọi hiểm nguy, chiến thắng mọi sự bóc lột dã man. Dù phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn, thử thách nhưng với một trái tim dũng cảm và trong sáng, chắc chắn bạn sẽ làm được những điều phi thường và kì diệu. Đức Chúa Trời sẽ không quay lưng lại với những ai không bỏ cuộc cho đến cuối cùng.

Ở châu Phi xa xôi ấy, có một bản hùng ca hát về những chiến binh trẻ tuổi dũng cảm vang vọng khắp sa mạc và trong rừng sâu.

Bài viết: Đoàn Ngọc Yến Nhi (10D4)