Trong câu chuyện “Cho tôi xin một vé về tuổi thơ”, Nguyễn Nhật Ánh đã từng bộc bạch, thủ thỉ với độc giả rằng: “Tuổi thơ giống như một cơn mưa rào. Dù cho bạn có từng bị cảm lạnh vì tắm mưa, bạn vẫn muốn được đắm mình trong cơn mưa ấy lần nữa”. Mỗi người lớn lên có lẽ ai cũng phải trải qua “cơn mưa” của chính mình, đi qua những khoảnh khắc, kí ức đẹp đẽ nhất, trải qua những điều tuy nhỏ mà sâu sắc, ý nghĩa đến khôn cùng. Con người ta ai cũng dần lớn lên theo năm tháng, liệu còn ai vẫn quyến luyến, nhớ thương về một bầu trời tuổi thơ đã xa?
Tuổi thơ là quãng thời gian đầu đời của con người, là nơi chứa đựng những kí ức trong sáng, vô tư và hồn nhiên nhất. Đó là những ngày tháng mộc mạc, giản dị nhất, khi mà những đứa trẻ ngây thơ chẳng phải lo nghĩ về tiền bạc, tương lai. Đôi khi những trò chơi, những món quà giản đơn cũng làm những trái tim rung động, hạnh phúc không thôi.
Tuổi thơ lớn lên từ những điều ý nghĩa, giản dị nhất, lớn lên từ sự ngây thơ và trong trẻo của tâm hồn, minh chứng rõ ràng nhất cho điều ấy có lẽ là những trò chơi, hoạt động gắn với sự bình yên, giản dị của thôn quê, xóm làng ngày ấy. Không có mạng Internet hay trò chơi điện tử, công nghệ còn chưa phát triển, những đứa trẻ tìm đến những niềm vui cho bản thân: hòa mình vào thiên nhiên, cây cỏ, tìm đến những trò chơi truyền thống, mộc mạc bằng nguyên liệu xung quanh,... Liệu ai còn nhớ những ngôi nhà nhỏ bằng chăn, bằng gối, nơi những đứa trẻ quây quần trò chuyện, trông ngóng những chương trình từ chiếc vô tuyến đen trắng chập chờn, hay khoảnh khắc chiến thắng khi chơi cỏ gà, con quay bằng gỗ.
Đường làng chật hẹp, thân thuộc tràn ngập “tiếng quê”
Chợ quê tấp nập, tràn ngập tiếng cười
Không chỉ gắn bó với những cảnh sắc thiên nhiên mộc mạc và giản dị, tuổi thơ đích thực còn là những lúc được gắn bó bên những con người hiền lành, đôn hậu: bố mẹ, ông bà, những người nông dân, bạn hàng xóm,... Chính những hành động, lời nói, những nụ cười, sự quan tâm đã làm nên những dấu ấn khó phai trong tâm trí mỗi người, giúp tuổi thơ trở thành một trong những giai đoạn ấm áp nhất đời người. Trân trọng và tận hưởng từng phút giây quý giá ấy có lẽ cái tuổi mới lớn sẽ trở nên ý nghĩa hơn cả. Những phút giây gắn bó với gia đình thật ấm áp, êm đềm trong tiếng ru “À…ơi” của mẹ, của nắng trưa, tre vẫn xào xạc, ve cất lên tiếng hát của mùa hè; hay đơn giản là những bữa cơm giản đơn trong căn nhà mái ngói ba gian ấm áp cũng đủ làm người ta phải bồi hồi, nhớ thương.
Bữa cơm tối tuy đơn giản mà hạnh phúc, ấm áp
Những đứa trẻ xây dựng nên “thế giới riêng” của mình bằng chăn, đệm
Xã hội đang phát triển trong mọi mặt của đời sống: liên lạc, giải trí, thực phẩm,... nhưng đồng nghĩa với sự phát triển vượt bậc ấy cũng khiến trẻ em đang dần mất đi những vẻ đẹp của tuổi thơ đầu đời. Tiêu biểu, công nghệ số đang phát triển, trẻ em đã được sử dụng những sản phẩm công nghệ như máy tính, điện thoại, hình thành và phụ thuộc từ khi còn nhỏ, họ đang dần bị lôi cuốn bởi sự đa dạng, cuốn hút của mạng xã hội, quên đi những điều bình dị của cuộc sống ngoài kia. Cuộc đời tấp nập và bộn bề cũng khiến người ta dường như thu mình lại, chỉ sống cùng gia đình, thậm chí là đơn độc mà chẳng có người bạn hàng xóm, tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm hồn: cảm thấy cuộc sống thật vô vị, lẻ loi, chẳng có người để sẻ chia, tâm sự. Nhưng đồng thời không thể phủ nhận những tác động bên ngoài cũng đang khiến trẻ em chẳng được sống một thời thơ ấu trọn vẹn: Đô thị phát triển, chẳng còn không gian cho trẻ con chơi đùa, hay những áp lực học tập cũng làm trẻ em bị căng thẳng, chẳng được sống thoải mái, có cơ hội khám phá, hòa mình vào thiên nhiên.
Chỉ vì bận rộn mà cha mẹ cho con dùng điện thoại thay vì cùng con vui chơi, thấu hiểu con
Con trẻ chống đối, xa cách với cha mẹ, chỉ để ý đến điện thoại
Những năm tháng tuổi thơ ngày ấy quả thật đáng nhớ và ý nghĩa, nó là nền tảng quan trọng để hình thành lên nhân cách của mỗi người. Vì vậy, cha mẹ hãy luôn quan tâm con trẻ để chúng có được một tuổi thơ thật đáng nhớ, đồng thời, chính bản thân chúng ta cũng nên có ý thức, biết trân trọng những khoảnh khắc đáng quý của cuộc đời mình. Trong cuốn sách “Thép đã tôi thế đấy” có một nhận định rất sâu sắc: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài sống phí…”. Mong rằng, sau này đứa trẻ nào cũng sẽ được sống trong những năm tháng tuổi thơ thật ý nghĩa và đáng nhớ, hãy để điều duy nhất ấy trở nên tuyệt vời nhất!
Bài viết: Đặng Minh Vũ (7A1)
Ảnh: Sưu tầm