Ngày 27/10 vừa rồi, câu lạc bộ phóng viên chúng mình đã có một buổi giao lưu vô cùng bổ ích với cô Hà Sơn – phóng viên báo Vietnamnet

Gặp gỡ một phóng viên thực thụ

Lần đầu tiên được trực tiếp tiếp xúc với một người đã có kinh nghiệm trong ngành báo chí, dù không ai nói với ai nhưng tất cả các thành viên đều không giấu được vẻ háo hức và hồi hộp. Người mà chúng mình có cơ hội học hỏi lần này là cô Hà Sơn – phóng viên báo Vietnamnet       

NhàbáoHà Sơn

Ấn tượng đầu tiên của chúng mình về cô là cô rất gần gũi, rất dễ thương nhé! Cho dù có sự chênh lệch về tuổi tác, nhưng chỉ sau vài phút, cô và các bạn đã có thể trò chuyện thoải mái thân thiện với nhau. Hóa ra cô cũng “ngại”, cũng hồi hộp như chúng mình đấy. Cô đùa và bảo “chỉ quen đi hỏi người khác thôi. Sợ bị người khác hỏi lắm!” Tất cả đã ồ lên khi biết cô phóng viên thân thiện này chính là em gái của cô Thu Anh – phó hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành

Thế nào là một tiêu đề đạt yêu cầu?

“Cái đầu tiên thu hút người đọc là tiêu đề” – Cô Hà Sơn phân tích – “Tin bài muốn hay trước hết tiêu đề phải hấp dẫn, lôi cuốn người đọc đã”

Tiêu đề đạt yêu cầu phải hết sức cô đọng. Đối với những báo uy tín như Vietnamnet, tiêu chuẩn đầu tiên là tiêu đề không được vượt quá mười hai từ.

Còn đối với một tiêu đề hay, "dung lượng dừng lại ở chín từ là vừa đủ". Ngoài ra, tiêu đề cũng phải gây được sự tò mò, "không trả lời luôn thắc mắc của người đọc". Nói thì dễ, nhưng để sáng tạo ra được một tiêu đề thu hút không hề đơn giản. "Giật tít cũng là cả một nghệ thuật đấy!" - cô bông đùa

Viết một tin bài hay có khó hay không?

Các bạn nghĩ những yếu tố nào sẽ quyết định một bài báo có hay, có hấp dẫn người đọc hay không ? “Không đơn giản là chỉ dùng những từ ngữ hấp dẫn người đọc, người xem, không chỉ là những hình ảnh đẹp mắt mà còn cần nhiều rất nhiều thứ.” – cô Hà Sơn chia sẻ với chúng mình.


Các thành viên của câu lạc bộ háo hức lắng nghe

 Đầu tiên, một bài viết hay phải có dẫn chứng cụ thể. Không có bài viết nào hay mà không có sự minh họa sinh động. Như khi bạn đọc một bài văn, bài thơ, cái hay nằm ở hình ảnh, hình tượng nghệ thuật. Nói cao xa thế thôi, chứ khi viết một bài báo, việc lấy dẫn chứng cụ thể đơn giản chỉ là thay cho việc viết “một người bạn của mình nói vậy” thì hãy viết “bạn Nguyễn Thị A đã nói vậy”, như thế bài viết sẽ thuyết phục người đọc hơn. Có nghĩa là dẫn chứng minh họa của một bài bảo phải đảm bảo tính chân thực các bạn nhé!

Bên cạnh đó, người viết cần phải biết đặt vấn đề. Hãy tự đặt cho mình những câu hỏi “Cái gì? Ở đâu? Như thế nào? Tại sao?” và tự mình khám phá câu trả lời. 

Một bài báo hay còn cần có cảm xúc của người xem. “Con có định viết về cảm xúc của thầy cô giáo dự buổi họp mặt CLB này không?” – Cô Hà Sơn hỏi. Những câu hỏi thật gần gũi của cô làm cho không khí buổi trò chuyện của CLB Phóng Viên Trẻ chúng mình trở nên vô cùng ấm cúng!


Tặng nhà báo bó hoa tươi thắm cùng lời cảm ơn chân thành

Kết

Buổi giao lưu thực sự rất bổ ích và hấp dẫn đúng không? Hoá ra làm một phóng viên giỏi cũng đòi hỏi không ít kĩ năng và kinh nghiệm đấy nhé. Câu lạc bộ phóng viên chúng mình đang cố gắng nỗ lực để trở thành những phóng viên chuyên nghiệp tương lai đây! Còn bạn, sao bạn không tham gia câu lạc bộ để cùng trải nghiệm và san sẻ tình yêu nghề báo với chúng mình nhỉ?

Nguyễn Bảo Anh và Ngô Thị Thu Hằng lớp 10D1