Lê Thị Mai Oanh

Nhận thức sâu sắc nhiệm vụ trọng tâm đổi mới giáo dục được nêu trong Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội: “… chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mĩ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh”, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã xây dựng mục tiêu giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, bao gồm: (i) trang bị cho học sinh các kiến thức về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, trong đó, chú trọng năng lực vận dụng kiến thức khoa học để giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện tại và tương lai một cách linh hoạt; (ii) phát huy tối đa năng khiếu và năng lực của từng cá nhân học sinh thông qua các hoạt động thể thao, văn hóa nghệ thuật và các hoạt động khác; (iii) hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh thông qua các hoạt động giáo dục, dạy kỹ năng sống, giá trị sống, các hoạt động giáo dục theo chủ đề; (iv) hình thành cho học sinh năng lực tự học, năng lực tư duy, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực hợp tác, biết cảm thụ cái đẹp, sáng tạo, dám nghĩ dám làm và giao tiếp thuyết phục.

Những mục tiêu giáo dục trên luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Nhà trường trong hành trình xây dựng và phát triển đưa con thuyền Nguyễn Tất Thành từng bước vượt sóng ra khơi, hòa vào biển lớn thành tựu vẻ vang của ngành giáo dục Thủ đô nói riêng, của nền giáo dục Việt Nam nói chung và từng bước hội nhập Quốc tế. Trong hai mươi lăm năm xây dựng và trưởng thành, đặc biệt là giai đoạn 5 năm (từ 2018 đến nay), đứng trước những khó khăn, thách thức như đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế, triển khai Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 với nhiều sự đổi mới… song Ban Giám hiệu cùng đội ngũ giáo viên, nhân viên Nhà trường vẫn luôn vững tin, đồng lòng hướng về phía trước và dẫn lái con thuyền Nguyễn Tất Thành kiên định mục tiêu.

  • Xây dựng Kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với chủ trương đổi mới giáo dục

Là một trong 6 trường phổ thông đầu tiên trên toàn quốc thực hiện hướng dẫn 791/HD-BGDĐT của Bộ GDĐT về thí điểm phát triển Chương trình Giáo dục trường phổ thông, từ năm học 2013-2014, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã xây dựng Chương trình Nhà trường mang bản sắc riêng, phù hợp với năng lực, nhu cầu của học sinh và điều kiện thực tế về cơ sở vật chất và con người. Nổi bật là những thay đổi đáng kể về kế hoạch dạy học, hoạt động giáo dục học sinh, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá… Bên cạnh môn học chính khóa, học sinh được tăng cường giờ học các môn thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Học sinh được tham gia học Câu lạc bộ Nghệ thuật và Thể thao nhằm phát huy sở thích và thế mạnh của bản thân. Hoạt động dạy học được tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú như trải nghiệm, tích hợp liên môn, thực hiện dự án học tập, dạy học STEM, tổ chức các hoạt động giáo dục gắn với môn học… nhằm giúp học sinh tăng cường trải nghiệm thực tiễn, năng lực giải quyết vấn đề. Để đáp ứng xu hướng toàn cầu hóa của thị trường lao động trong tương lai, từ năm học 2016-2017, Nhà trường đã chủ trương trang bị cho học sinh kĩ năng công nghệ thông tin bằng việc đưa nội dung Tin học chuẩn quốc tế MOS vào giảng dạy cho học sinh cấp THPT. Bên cạnh đó, nhằm trang bị cho học sinh kĩ năng giao tiếp Tiếng Anh, Nhà trường đã tổ chức cho học sinh học Tiếng Anh với người nước ngoài và triển khai chương trình Tiếng Anh học thuật ở bậc THCS.

Trên cơ sở tiếp nối các thành công, trước yêu cầu của việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ năm học 2018-2019, Nhà trường đã chủ động cơ cấu lại Kế hoạch giáo dục Nhà trường. Trong đó, chú trọng việc tinh giản các nội dung trùng lặp giữa các môn học nhằm tiết kiệm thời gian và nâng cao chất lượng giờ học; tăng cường thiết kế chủ đề dạy học giúp học sinh được đào sâu nghiên cứu và thực hiện các dự án học tập; quyết liệt đưa công nghệ thông tin vào phục vụ việc giảng dạy và quản lí nhà trường để mở rộng không gian lớp học cũng như nâng cao kĩ năng công nghệ thông tin của cả thầy và trò; thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh, đề cao vai trò của đánh giá quá trình…

Họp triển khai xây dựng Kế hoạch giáo dục nhà trường năm học 2018-2019 và 2021-2022

Cũng bắt đầu từ năm học 2018-2019, Kế hoạch giáo dục nhà trường được thiết kế thành 4 giai đoạn với mục tiêu triển khai các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện về cơ sở vật chất và con người. Trong đó, số tiết học của mỗi môn có thể thay đổi một cách linh hoạt và đảm bảo điều kiện liên môn phù hợp nhất giữa các môn học khác nhau trong cùng một thời điểm. Chủ trương này hoàn toàn phù hợp với quan điểm xây dựng Chương trình GDPT 2018 của Bộ GDĐT, đó là “… trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của nhà trường…”.

  • Phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực học sinh

+ Phát triển năng lực giải quyết vấn đề, tự chủ và tự học: Với mục tiêu hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh để đáp ứng nhu cầu về nguồn lao động chất lượng cao trong tương lai, Ban Giám hiệu và đội ngũ giáo viên luôn nỗ lực không ngừng để thay đổi phương pháp, hình thức dạy học. Điều này khiến cho mỗi giờ học trở nên lí thú và việc học trở thành nhu cầu, mong muốn của người học. Ở Trường Nguyễn Tất Thành, tất cả các môn học đều được coi trọng nhằm khơi gợi hứng thú và phát triển các năng lực khác nhau cho học sinh. Nhà trường đã tự làm mới mình qua việc tổ chức đa dạng các hình thức dạy học như: dạy học trải nghiệm; dạy học dự án; dạy học STEM trong môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Toán học; trải nghiệm STEM trong các câu lạc bộ để hướng tới mục tiêu học sinh có thể tự học, tự nghiên cứu, tự tin tham dự các cuộc thi Khoa học kĩ thuật khác nhau trong và ngoài nước. Nhờ đó, học sinh có cơ hội vận dụng những kiến thức đã học vào việc giải quyết vấn đề thực tiễn.

Học trải nghiệm mang đến niềm hứng khởi cho học sinh

+ Phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi học sinh: Phương pháp dạy học tích cực, lấy học sinh làm trung tâm đã được áp dụng tại Trường Nguyễn Tất Thành từ nhiều năm nay, trong đó, chú trọng tổ chức hoạt động học và đề cao vai trò của học sinh trong quá trình học tập. Học sinh được chủ động khám phá tri thức thông qua hoạt động cá nhân, hoạt động hợp tác giữa các cặp đôi, nhóm học tập, cộng tác trong thực hiện dự án… từ đó, học sinh được hình thành năng lực hành động, rèn luyện phương pháp tự học, nâng cao năng lực hợp tác và sáng tạo…

Đi cùng với các hoạt động học, Nhà trường chú trọng tổ chức các hoạt động giáo dục gắn với môn học như Festival Tiếng Anh, Giới thiệu sách, Viết về thầy cô và mái trường, Ngày hội đổi đồ Mottainai, thi ảnh Xanh biến tấu… Trong các sự kiện của Nhà trường, Ban Giám hiệu và giáo viên chỉ đóng vai trò là người cố vấn còn học sinh là người lập kế hoạch và triển khai các hoạt động. Do đó, sau mỗi sự kiện, các em được phát huy tối đa sự chủ động, sáng tạo và các tiềm năng vốn có.

Câu lạc bộ định hướng học sinh cũng tạo nên màu sắc đặc trưng rất riêng của Trường Nguyễn Tất Thành. Ra đời từ năm học 2013-2014, đến nay tổng số câu lạc bộ của Nhà trường đã lên tới con số 12. Các câu lạc bộ góp phần khơi gợi và phát huy năng lực, sở thích, hứng thú của học sinh ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: tổ chức sự kiện, phóng viên, âm nhạc, tiếng Anh, mĩ thuật, lịch sử, đọc sách, giao tiếp, thiết kế đồ họa, khoa học, môi trường… Với những hoạt động ý nghĩa, luôn cập nhật xu thế mới của thời đại, phù hợp với bối cảnh giáo dục và yêu cầu đổi mới, các câu lạc bộ định hướng đã tạo cơ hội cho học sinh phát triển năng lực xã hội, góp phần định hướng nghề nghiệp của các em trong tương lai.

“Đam mê và cống hiến” là những điều dễ nhìn thấy ở học sinh các câu lạc bộ định hướng nhằm mang lại niềm vui cho học sinh đầu cấp trong ngày hội Chào học sinh lớp 6 và lớp 10 

+ Phát triển hài hòa đức-trí-thể-mĩ: Với quan điểm giáo dục toàn diện học sinh, song song với trang bị kiến thức, kĩ năng, Nhà trường rất chú trọng mục tiêu đào tạo con người của thế kỉ 21 giữ vững bản sắc văn hóa Việt Nam và các giá trị truyền thống của dân tộc. Do đó, các hoạt động giáo dục đạo đức, kĩ năng sống, giá trị sống được triển khai thường xuyên trong các hoạt động của nhà trường, từ việc lồng ghép vào nội dung giảng dạy chính khóa như môn Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí… tới các giờ sinh hoạt dưới cờ chủ đề “Giá trị sống”; các dự án “Vì cộng đồng”; lễ “Báo công dâng Bác”; học trải nghiệm “Kĩ năng sống” tại trung tâm IOGT-Sóc Sơn hay “Học kì quân đội” tại trường Quân sự Quân khu 2 hay Đại học Lao động-Xã hội cơ sở Sơn Tây; biểu dương những tấm gương “Gương người tốt việc tốt”… Tất cả những hoạt động đó đã làm nên nét đặc sắc của Trường Nguyễn Tất Thành, trở thành hành trang quý báu của mỗi học sinh khi bước vào đời.

Từ năm học 2013-2014, các môn Nghệ thuật và Giáo dục thể chất đã được triển khai dạy theo hình thức câu lạc bộ. Mỗi học sinh có cơ hội được lựa chọn tham gia học 01 câu lạc bộ nghệ thuật và 01 câu lạc bộ thể thao phù hợp với sở thích và thế mạnh của bản thân. Nhờ đó, năng lực thẩm mĩ của học sinh nhà trường được nâng cao dần theo thời gian. Đến hôm nay, sản phẩm của mô hình giáo dục này đã trở thành nét đặc sắc đáng tự hào của thầy và trò nhà trường như một phần văn hóa không thể thiếu. Có thể kể đến như dàn nhạc dân tộc “nhà trồng được” với đa dạng các loại nhạc cụ từ sáo trúc, đàn tranh, đàn tì bà, đàn tơ-rưng, đàn bầu… đến các giải thưởng khác nhau về âm nhạc, mĩ thuật trong các cuộc thi trong nước và quốc tế.

+ Sẵn sàng để hội nhập: Trường Nguyễn Tất Thành đã khởi động các hoạt động giao lưu quốc tế với các đối tác từ rất sớm. Từ năm 2009 đến nay, Nhà trường đã trở thành đối tác chiến lược và bền vững của học viện Raffles-Singapore. Nhà trường cũng đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với các trường Anderson Serangoon Junior Colledge (Singapore), Gymnasium Frederiksborg (Đan Mạch), Myazaki (Nhật Bản)... Nhờ các hoạt động giao lưu quốc tế, học sinh của Nhà trường có cơ hội thể hiện khả năng sử dụng Tiếng Anh thành thạo; được hiểu biết sâu sắc về các nền văn hóa, khoa học, giáo dục khác nhau trên thế giới; thể hiện sự ấm áp, gắn kết, yêu thương khi đón tiếp các bạn bè quốc tế và tự hào giới thiệu các nét đẹp trong văn hóa, kinh tế, xã hội của Việt Nam đến với thế giới. Cùng với việc được trang bị kĩ năng công nghệ thông tin và Tiếng Anh, học sinh Nguyễn Tất Thành có đủ năng lực để tham gia vào các môi trường học tập, lao động tiên tiến trong tương lai và có khả năng tự học suốt đời.

Hoạt động giao lưu quốc tế mang lại cho học sinh Nguyễn Tất Thành sự tự tin và những hiểu biết sâu sắc về các nền văn hóa khác nhau trên thế giới

  • Xây dựng cộng đồng học tập bền vững

Chiến lược phát triển đội ngũ giáo viên chất lượng cao luôn được coi trọng ở Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành. Để có thể thích ứng và hội nhập với nền giáo dục thế giới trong bối cảnh cách mạng số, Nhà trường chú trọng công tác tuyển chọn giáo viên có chất lượng cao và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên.

Những năm gần đây, Nhà trường thường xuyên tổ chức nhiều đợt tập huấn dành cho giáo viên như: (i) “Tạo động lực cho học sinh” cùng chuyên gia giáo dục Tô Thị Diễm Quyên; (i) “Đổi mới kiểm tra, đánh giá” cùng PGS. TS. Phạm Thị Khánh Hội; (iii) “Dạy học phát triển năng lực” cùng GS. TS. Đỗ Đức Thái; (iii) “Đánh giá năng lực và đánh giá tư duy” cùng các chuyên gia của Đại học Bách Khoa và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; (iv) “Tăng cường kĩ năng công nghệ thông tin” và “Giáo viên thế kỉ 21” cùng các chuyên gia của Microsoft; (vi) “Công tác hướng nghiệp dành cho giáo viên chủ nhiệm” cùng PGS. TS. Trương Thị Hoa…

Các thầy cô trường Nguyễn Tất Thành không ngừng “làm mới mình” trong mọi hoàn cảnh để mong mang lại những điều tốt đẹp nhất tới học trò

Song song với đó, Nhà trường chú trọng việc bồi dưỡng và nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên thông qua hình thức Sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Từ đó, mỗi giáo viên được học hỏi từ đồng nghiệp các phương pháp, kĩ thuật dạy học hiện đại, từng bước tự trưởng thành về năng lực sư phạm; được thúc đẩy, duy trì sự hợp tác; phát triển năng lực làm việc nhóm; xây dựng cộng đồng học tập bền vững trong Nhà trường. Tinh thần học tập, nỗ lực không ngừng ấy còn được lan tỏa đến các trường bạn khi đội ngũ giáo viên Trường Nguyễn Tất Thành thực hiện các chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm như: hội thảo chuyên môn “Xây dựng và triển khai Kế hoạch giáo dục nhà trường” cấp Cụm Thanh Xuân – Cầu Giấy, chuyên đề Ngữ văn, Tiếng Anh cấp Quận cầu Giấy, cấp Thành phố Hà Nội hay trao đổi chuyên môn với các trường bạn như Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Phủ Lý-Hà Nam), Trường Lý Tự Trọng (Vị Xuyên-Hà Giang), Trường TH và THCS dân tộc nội trú Kim Bôi (Kim Bôi-Hòa Bình), Trường THCS Vạn Thắng (Ba Vì-Hà Nội)…

Hiệu quả của Sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học được khẳng định thông qua chất lượng các bài giảng dự thi Giáo viên dạy giỏi các cấp

  • Chuyển đổi số trong quản lý và dạy học

Nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng không gian, thời gian lớp học, giúp học sinh và giáo viên có cơ hội tương tác, cộng tác với nhau nhiều hơn để hoàn thành các chủ đề học tập dự án, bắt đầu từ năm học 2018-2019, Nhà trường đã trang bị cho mỗi giáo viên và học sinh một tài khoản Office 365.

Đến tháng 2 năm 2020, trước bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, giáo viên và học sinh cả nước phải dừng đến trường, công cụ Office 365 đã giúp thầy và trò Trường Nguyễn Tất Thành “vượt qua sóng gió, bão táp” để cập bến tri thức một cách an toàn, thuận lợi. Ngay từ những ngày đầu tiên không được đến trường vì dịch bệnh, học sinh nhà trường đã được học online theo đúng thời khóa biểu, đặc biệt các môn Nghệ thuật, Giáo dục thể chất, các giờ sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, các hoạt động ngoại khóa… vẫn diễn ra bình thường. Vì vậy, năm học 2019-2020, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã trở thành ngôi trường đầu tiên trong cả nước hoàn thành Kế hoạch giáo dục và tổ chức Lễ Bế giảng năm học vào ngày 5/6/2020.

Song song với việc sử dụng Office 365 để dạy và học, Nhà trường còn thiết lập mạng lưới quản lí hồ sơ trường học trên ứng dụng Teams. Hồ sơ quản lí được phân cấp, phân quyền đến từng cá nhân, đảm bảo việc quản lí có hệ thống từ Ban Giám hiệu đến các Tổ/Nhóm trưởng chuyên môn và tới mọi giáo viên, nhân viên. Quản lí hồ sơ trên Office 365 đảm bảo tính khoa học, linh hoạt, tiết kiệm, thuận lợi và phù hợp với xu thế chuyển đổi số trong Nhà trường.

Nhờ xác định đúng mục tiêu giáo dục và luôn quyết tâm, nỗ lực không ngừng, sau một chặng đường đầy khó khăn, thử thách, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã hái được những trái ngọt rất đáng tự hào. Trong giai đoạn 2018-2023, Nhà trường đạt được một số thành tích nổi bật như sau: 2 năm liên tiếp kết quả thi tốt nghiệp THPT Quốc gia đứng thứ Nhất thành phố Hà Nội (2022, 2023); 2 năm liên tiếp được công nhận là “Trường học điển hình” của Microsoft (2022, 2023); 3 năm liên tiếp đạt Giải Nhất quốc gia (2021, 2022, 2023), trong đó có 2 năm đạt Huy chương Vàng quốc tế (2021, 2022) cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng Thế giới; 4 năm liên tiếp đạt Giải Nhất quốc gia (2020, 2021, 2022, 2023) cuộc thi Vô địch Thiết kế đồ họa; đạt 01 Giải Nhất (2021) quốc gia, 02 Giải Ba quốc gia (2022, 2023) cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học, và rất nhiều các Huy chương vàng các cuộc thi KHKT quốc tế khác, 47 giải Giáo viên dạy giỏi các cấp, trong đó, có 01 Giải nhất, 02 Giải Nhì, 03 Giải Ba cấp thành phố Hà Nội… Những thành tích vẻ vang ấy vừa mang đến niềm hạnh phúc lớn lao vừa là động lực cho thầy và trò Nhà trường tiếp tục vững bước trên hành trình chinh phục miền đất mới.

Học sinh Nguyễn Quốc Huy (lớp 12A2 năm học 20-21) đạt Huy chương vàng quốc tế cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng thế giới và học sinh Hà Minh Thư (lớp 12A1 năm học 23-24) đạt Huy chương Vàng quốc gia cuộc thi Vô địch Thiết kế đồ họa thế giới.

  • Nhất trí, đồng lòng hướng tới tương lai

Mái trường mang tên Bác kính yêu đang trong những ngày thanh xuân tươi đẹp, chuẩn bị mừng sinh nhật tuổi 25 tràn đầy sức sống mà cũng vừa đủ sự trưởng thành và chín chắn để tiếp tục xây dựng sự nghiệp vẻ vang.

Tập thể HĐGD Nhà trường kế thừa truyền thống, thành tựu 25 năm xây dựng và phát triển, kiên trì theo đuổi các mục tiêu giáo dục đã đặt ra, giữ vững phong cách, bản sắc đẹp đẽ, nhân văn, năng động của tập thể giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Nhà trường tiến hành kiểm định chất lượng để trở thành Trường đạt Chuẩn quốc gia theo mô hình Trường chất lượng cao.

Cơ sở vật chất của nhà trường sẽ được sửa chữa, nâng cấp, mở rộng để giáo viên và học sinh có được môi trường dạy và học hiện đại, học đi đôi với hành, phát triền cả Đức - Trí - Thể - Mĩ…

Học sinh Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (NTT) nhất định phải có NHÂN CÁCH, có TRÍ TUỆ, hiểu biết toàn diện và có khả năng THÍCH ỨNG trước những thay đổi, phát triển không ngừng của thế giới. Sự thích ứng phải dựa trên nền tảng của nhân cách và trí tuệ.

Với phương châm “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới” (Nelson Mandela), mặc dù phía trước còn nhiều gian nan, thử thách nhưng tập thể giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường sẽ luôn nhất trí, đồng lòng để tạo nên những bước chuyển mạnh mẽ, mang đến những giá trị đích thực cho học trò, xây dựng một tập thể luôn đoàn kết và hạnh phúc, xứng đáng với niềm tin của cộng đồng, cha mẹ học sinh và học sinh, xứng đáng là điểm sáng của giáo dục Thủ đô nói riêng và ngành giáo dục Việt Nam nói chung.