Đã bao giờ, bạn cảm thấy dù có cố gắng hết mình, cũng chẳng thể đuổi theo được bước chân của bạn bè? Đã bao giờ, khi nghe người thân nhắc đến bạn bè mình, bạn lại cảm thấy mệt mỏi và chán nản? Đã bao giờ, dù vẫn là những cuộc chuyện trò vui vẻ, những giờ phút cười nói hạnh phúc, nhưng bạn lại cảm thấy lạc lõng lẻ loi như thể trong số toàn bộ những người bạn ấy, chẳng tồn tại một người là bạn?


Không còn là những câu nói, mối quan hệ bình thường, bạn bè đã trở thành một “gánh nặng”

Bạn bè không còn là niềm vui

“Peer pressure”, hay còn được biết đến với cái tên “Áp lực đồng trang lứa”, là một trong những tình trạng phổ biến đang lan rộng và ngày một trầm trọng ở các bạn trẻ ngày nay. Áp lực đồng trang lứa không đơn giản chỉ xuất phát từ những suy nghĩ tiêu cực về khả năng, thành tích hay lực học của một đứa trẻ, mà nó còn thường được tạo nên từ những áp lực do chính bố mẹ, người thân, môi trường học tập,… Và không chỉ xảy ra ở lứa tuổi còn đi học, mà peer pressure cũng có thể xảy ra khi chúng ta đã lớn, khi mà gánh nặng về chi tiêu, ăn mặc, con cái càng lớn và trở thành một tiêu chí để đánh giá con người chúng ta trong xã hội.

Nhiều lúc, đối diện với những thành công của bạn bè, ngoài lời chúc mừng, sâu trong lòng chúng ta, đôi khi sẽ còn xuất hiện những nỗi mông lung mệt mỏi. Hôm nay bạn A được giải nhất, ngày kia bạn B giành học bổng,… Theo tháng ngày, nỗi mông lung ấy càng tăng lên, trong con mắt của bạn, dường như tất cả mọi người đều đã đạt được thành tựu, còn bạn vẫn dậm chân tại chỗ đó như quá khứ. Tất cả đều tiến lên, chỉ riêng bạn dừng lại. Tất cả đều thành công, chỉ riêng bạn thất bại.


Càng cố gắng chạy, càng mệt mỏi, càng cố gắng đuổi, càng thấy mình xa hơn

Mỗi chúng ta rồi đều sẽ tìm thấy khoảng trời của riêng mình

Từng ngày, từng tháng, từng năm, tất cả những gì chúng ta đang làm đều là cố gắng đuổi theo người đằng trước. Người khác chăm chú đi về “khoảng trời của họ”, ước mơ của họ. Còn chúng ta? Chúng ta chỉ mải miết đi về phía trước, đi theo bước chân của người đi trước, mà chẳng hề bận tâm họ đang đi đâu, về đâu. Và cứ thế, đến một ngày, chúng ta lại chợt nhận ra, “mình đang đi đâu vậy?”, “rốt cuộc mình phải làm gì?”

Nhưng đừng lo bạn nhé, mỗi chúng ta đều có một “khoảng trời riêng”. Khoảng trời ấy có thể vẫn chưa xuất hiện, nhưng chắc chắn chỉ cần chúng ta vẫn kiên trì tiến lên, một ngày nào đó, khoảng trời ấy sẽ xuất hiện. Và trên con đường tiến tới khoảng trời của ước mơ, áp lực đồng trang lứa có thể là mối nguy hại, nhưng cũng có thể là cơ hội tốt nếu ta biết nắm bắt.

Làm bạn với “Áp lực đồng trang lứa”

Trong cánh đồng hoa của thế giới, mỗi một người lại là một đóa hoa khác nhau. Có người có hương thơm, có người có màu sắc, lại có những người có cách để bảo vệ bản thân vô cùng hiệu quả. Mỗi người lại có một khả năng, một thế mạnh riêng. Vậy nên, cách đầu tiên để làm bạn với “Áp lực đồng trang lứa” chính là luôn tin tưởng vào bản thân. Bạn thấy mình còn kém cỏi? Không lo, chặng đường còn dài, chúng ta luôn có thể phát triển khi ta còn có niềm đam mê. Bạn thấy mình chỉ toàn vấp ngã? Không sao cả, thất bại là mẹ thành công, một lần vấp ngã có thể khiến cho bạn càng thêm rẳn rỏi, cứng cáp trên chặng đường.

Cách thứ hai, chúng ta luôn không hoàn hảo. Chính sự không hoàn hảo ấy lại tạo nên sự khác biệt và cá tính rất riêng của mỗi con người. Do vậy, mỗi cá nhân lại có những giới hạn riêng. Cũng giống như việc người bình thường chỉ có thể nín thở dưới nước được 1 phút nhưng lại có những người nín thở được đến 10 phút vậy. “Nếu bạn đánh giá một con cá qua khả năng leo cây thì cả đời con cá đó sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc”, nếu bạn không làm được việc mà người khác làm, điều đó không phải do bạn bất tài. Hãy học cách để lắng nghe chính bản thân để tìm ra cách phát triển, đừng chạy vội vàng theo người khác mà quên đi bạn là “cá” chứ không phải “khỉ”.


Học cách để tự yêu và tin tưởng vào bản thân mình

“Áp lực” nhưng không “áp lực”

Nếu một ngày phát hiện bản thân đang trong tình trạng áp lực đồng trang lứa, bạn sẽ làm gì đầu tiên? Nếu là mình, mình sẽ chọn cách chia sẻ áp lực ấy với người thân, một người ta có thể tin tưởng. Trái tim của chúng ta như một bình nước và những cảm xúc là giọt nước. Nếu những giọt nước ấy được cho vào và ra đều đặn, chiếc bình sẽ luôn sáng loáng, nhưng nếu những giọt nước ấy luôn bị chặn lại bởi nắp bình, thì đến một ngày nào đó, “giọt nước sẽ tràn ly”.

Vì vậy, không chỉ học cách để “làm bạn” với “áp lực”, chúng ta còn cần phải học cách để lắng nghe và sẻ chia những cảm xúc của áp lực ấy nữa. Đừng để “áp lực” trở thành kẻ thù của chúng ta, hãy để “áp lực” trở thành người bạn, người đồng hành cùng ta trên con đường tới khoảng trời của riêng mình.

Bài viết: Phạm An Khánh (10D1)

Ảnh: Sưu tầm