Ngày 08/05/2013, tại phòng Hội đồng 107 trường Nguyễn Tất Thành đã diễn ra buổi tập huấn “Kỷ luật không nước mắt” dành cho các thầy cô giáo, do Ban Giám hiệu trường Nguyễn Tất Thành và Phòng Tâm lí phối hợp với các chuyên gia tâm lý của Viện đào tạo kỹ năng GS tổ chức.

Diễn giả của buổi tập huấn là Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên - một chuyên gia tâm lý có nhiều kinh nghiệm, đã thực sự gây hứng thú và truyền cảm hứng cho các học viên tham gia buổi tập huấn.


Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên đã truyền cảm hứng cho các học viên

Mục đích của buổi tập huấn là muốn truyền đến các thầy cô giáo một thông điệp giản dị nhưng đầy ý nghĩa là: trong quá trình giáo dục con trẻ, chúng ta không tránh khỏi việc phải dùng đến những hình thức kỷ luật, nhưng hãy hướng đến những phương pháp kỷuật tích cực - kỷ luật không nước mắt “không đau, không sợ, không khó chịu” để đạt hiệu quả tối ưu nhất!

Nội dung thứ nhất của kỷ luật không nước mắt là tìm hiểu quy tắc thưởng phạt. Trên cơ sở phân tích thấu đáo, Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên đã đưa ra một bộ quy tắc thưởng phạt chuẩn mực vừa thấu tình, vừa đạt lí, đồng thời cũng hướng dẫn các học viên phương pháp xây dựng một bảng điểm thưởng phạt để khích lệ các thành viên trong lớp học tránh mắc lỗi và tránh tái phạm lỗi đã mắc phải.


Nội dung thứ hai của kỷ luật không nước mắt là chú ý đến nghệ thuật khen chê, giúp các học viên hiểu được phương thức khen đúng cách và khích lệ tinh thần con trẻ, đồng thời cũng hiểu được phương pháp và cách thức chê con trẻ để trẻ không cảm thấy mình bị chỉ trích nặng nề mà lại sẵn sàng sửa lỗi mỗi khi sai phạm.

Nội dung cuối cùng của kỷ luật không nước mắt là trang bị kiến thức về quy tắc ứng xử với con trẻ. Chuyên gia tâm lí Trần Thị Ái Liên đã giúp các học viên hiểu được tầm quan trọng của việc làm gương con trẻ và biết cách làm gương như thế nào. Các học viên tham gia tập huấn đã phân biệt được sự khác nhau giữa lời khuyên (tác động đến ý thức con trẻ) với thông điệp gửi gắm qua hành động (tác động đến tiềm thức con trẻ) như thế nào. Một vấn đề quan trọng nữa mà các học viên cũng rất chú ý lĩnh hội đó là cách thức để tạo điều kiện cho con trẻ có nhiều quyền lựa chọn tuy nhiên vẫn trong khuôn khổ kiểm soát của người lớn.

Buổi tập huấn với các chuyên gia tâm lí đã mang lại những kiến thức hết sức bổ ích với các thầy cô giáo trường Nguyễn Tất Thành. Tới đây, trong mỗi giờ lên lớp, trong quá trình giáo dục học sinh, trong sự nghiệp trồng người cao quý, mỗi thầy cô sẽ có thêm một hành trang nhỏ - đó là nguyên tắc và phương pháp kỷ luật không nước mắt để mang lại những điều tốt đẹp nhất cho các thế hệ học trò của mình!

Lời cuối cùng, thay mặt cho các học viên khóa tập huấn, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Ban giám hiệu trường Nguyễn Tất Thành, Phòng Tâm lý và Viện đào tạo kỹ năng GS đã cho chúng tôi một cơ hội học hỏi rất ý nghĩa!

Cô giáo Phạm Thị Thu Phương