Trong thời khắc giao mùa, khi Hà Nội đang dần tiễn bước những đợt gió lạnh lẽo, nhường chỗ cho những tia nắng ấm ngày xuân len lỏi qua từng mầm cây mới chớm, cũng là lúc người ta lại nhắc nhau về huyền thoại con phố hàng Trống một thời vang bóng. Tranh Hàng Trống đã từng là một nét văn hóa không thể thiếu của người Hà Nội mỗi dịp Tết đến xuân về, không chỉ là một thú chơi tao nhã mà còn là sự kết hợp tinh tế giữa nghệ thuật và trí tuệ.
Phong tục chơi tranh ngày Tết người Hà Nội xưa
Người xưa có câu “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc”, ý chỉ bốn thú vui tao nhã dịp Tết Nguyên đán của người Việt. Đã xuất hiện từ rất lâu và được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tranh Tết là một phần quan trọng báo hiệu không khí ngày xuân, báo hiệu một năm mới đã đến, cũng đồng thời tạo cảm giác ấm cúng trên mỗi bức tường của gian nhà.
Người Hà thành, qua lời nhận xét của nhà sử học Trần Quốc Vượng là “kết quả của tinh hoa bốn phương hội tụ”, từ thế kỉ XVI đã tiếp thu những luồng ảnh hưởng của Phật giáo và Nho giáo mà sáng tạo ra tranh Hàng Trống, đánh dấu một vẻ đẹp rất riêng của chốn kinh kì. Tranh Hàng Trống được dùng để kiến tạo nên một không gian sang trọng cho dịp Tết, cũng đồng thời chứng tỏ lễ giáo gia phong của gia đình. Dòng tranh này đạt đến thời đại hoàng kim vào cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.
In - bồi - họa
Khác với tranh Đông Hồ đất Kinh Bắc sử dụng mộc bản từ đầu đến cuối, tranh Hàng Trống chỉ sử dụng ván in ở bước in hình. Nghệ nhân sử dụng con lăn để lăn đầu mực trên mặt ván, sau đó đặt giấy dó lên trên.
Công đoạn in hình lên giấy dó
Sau khi tranh đã lên hình và được phơi khô cũng là lúc bắt đầu công đoạn bồi tranh, công đoạn quyết định đến độ bền của tác phẩm. Lúc này, người nghệ nhân dùng chổi thông làm ẩm tranh bằng nước sạch, dàn phẳng tranh một cách tỉ mỉ, rồi quết vào tranh một lượt hồ. Tiếp tục như vậy thêm 3 đến 5 lớp giấy dó nữa, tất cả đều được bồi thật đều tay sao cho tranh vẫn giữ nguyên độ phẳng, không bị rách hoặc nhăn nheo.
Bồi tranh đòi hỏi nhiều kĩ thuật ở người thực hiện
Công đoạn cuối cùng là vẽ màu sử dụng cọ vẽ mềm rộng bản, một nửa ngọn bút chấm màu, còn nửa ngọn bút kia chấm nước lã, tô tranh theo kĩ thuật vờn màu. Tranh Hàng Trống được ưa chuộng không chỉ ở chủ đề, mà còn ở các bút pháp trong nét vẽ của nghệ nhân. Chỉ một chấm mực hòa cùng nước đã tạo nên các sắc độ khác nhau, cũng vì vậy mà không có bức tranh nào là giống nhau hoàn toàn.
Mỗi sắc độ màu trên bức tranh là mỗi lần người nghệ sĩ thổi hồn mình việc họa màu
Tranh thờ và tranh Tết: tâm linh và đời thường
Tranh Hàng Trống có thể chia thành 2 thể loại chính là tranh thờ và tranh Tết. Tranh thờ mang màu sắc tôn giáo, hình tượng được thể hiện là các vị thần, Phật, thánh, và những hình ảnh mang tính tâm linh, dùng để phục vụ cho nhu cầu thờ cúng trong các điện, miếu. Có thể kể đến những bức như Tứ phủ công đồng, Bà chúa Thượng ngàn, Tam phủ,... Tiêu biểu là bức “Ngũ hổ”, thể hiện năm chú hổ với tư thế và màu sắc khác nhau. Năm chú hổ là năm màu được vẽ theo đủ 5 sắc màu tượng trưng của ngũ hành, thể hiện trọn vẹn sự uy nghi và sức sống mãnh liệt của chúa sơn lâm.
Tranh “Ngũ hổ” biểu tượng cho sự may mắn, sức khỏe, bình an, xua đuổi tà khí
Nếu tranh thờ sử dụng hình ảnh uy nghi, tâm linh thì tranh Tết (tranh trang trí, tranh sinh hoạt) lại miêu tả phong cảnh, lối sinh hoạt đời thường, hình ảnh hoa lá, chim muông. Mỗi bức tranh đều có những hình ảnh vui tươi, gần gũi mà cũng rất đỗi sang trọng, thể hiện ước mong hạnh phúc, may mắn, sung túc. Bên cạnh những bức tranh đơn như Lý ngư vọng nguyệt (Cá chép trông trăng), Gà đại cát, Chim công còn có bộ tranh gồm bốn bức có thể kể đến như tranh Tứ bình, tranh Tố nữ ngồi, tranh Ngư tiều canh mục,…
Tranh Lý ngư vọng nguyệt với ý nghĩa vượt qua khó khăn, thử thách
Bộ tranh Tứ bình đại diện cho bốn mùa trong năm, đồng thời là bốn giai đoạn của cuộc đời
Mỗi bức tranh được tạo nên bởi từng đường nét tỉ mỉ, tinh tế, ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa sâu xa của người thổi hồn vào tranh, đòi hỏi người chơi tranh có sự nhạy bén, khéo léo, am hiểu thâm thúy. Bởi vậy, chơi tranh không chỉ là một thú vui, mà còn là một bộ môn nghệ thuật phản ánh đậm nét cách khai thác chất tư tưởng, chất nhân văn trong các tầng lớp xã hội của người Việt từ thuở xa xưa.
Đã từng huy hoàng rực rỡ là thế, ngày nay do nhu cầu tìm kiếm sự hiện đại, mới mẻ mà dòng tranh này đang ngày dần mai một trong đời sống người Hà Nội. Tản bộ trên con phố Hàng Trống, ta thấy những quán ăn vỉa hè chen chúc người thay vì những gian hàng rực rỡ màu sắc tranh. Những gia đình trước đây buôn may bán đắt, lòng say nghề thắm với tranh Hàng Trống cũng đã chuyển hướng kinh doanh, chỉ còn rất ít những người nghệ nhân vẫn giữ nghiệp, bảo tồn nét nghệ thuật không đâu có được này.
Vậy mới thấy người Hà thành xưa thật có khiếu chọn lọc, bởi không phải ngẫu nhiên mà tranh Hàng Trống được ưu ái chọn lựa để treo trên tường mỗi dịp Tết đến xuân về. Đó cũng chính là cái nét thanh lịch, tế nhị, trang nhã mà người Hà Nội vốn có từ xưa. Họ luôn mê mẩn cái đẹp, tìm đến trường phái sang trọng mà không lố lăng, hiện hữu mà không phô trương. Cũng như dòng tranh của chốn kinh kì, văn hóa chơi tranh Tết của người Hà thành thật ý nghĩa, đáng được bảo tồn, tiếp nối theo thời gian.
Bài viết: Nguyễn Khánh Ngọc (10D3)
Ảnh: Sưu tầm