Bốn năm học ở trường Nguyễn Tất Thành đã dạy cho em nhiều điều. Song có lẽ người đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất về sự nhiệt huyết, tấm lòng yêu nghề giáo, không ai khác lại chính là thầy Lê Đình Cương dạy môn Lịch sử.
Đối với tôi cũng như nhiều bạn khác, Lịch sử là môn học khá tẻ nhạt. Trong suy nghĩ của tôi hồi ấy, việc học môn Sử có lẽ là việc khó nhất, khi mà chúng ta cần phải ghi nhớ những sự kiện đã xảy ra từ hàng trăm hàng ngàn năm trước. Thế rồi năm lớp 7, thầy Cương nhận dạy Sử lớp tôi. Tôi thật may mắn khi được học môn học đặc biệt này với thầy. Những giờ học Lịch sử năm lớp 7 của lớp tôi trở nên sôi nổi vô cùng.
Thầy Cương vẫn rất vui tươi dù tuổi đã cao
Tuy đã bước qua cái tuổi “thất thập cổ lai hi”, song chất giọng và tâm hồn thầy dường như chưa bao giờ già đi theo năm tháng. Cho đến bây giờ, tôi vẫn tưởng như đang được nghe giọng nói sang sảng, ấm áp của thầy. Thầy cũng rất mực thương yêu chúng tôi; thầy thương yêu chúng tôi như những đứa con đẻ của thầy vậy. Và cũng chính vì thế mà thầy cấm chúng tôi gọi thầy bằng ‘thầy’ xưng ‘em’. “Tôi có phải là anh của các anh, các chị đâu mà các anh, các chị xưng ‘em’ với tôi!”, thầy hay nhắc vậy. Và thầy bảo chúng tôi xưng ‘con’; thầy Cương ưng nghe ‘con thưa thầy’ hơn là ‘em thưa thầy’.
Đó là đối với chúng tôi, thế còn đối với các em học sinh khác thì sao? “Thầy đọc có hơi nhanh một tí, nhưng thầy dạy và kể chuyện lịch sử rất hay. Thầy cũng rất vui tính và biết cách thu hút học sinh”- em Nguyễn Thương Huyền lớp 7A5- chia sẻ với tôi. Hầu hết các anh chị khóa trước cũng rất thích cách dạy của thầy, vui tươi và sôi nổi.
Trong buổi kể chuyện lịch sử về Hà Nội
“Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang, Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy,… Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn, tiếng tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy,…”, những ai đã từng học trường Nguyễn Tất Thành đều biết bài ca này, bài “Tiểu đoàn 307”. Không phải một giáo viên nhạc lý nào đã dạy chúng tôi, mà chính thầy Cương đã dạy chúng tôi đó! Vào những hôm chào cờ đẹp trời, những ngày đón lớp học sinh mới vào trường, những ngày từ biệt lớp học sinh cũ, thầy đều hát bài hát ấy. Chúng tôi chưa bao giờ chán nghe bài ca đó, chưa bao giờ chán nghe giọng hát của thầy. Những câu chuyện lịch sử của thầy vào những dịp đặc biệt vẫn luôn là những tiết mục được đón chào nhất. Hàng nghìn học sinh ngồi trên sân trường im phăng phắc hào hứng lắng nghe những câu chuyện lịch sử hấp dẫn qua giọng kể truyền cảm đặc biệt của thầy. Thầy tuy đã già, nhưng không một ai bảo thầy già!
Giờ tuy không còn được học thầy nữa, nhưng mỗi khi gặp lại thầy, chúng tôi không ai bảo ai đều cất tiếng: “Con chào thầy ạ!”. Và bao giờ chúng tôi cũng nhận được cái giơ tay chào thân thiện của thầy. Riêng đối với tôi, thầy là “Bác Hồ tại ngôi trường mang tên Bác”. Đối với tôi, hình ảnh người cha già da ngăm, mái tóc bạc phơ, đôi mắt hiền hậu ẩn sau cặp gọng kính màu hổ phách vẫn luôn và sẽ luôn là hoa tiêu dẫn đường cho tôi để dấn bước vào cuộc đời nay và mai sau.