Giao thừa, pháo nổ, hoa đào. Vậy ra, xuân đến rồi kìa! Tôi đón xuân trong sự hối hả và ngỡ ngàng không biết mơ hay thật. Nhưng chắc là thật rồi bởi khi cảm nhận được sức xuân mãnh liệt trong từng hơi thở, cảm được cái xốn xang khi nhìn thấy những thư vị giản dị: bánh chưng xanh, hoa đào và tiếng hót chim én xa xa ngoài cửa sổ, cảm được những tia nắng ấm và cơn gió thổi nhẹ se lạnh qua từng kẽ tóc thì tức nàng xuân gõ cửa thật rồi.

Xuân về, về cả trong lòng, lưu thành những nỗi nhớ man mác trong trái tim mỗi người. Năm nay tôi thấy xuân thật khác, bởi lẽ không còn là mùa xuân trên quê hương rộn ràng tưng bừng mà xuân của tôi là một mùa xuân yên bình, lặng lẽ như chính vẻ đẹp thăng trầm và sâu lắng của Hà Nội tinh khôi. Những ngày đầu sang xuân, Hà Nội vẫn còn vội vã nhưng phải lúc này Hà Nội mới được trả lại cái ngọt ngào yên ả vốn có của nó khi những người con rời đi để trở về quê. Đôi lúc, trong phút chốc, tôi bỗng trôi vào dòng chảy ồn ã xuôi ngược để chuẩn bị cho những ngày Tết sắp đến. Nhưng, đến giờ tôi mới nhận ra sự vội vã đấy không thể khiến tôi cảm nhận được hết cái dư vị nhẹ nhàng của mùa xuân xứ Bắc. Chuẩn bị cho ngày Tết mà không cảm nhận được dòng chảy mùa xuân trong người thì còn đâu là Tết. Có một câu nói thực sự đúng khi nói về Hà Nội: “Muốn biết Hà Nội bình yên thế nào, hãy tìm về buổi sớm mùng một Tết!”. Nhưng với tôi mà nói thì tôi ích kỉ lắm, tôi muốn chỉ mình tôi mới được ngắm nhìn vẻ đẹp vắng lặng, dung dị và bình an, chỉ mình tôi được cảm nhận sự ấm áp bình yên nơi thành cổ. Nếu có quá nhiều người tận hưởng vẻ đẹp đó thì tự khắc cái bình yên dịu dàng của Hà Nội sẽ bị phá vỡ. Vậy nên, tôi chỉ thích cảm giác được đi dạo một mình dưới trời xuân trong trẻo như tiếng chim ríu rít lao xao bên cành cây, thích cảm giác nhng cơn gió se lạnh thổi qua ngấm vào da vào thịt tê tái lòng người, thích được lặng lẽ nhìn ngắm vẻ đẹp nguyên sơ đầy im ắng mà xao động của chốn Hà thành,... tận hưởng tất cả những đẹp đẽ nơi đây thì ta mới thấy có một dòng nhựa sức sống mùa xuân chảy qua trong lòng mình.


Gia đình sum vầy bên ngày Tết rộn ràng

30 Tết, nắng đẹp, vẫn có gió lạnh, tôi khoác trên mình một chiếc áo mỏng rồi chuẩn bị đón Tết, háo hức và mong chờ! Tết nay nắng ấm lắm, ấm cả trong lòng. Tôi nhớ lại những năm trước, Tết gì đâu mà rét căm căm, rét cắt da cắt thịt, làm gì cũng ngại. Hoa đào chẳng nở vì nắng chẳng về. Có những hôm lại nắng chói chang lên đến đỉnh đầu, ngồi trong nhà còn toát mồ hôi vì oi, vì nóng, mệt lả người. Vì thời tiết cũng làm con người mệt theo. Nhưng Tết nay mới đúng là Tết, nắng chan hòa khắp không gian chen qua kẽ lá, rơi xuống một màu xanh ngọc bích, có gió lạnh thổi qua nhưng vẫn là nắng ấm. Nhưng, Tết nay tôi đợi mãi mà vẫn thiếu, thiếu đi những cơn mưa phùn nhè nhẹ lớt phớt như nàng xuân yêu kiều. Dù thời tiết thế nào thì các mẹ vẫn tất bật từ phòng bếp đến phòng thờ. Chỉ duy bọn trẻ là sướng nhất trong buổi đẹp trời xanh ngắt thế này. Chạy ra khắp ngoài sân cho đến trong phòng, bày đủ thứ trò, cãi lộn inh ỏi vì mấy tờ lì xì. Chúng chỉ chờ cho khách đến nhà là ùa nhau ra như ong vỡ tổ để chào và thăm hỏi sức khỏe. Tôi, nửa lớn nửa bé nên toàn bị sai vặt, vừa đếm xong mấy phong bao lì xì thì đã bị gọi xuống, làm bao việc chẳng hết, chạy đi chạy lại giúp mẹ làm mâm cơm Tất niên, rửa bát, quét dọn nhà, vã hết cả mồ hôi thì đứa em lại được ngồi máy lạnh. Chiều chiều, tôi thấy mẹ mang ba cành đào về, hai cành nhỏ để cúng tổ tiên, một cành to bằng ba vòng tay của tôi mới ôm xuể để trưng giữa nhà. Nhà lại còn có thêm một chậu quất. Như một rừng xuân. Chẳng cần bước ra ngoài tôi cũng thấy không khí ngày Tết tưng bừng khắp căn nhà. Tối, xem Táo Quân và bắn pháo hoa tưng bừng, rộn rã mà lòng tôi sao cứ thấp thỏm, đôi lúc lại nhìn ra bên ngoài cửa sổ như ngóng chờ điều gì đó. Chắc là bởi tôi vẫn thích cái dịu dàng của Tết hơn, muốn nhìn ra ngoài để cảm nhận cái mượt mà của miền xưa cũ, cái thăng trầm sâu lắng trong từng vẻ đẹp, cả cái da diết, day dắt đã từng ngấm trong lòng thành cổ. Nhưng Tết là về nhà, tôi chỉ muốn ở nhà mãi thôi vì nơi đó có bình yên, đơn giản chỉ là những thư vị bình dị: một cành hoa đào, một tệp bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, hộp mứt, bánh kẹo, ăn một bữa cơm giản đơn với gia đình.

 Ôi nhớ chiều ba mươi Tết

Chen giữa đào hoa tươi thắm

Đường phố đông vui chờ đón Tất niên

Là phút thiêng liêng nghe thơ người

Hà Nội ơi...

(“Nhớ về Hà Nội” - Hoàng Hiệp)

Bài viết: Trịnh Đức Phương (8A5)

Ảnh: Sưu tầm