Văn hóa là bản sắc, văn hóa là dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn. Tầm quan trọng của văn hóa to lớn là thế nhưng đâu đó, bóng hình của nó lại đang phai mờ, phủ bụi theo thời gian. Hiện trạng này khiến tôi phải đặt ra nghi vấn rằng trong tương lai, con cháu của chúng ta liệu có còn nhắc đến “Truyện Kiều” như một áng văn thiên cổ, nhắc đến các bài nhạc đỏ, nhạc vàng như thành tựu ghi dấu thời gian, nhớ rằng làn điệu chèo, đoạn ca vọng cổ, các loại nhạc cụ dân gian,... là mảnh ghép không thể thiếu trong hồn cốt của dân tộc hay sẽ coi chúng là quê mùa, là tẻ nhạt và coi những người trân trọng chúng là những kẻ dị hợm đây?

Mở đầu bằng một tựa đề nghe có vẻ hơi “giật tít” không phải phong cách của tôi nhưng nó lại là câu hỏi mà tôi và nhiều thế hệ đang đau đáu theo đuổi. Để rồi từ ấy, vô hình chung, niềm trăn trở không nguôi đã kết nối mạch suy nghĩ của những con người vốn riêng biệt, hình thành nên một cộng đồng vững chãi mà ở đó họ truy tìm chìa khoá để quyết định sự tồn vong của nét văn hoá dân tộc trong thời đại số. Và tôi tin rằng cá nhân bạn đôi khi lại bất chợt “gia nhập”  cộng đồng đó, một cộng đồng mà với tôi là đang cộng sinh vào nhau.

Việc gia nhập của bạn được thực hiện qua vài suy nghĩ vu vơ khi đọc thơ cổ, khi nghe các làn điệu dân ca hay chỉ đơn giản là bắt gặp hình ảnh quảng bá về một sân khấu nghệ thuật trên băng rôn, cờ phướn ở các con phố lớn nhỏ. Và những suy nghĩ vu vơ ấy đôi khi lại dẫn tới chủ đề mang tính thời đại: Sức sống của văn hóa dân tộc.

Văn hoá tồn tại từ ngàn đời, đang từng bước phát triển

Đây luôn là chủ đề nóng hổi để tranh luận, tồn tại hàng vạn câu hỏi xoay quanh và chẳng có câu trả lời nào thật sự thỏa đáng, ngoại trừ thời gian. Nhưng biết đợi đến bao giờ khi cả tôi và bạn đều đang sống ở hiện tại, chạy đua mà chẳng biết khi nào vạch đích cuộc đời bất chợt xuất hiện. Và câu hỏi liệu ta có đủ phước lành để chứng kiến sự tồn vong của văn hóa dân tộc hay không mãi mãi là một ẩn số. Chính vì thế mà tôi trân trọng tất thảy khoảnh khắc chuyển giao, lặng nhìn từng nhịp nối của cây cầu thời đại, một cây cầu kỳ khôi mà con người dựng lên để kết nối với quá khứ, hiện tại và tương lai. Cây cầu ấy chính là chìa khóa lí giải cho sự tồn vong của văn hóa dân tộc trong thời đại số.

Cây cầu bắc ngang dòng sông thời gian, để những giá trị xưa cũ hòa vào dòng chảy hiện đại, rẽ sóng mang đến khắp muôn nơi, trở thành cuộc phiêu du vĩ đại của loài người. Sự đơn giản hóa của cách nói ví von ấy chính là hành trình tiếp nối, một cuộc hành trình mà tôi cho rằng đã được ấp ủ, thai nghén trong quãng thời gian dài, chỉ chờ thời điểm thích hợp để tỏa sáng. Và tôi tin, 2024 là một năm như vậy với vô vàn chương trình truyền hình thực tế, chương trình âm nhạc, lễ kỉ niệm hướng đến sự tri ân các anh hùng liệt sĩ, hướng đến việc quảng bá các địa danh du lịch và đặc biệt là hướng đến giá trị văn hóa dân tộc.

Nhiều sản phẩm nghệ thuật giải trí truyền cảm hứng được sản xuất trong năm 2024

Câu chuyện được dẫn dắt đến đây, chắc hẳn bạn đọc đều biết tôi đang muốn hướng sự chú ý vào chương trình nổi bật trong năm 2024 vừa qua - “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai” (ATVNCG). Và cá nhân tôi dám khẳng định đây là một sản phẩm hoàn hảo, một minh chứng vàng cho sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, một khoảnh khắc tân thời của dân tộc. Nếu dựa vào các con số thống kê vô tri, vô giác, tôi sẽ chẳng thể khẳng định chắc nịch đến như vậy bởi các con số ấy suy cho cùng đều phụ thuộc vào công nghệ, có thể xuất phát từ điều phiến diện, có phần chủ quan. Điều duy nhất có thể nhen nhóm trong tôi ngọn lửa nhiệt huyết chính là cái tâm, cái tầm của ekip và các nghệ sĩ trong chương trình ATVNCG.

Sân khấu chương trình ATVNCG

Cái tâm, cái tầm ấy được thể hiện, được củng cố trong từng công diễn, trong cách họ say mê nghệ thuật chân chính, cống hiến để bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống. Những người nghệ sĩ ấy thổi một làn gió mới vào các làn điệu xưa cũ, cho nó cơ hội sống lại nhưng cũng không làm mai một đi giá trị nguyên sơ vốn có. Với tôi, đây là cách để văn hoá được tiếp nối, để mạch máu dân tộc luôn sục sôi,  ngầm chảy trong mảnh đất thiêng liêng, chẳng thể nào đứt đoạn.

Mạch máu ấy khiến lòng con người ta như bùng cháy, bùng cháy với lòng yêu nước nồng nàn, bùng cháy bởi những giá trị xưa cũ nhất đang dần hiện hữu trở lại, đi theo hơi thở nhanh của thời đại. Ta đang sống trong thời đại hào hùng của dân tộc, trong khoảnh khắc mà giá trị văn hoá càng được chứng thực một cách sống động hơn bao giờ hết. Việc lưu giữ, trân trọng thôi là chưa đủ, văn hoá còn cần được thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, tạo nên sợi dây kết nối cộng đồng. Và theo tôi, nó đã có cơ hội hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy của mình.

Sợi dây ấy gắn kết những tâm hồn đồng điệu bất kể tuổi tác, bất kể giới tính hay tầng lớp trong xã hội. Nó để giới trẻ tìm nghe lại các bài ca vọng cổ, cùng hát vang làn điệu chèo kinh điển của dân tộc, lắng nghe khúc nhạc vàng đầy hào hùng tại Concert ATVNCG. Dường như cái vách ngăn vô hình giữa truyền thống và hiện đại đã bị xoá nhoà, để giá trị ấy hiện hữu, để chính NSND Tự Long phải khẳng định: “Đừng nói giới trẻ không yêu văn hoá, yêu dân tộc. Họ vẫn yêu nhiều lắm. Họ còn biết tiếp nhận, hòa nhập và đưa giá trị văn hoá của Việt Nam ra thế giới!”.

Tình yêu của giới trẻ không chỉ dừng lại ở việc tìm nghe trong hứng thú mà còn được nhân lên thành phát triển, quảng bá rộng rãi. Sự phát triển ấy được thể hiện vô cùng khéo léo thông qua các sân khấu tại ATVNCG, qua các giá trị mà một chương trình truyền hình mang lại. Vừa là giá trị kết nối, vừa là giá trị văn hoá đầy sâu sắc. Nó để tôi tin chắc rằng văn hoá dân tộc sẽ chẳng bao giờ biến mất, âm ỉ chảy mãi theo mạch máu của nhân loại, chờ thời cơ chín muồi để bùng phát, mang theo âm hưởng của mọi thời đại truyền đi, vang vọng khắp không gian.

Tiết mục văn hoá tiêu biểu tại sân khấu ATVNCG: Mưa Trên Phố Huế, Đào Liễu, Dạ Cổ Hoài Lang, Chiếc Khăn Piêu

Những sân khấu ấy thổi hồn mới vào trong làn điệu dân tộc vốn quá quen thuộc với tầng lớp cha anh. Họ để giới trẻ cùng lắng nghe, để giá trị văn hoá dân tộc được trường tồn. Và dù không có câu trả lời thật sự thỏa đáng cho câu hỏi “giật tít” của mình nhưng tôi tin rằng giá trị văn hoá dân tộc vẫn luôn được phát triển ngày qua ngày, song hành cùng thời gian.

Bài viết: Đoàn Ngọc Yến Nhi (11D4)
Ảnh: Sưu tầm