Thứ Bảy (04/01/2024), Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã tổ chức chuyến đi học tập trải nghiệm liên môn Mĩ thuật - Ngữ văn - Lịch sử cho học sinh khối 8 với chủ đề “Mĩ thuật của các dân tộc thiểu số Việt Nam”. Chuyến đi học tập trải nghiệm đã giúp học sinh có thêm kiến thức về lịch sử, văn hoá của làng nghề truyền thống, đồng thời, đây cũng là cơ hội giúp học sinh tìm hiểu và ứng dụng, sử dụng những hoa văn, hoạ tiết của các dân tộc thiểu số Việt Nam trên nền gốm Bát Tràng.
Làng gốm Bát Tràng, nằm bên bờ sông Hồng thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội, là một làng nghề truyền thống có lịch sử hơn 700 năm. Được hình thành từ thời Lý, Bát Tràng không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm gốm sứ tinh xảo, mà còn là biểu tượng của sự sáng tạo và khéo léo của người Việt. Mỗi sản phẩm gốm Bát Tràng đều chứa đựng tinh hoa văn hóa, sự tỉ mỉ trong từng đường nét và sự hòa quyện giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại. Ngày nay, Bát Tràng là một ngôi làng có bề dày lịch sử lâu đời, nơi đây không chỉ là nơi lưu giữ giá trị văn hóa dân tộc mà còn là điểm đến ý nghĩa để tìm hiểu lịch sử, trải nghiệm làm gốm và khám phá vẻ đẹp độc đáo của nghệ thuật và truyền thống Việt Nam. Chuyến đi trải nghiệm là cơ hội giúp học sinh trau dồi hiểu biết về phong tục, truyền thống các dân tộc Việt Nam, nhận ra các giá trị, tầm quan trọng của văn hóa truyền thống dân tộc, đồng thời ứng dụng những đường nét, hoa văn các dân tộc thiểu số vào các sản phẩm gốm của bản thân.
Học sinh lớp 8 có cơ hội được tìm hiểu thêm về lịch sử và nguồn gốc của làng gốm Bát Tràng tại ngôi đình làng hơn 300 năm tuổi
Tham quan ngôi làng với nhiều bức tường cổ kính in đậm dấu ấn thời gian
Không chỉ được tìm hiểu về làng gốm Bát Tràng, học sinh khối 8 còn được hoá thân thành những “nghệ nhân”, tự tay vẽ nên những sản phẩm gốm của riêng mình. Những sản phẩm gốm bắt mắt, được trang trí bằng họa tiết các dân tộc thiểu số giúp tôn lên nét đặc sắc, độc đáo của văn hóa vùng miền, đồng thời, giúp học sinh thêm yêu mến, tự hào về truyền thống dân tộc.
Học sinh thích thú tham quan lò nung gốm trăm tuổi, xưởng sản xuất với nhiều sản phẩm gốm đẹp mắt
Những chiếc lọ, cốc, đĩa được trang trí sặc sỡ qua bàn tay khéo léo của các bạn
Từ những chiếc cốc trắng tinh, qua bàn tay của các “nghệ nhân nhí”, đã trở thành một tác phẩm sắc màu
Chuyến đi học tập và trải nghiệm tại làng gốm Bát Tràng không chỉ mang đến cho học sinh cơ hội tìm hiểu về một làng nghề truyền thống lâu đời mà còn giúp mở rộng kiến thức về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật dân gian của dân tộc. Trải nghiệm thực tế tự tay trang trí các sản phẩm gốm và tìm hiểu về bề dày lịch sử của làng gốm đã giúp học sinh thêm trân trọng những giá trị di sản mà cha ông để lại. Đây chắc chắn sẽ là một hành trình ý nghĩa, để lại trong mỗi học sinh những bài học quý báu cùng kỉ niệm khó quên.
Bài viết: Nguyễn Minh Huy (8A4)
Ảnh: Cô giáo Đinh Thị Kiều Thu - Cô giáo Nguyễn Quỳnh Trang - Vũ Khánh Linh (8A5)