8 giờ sáng ngày 17/11, chúng tôi – học sinh lớp 8A5 của ngôi trường mang tên Bác, trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đã có mặt đầy đủ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội để tham gia hoạt động tìm hiểu “Gốm Việt Nam, kết nối xưa và nay” do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch Sử Quốc gia tổ chức. Hoạt động này nhằm nâng cao hiểu biết về nghệ thuật gốm sứ Việt Nam cũng như lịch sử Việt Nam chào mừng ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Trước khi chương trình tìm hiểu “Gốm Việt Nam, kết nối xưa và nay bắt đầu, chúng tôi tranh thủ chiêm ngưỡng các bức tranh dân gian nổi tiếng như  Múa lân” ;  Rước rồng” ; Tố nữ chơi đàn nguyệt ... ; đặc biệt là phòng tranh lụa năm mươi tác phẩm của ba mưoi họa sĩ nổi tiếng. Các bức tranh đều rất đẹp và có dấu ấn riêng của từng họa sĩ. Sau khi đi thăm thú một vòng xung quanh các phòng tranh, chúng tôi tập trung tại đại sảnh, phân thành hai nhóm và bắt đầu hoạt động chính của ngày hôm đó.


Các sản phẩm gốm trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật

Những bài giảng, những câu chuyện của hướng dẫn viên của bảo tàng – cô Nguyệt đã đưa chúng tôi đi theo dòng lịch sử của dân tộc và được chứng kiến dòng chảy của lịch sự gốm nghệ thuật Việt Nam. Cô đã giúp chúng tôi hiểu rằng: Nghệ thuật gốm Việt Nam không hề nhàm chán như chúng tôi tưởng ban đầu. Qua câu chuyện cô kể, chúng tôi biết thêm được rằng Việt Nam là nước sản xuất đồ gốm khá sớm, đồ gốm đã đồng hành và phát triển mạnh mẽ trong tiến trình lịch sử dân tộc. Đồ gốm gắn bó mật thiết với đời sống của người Việt Nam, và ở một khía cạnh nào đó, nó thể hiện sự hưng thịnh của cả một dân tộc.

Trong quá trình hình thành và phát triển, lịch sử gốm Việt Nam phát triển rực rỡ nhất dưới thời Lý (1010-1225) với những chiếc bình, hiện vật cổ có miệng loe rộng, chân thót nhỏ, thanh thoát, những hoa văn nhỏ hình cánh sen,…; thời Trần (1226-1400) – những đồ vật to, thô, với lớp men hoa nâu, hoa văn phóng khoáng,…; thời Lê (1428-1527) và kéo dài đến cuối thế kỉ XIX. Bài giảng của cô đã khiến chúng tôi như bị hút vào lịch sử gốm sứ Việt Nam gắn liền với những khoảnh khắc lịch sử hào hùng.

Chỉ trong vòng 30 phút chúng tôi đã có cơ hội chiêm ngưỡng các hiện vật gốm qua từng thời đại và hiểu được phần nào nghệ thuật gốm Việt Nam. Sau khi thăm quan phòng trưng bày gốm , chúng tôi được tham gia hoạt động vui chơi tại không gian sáng tạo của bảo tàng Mỹ Thuật. Hoạt động vui chơi được chia làm ba phần: đoán ý đồng đội, phân biệt cổ vật và trải nghiệm vẽ tranh gốm.


Cô Nguyệt phổ biến các hoạt động vui chơi

Phần thi đầu tiên được chia thành bốn đội chơi, mỗi đội gồm hai người. Hai bạn ở mỗi đội đứng đối lập nhau và phải dùng những gợi ý gián tiếp, cử chỉ hành động để miêu tả câu trả lời. Phần khởi động đầu tiên này diễn ra thật sôi động. Các bạn đã phải cố gắng thể hiện bằng ngôn từ sao cho dễ hiểu và không phạm quy, có bạn còn “hoa chân múa tay” để minh hoạ nữa!



Bằng sự kết hợp khéo léo giữa các đồng đội, cả bốn nhóm đều hoàn thành xuất sắc phần thi của mình. Nhóm bạn Huy Hoàng và Công Anh đã đoán đúng hiện vật nhanh nhất chỉ với một câu gợi ý.


Các đội nhận phần quà chiến thắng

Phần thi thứ nhất trôi qua thật nhanh chóng nhưng đã đem lại nhiều sự hứng khởi cho tất cả các bạn học sinh. Từng tràng pháo tay vang dội khích lệ tất cả các bạn xung phong chơi trò chơi thứ hai.


Sáu bạn may mắn tham gia trò chơi này và được hướng dẫn chia thành hai đội. Nhiệm của mỗi đội là phải xếp những bức hình về hiện vật gốm một cách nhanh nhất vào một bảng đã phân chia theo các thời Lý-Trần, Lê sơ - Mạc, Nguyễn. Chỉ có 5 phút để các bạn suy nghĩ và hoàn thành phần thi, các cổ động viên ở dưới reo hò, cổ vũ thật nhiệt tình.




Chúng tôi tuy không tham gia chơi nhưng ai cũng chăm chú xem phần thi diễn ra, lòng thầm hy vọng sẽ có một câu hỏi mà hai đội không trả lời được và câu trả lời thuộc về khán giả. Nhưng cả hai đội ngang tài ngang sức, trả lời hết cả 10 câu và kết thúc với số điểm là hoà. Phần thi với những câu hỏi tái hiện kiến thức đã lôi cuốn chúng tôi, bổ sung lại một lần nữa những gì các cô đã giới thiệu trong buổi tham quan phòng trưng bày vừa rồi. Kết thúc hoạt động thứ 2 này, cô Kim Thành, cán bộ giáo dục của bảo tàng Lịch sử tặng quà cho các đội tham gia. Cô đã khen ngợi sự năng nổ, nhiệt tình tham gia của các bạn ngày hôm nay. Cô cũng bày tỏ sự ngạc nhiên vì không ngờ chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn của buổi tham quan, chúng tôi đã có thể nhớ chính xác các sản phẩm gốm qua các triều đại.

Cuối cùng tất cả chúng tôi cùng vẽ gốm. Đây là hoạt động mà tôi thích nhất! Ngó xung quanh thấy bạn nào cũng đang thích thú tô tô vẽ vẽ, có bạn còn mải mê tới nỗi còn đứng luôn tại chỗ để vẽ. Tụi con gái vẽ hoa, vẽ lá, vẽ mấy hình dễ thương, tụi con trai ham mê thể thao vẽ những quả bóng, con vật nhưng cũng có bạn khác không biết vẽ gì nên nhìn tranh mẫu để bắt chước lại. Có nhóm những bạn chơi thân với nhau, còn cùng vẽ giống nhau hay cùng chung ý tưởng kí tên dưới đĩa.


“ Tụi con gái vẽ hoa vẽ lá...”


“Tụi con trai ham mê thể thao...”



Cùng vẽ theo cổ vật

Chẳng mấy chốc, lần lượt các tác phẩm nghệ thuật được “ra đời” với nhiều phong cách sáng tạo riêng biệt. Tuyệt hơn là các sản phẩm này được các cô cho mang về nhà và còn được tặng thêm một cái kệ đỡ để có thể dựng trên bàn trang trí nữa!





Buổi hoạt động ngoại khoá này thật bổ ích và không kém phần thú vị đối với những học sinh thích tìm hiểu lịch sử và nghệ thuật gốm Việt Nam như tập thể lớp 8A5 chúng tôi. Chúng tôi mong được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa như thế này hơn nữa để có thể hiểu biết hơn về đất nước, con người cũng như lịch sử của dân tộc mình!
Hoàng Hương Linh 8A5, Nguyễn Thu Thảo 11D1