Dân tộc Việt Nam ta là một dân tộc anh hùng, có hàng nghìn năm lịch sử vẻ vang. Qua các thời kỳ đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước, chí khí và hành động của dân tộc ta đã trở thành truyền thống anh hùng vô cùng cao quý. Điều ấy càng được thể hiện rõ nét ở ý chí của những quân nhân, bộ đội, những người đã đổ biết bao máu, mồ hôi và nước mắt để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Để ngợi ca và ghi nhớ sâu sắc công lao của những tấm gương kiên dũng ấy, ngày 22/12 hàng năm được Đảng và Chính phủ ta chọn làm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày Hội Quốc phòng toàn dân.


“Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập vào 22/12/1944 chỉ với 34 chiến sĩ thành viên ban đầu. Những thành viên trong đội chủ yếu là những người nông dân Việt Nam chịu sự áp bức, đàn áp của thực dân Pháp mà đứng lên đấu tranh vì quyền lợi của chính mình, cao cả hơn là quyền độc lập, tự do của Tổ quốc. Giai đoạn sau đó, lực lượng này được đổi tên nhiều lần để phù hợp với chức năng trong từng thời kì từ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đến Vệ Quốc Quân, Quân đội Quốc gia Việt Nam và cuối cùng là Quân đội Nhân dân Việt Nam được chủ tịch Hồ Chí Minh đặt và sử dụng từ năm 1950 đến ngày nay. Với cái tên Quân đội Nhân dân, Người đã ngầm nhắc nhở về trách nhiệm và lí do thành lập lực lượng này: “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”.


Những người lính đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Bắt đầu từ những khí giới thô sơ, thiếu thốn nhưng quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh với những chiến thắng vẻ vang, lẫy lừng. Bắt đầu bằng những chiến thắng tại Phai Khắt và Nà Ngần (Cao Bằng) đến những chiến công oanh liệt tạo nên những bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc như: Cách mạng tháng Tám năm 1945; cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945- 1954); cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước (1954- 1975).


Các chiến sĩ mũ nồi xanh tham gia nhiệm vụ giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc

Ngày nay, trong thời bình, quân đội ta vẫn luôn phát huy truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất; thực hiện sự mạnh cao cả bảo vệ Tổ quốc. Hiểu rõ lẽ đó, vì vậy ngày 22/12 luôn được coi là một dịp lễ quan trọng trong năm của ta. Điều này có ý nghĩa tiếp thêm động lực cho những quân nhân đang cống hiến hết mình vì Tổ quốc, cho dù ở nơi biển đảo sóng gió, nơi biên giới gian lao, hay ở nước ngoài xa xôi. Đồng thời, đây cũng là lời nhắc nhở thế hệ trẻ về lối sống biết ơn, trân trọng những gì được nhận từ sự hi sinh của những thế hệ người lính bộ đội cụ Hồ.

Bài viết: Nguyễn Anh Thư (11D2 - CLB Lịch sử)

Ảnh: Sưu tầm