Trong bối cảnh thế giới hiện đại với nhiều vấn đề nan giải, khi cán cân công lý của thế kỷ XXI dần chao đảo và tiếng nói của nhóm người yếu thế dễ dàng bị nhấn chìm bởi dòng chảy của sự thờ ơ, những thế hệ trẻ dám nghĩ, dám nói và dám hành động lại càng cần thiết hơn. Với tinh thần tiên phong và trách nhiệm của công dân toàn cầu, vào ngày 10-11/5/2025, CLB Giao tiếp (ROV) của Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã tổ chức Hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc NTTMUN 2025 với chủ đề “Noble Defender - Take Up the Mantle”. Đây là dịp để học sinh thử sức trong vai trò đại biểu quốc tế, cùng nhau thảo luận và đề xuất giải pháp cho những vấn đề cấp thiết trên toàn thế giới. Từ đó, các thành viên trong Hội nghị có cơ hội rèn luyện tư duy phản biện, kĩ năng đàm phán và thể hiện tinh thần trách nhiệm của một công dân toàn cầu. Đặc biệt, Hội nghị năm nay còn có sự tham gia của học sinh Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm và THPT Chuyên Ngoại ngữ.

Các tiết mục văn nghệ đặc sắc từ CLB Nhạc cụ dân tộc và CLB Âm nhạc được chuẩn bị công phu

Diễn ra trong không khí học thuật sôi nổi, hội nghị năm nay không chỉ là sân chơi trí tuệ mà còn là nơi khơi dậy tinh thần trách nhiệm toàn cầu ở những công dân trẻ tuổi. Hai hội đồng chính UNICEF và ILO đã mang đến những vấn đề “nóng”, có sức ảnh hưởng sâu rộng tới toàn thế giới, đặc biệt là nhóm người yếu thế – những người luôn cần được bảo vệ, thấu hiểu và đồng hành. UNICEF (United Nations International Children's Emergency Fund) - Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, là tổ chức chuyên trách về quyền trẻ em, đảm bảo mọi trẻ em đều có cơ hội phát triển toàn diện và an toàn. Trong khi đó, ILO (International Labour Organization) – Tổ chức Lao động Quốc tế là cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc có nhiệm vụ thúc đẩy công bằng xã hội và các quyền lao động cơ bản trên toàn cầu. Sự kết hợp của hai Hội đồng đã mang đến góc nhìn đa chiều về những thách thức xã hội hiện nay, đồng thời tạo ra cơ hội để các đại biểu thể hiện tư duy phản biện, kĩ năng đàm phán và tinh thần nhân văn sâu sắc.

Thầy giáo Lê Văn Cường - Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu khai mạc Hội nghị

Hội đồng UNICEF: Bảo vệ trẻ em khỏi vòng xoáy chất gây nghiện

Với vấn nạn “Lạm dụng chất kích thích ở trẻ em”, Hội đồng UNICEF tại NTTMUN 2025 đã tạo ra một không gian tranh biện sâu sắc, đầy tính nhân văn và tính thời sự. Trẻ em – những mầm non tương lai của đất nước – đang ngày càng phải đối mặt với nhiều cạm bẫy từ các loại chất gây nghiện vốn được ngụy trang tinh vi, dễ tiếp cận và khó kiểm soát hơn bao giờ hết. Đây không chỉ là một cuộc khủng hoảng y tế hay pháp lý, mà còn là một hồi chuông cảnh tỉnh về sự thiếu hụt trong giáo dục, sự đổ vỡ trong kết nối gia đình, và những kẽ hở trong chính sách bảo vệ trẻ em hiện hành.

Chủ tọa hướng dẫn các đại biểu chi tiết về thời gian giới hạn và cách thức tranh biện trong các phiên họp

Các đại biểu, dưới vai trò là những nhà hoạch định chính sách, đã thảo luận về hàng loạt nguyên nhân gốc rễ – từ thiếu sự quan tâm của gia đình, lỗ hổng trong giáo dục, đến sự thiếu hiệu quả trong quản lý xã hội. Không chỉ đưa ra các giải pháp kiểm soát và giáo dục, nhiều đại biểu còn nhấn mạnh yếu tố tâm lý, xây dựng lối sống lành mạnh và tạo cơ hội phát triển toàn diện cho thanh thiếu niên.

Các đại biểu chăm chú lắng nghe ý kiến, chuẩn bị trước cho màn hùng biện

Không khí hội nghị liên tục được đẩy lên cao trào với những màn tranh luận sắc sảo, góc nhìn đa chiều từ nhiều quốc gia trên thế giới, và đặc biệt là tinh thần hợp tác, đồng lòng hướng đến một mục tiêu chung: bảo vệ quyền được sống và phát triển lành mạnh của mọi trẻ em trên toàn thế giới. Đây thực sự là một minh chứng cho thấy giới trẻ hoàn toàn có thể trở thành lực lượng tiên phong trong việc thay đổi nhận thức xã hội và kiến tạo tương lai tốt đẹp hơn.

Hội đồng ILO: Cất tiếng nói chống bất bình đẳng giới nơi làm việc

Ở một chiến tuyến khác, Hội đồng ILO đã mang đến một bức tranh chân thực đầy trăn trở về vấn nạn “Bất bình đẳng giới trong môi trường lao động” - một vấn đề đã tồn tại dai dẳng qua nhiều thế hệ nhưng chưa bao giờ mất đi tính cấp thiết. Hội nghị không chỉ đơn thuần đề cập đến những con số về sự chênh lệch trong thu nhập hay tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới, mà còn “đào sâu” vào bản chất của hệ thống các hình thức bạo lực, quấy rối, định kiến giới và sự bóc lột tinh vi tồn tại trong vô số ngành nghề và quốc gia.

Các đại biểu thảo luận sôi nổi, nêu lên suy nghĩ và các tình huống trong đời sống thực tiễn

Sự bất bình đẳng giới đang đẩy nhiều người lao động, đặc biệt là phụ nữ vào hoàn cảnh chịu đựng trong im lặng. Trong không khí tranh biện sôi nổi và đầy tính chuyên môn, các đại biểu ILO đã thể hiện rõ sự thấu cảm, hiểu biết sâu sắc khi không ngần ngại vạch trần những lỗ hổng trong luật pháp, văn hóa doanh nghiệp và nhận thức cộng đồng. Từ đó, các giải pháp được đưa ra không chỉ bao gồm những biện pháp pháp lý như: xây dựng cơ chế tố cáo an toàn và hiệu quả, minh bạch hóa chính sách tiền lương,... mà còn nhấn mạnh đến giáo dục giới tính toàn diện, kiến tạo một môi trường làm việc văn minh, công bằng từ gốc rễ. Các đại biểu cũng đề xuất tăng cường hợp tác quốc tế và vai trò của tổ chức xã hội dân sự trong việc giám sát và thúc đẩy thay đổi từ cộng đồng.

Sự kiện được hưởng ứng nhiệt tình từ học sinh Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ

Điểm nhấn của Hội nghị là những bài phát biểu đầy cảm hứng đến từ các đại biểu, thể hiện rõ bản lĩnh, tư duy phân tích và tinh thần nhân đạo của thế hệ trẻ. Điều đó còn thể hiện sự dũng cảm - “dấn thân” vào một vấn đề khó nhằn với niềm tin rằng, chính thế hệ trẻ sẽ góp phần viết tiếp hành trình xóa bỏ bất bình đẳng giới tính trong “thế giới việc làm”.

Hành trình khai phá tiềm năng và vun đắp lý tưởng sống

Hội nghị mô phỏng Liên hợp quốc NTTMUN 2025 diễn ra thành công rực rỡ

NTTMUN 2025 không chỉ đơn thuần là một Hội nghị tranh biện, mà còn là hành trình rèn luyện bản thân. Các đại biểu, dù lần đầu tham dự hay đã có kinh nghiệm đều được xuất hiện trong môi trường yêu cầu sự nhanh nhạy, tư duy logic, tinh thần hợp tác và khả năng hùng biện. Chủ đề "Noble Defender – Take Up the Mantle" không chỉ là một khẩu hiệu, mà chính là thông điệp hành động. Mỗi học sinh tham gia đều đã khoác lên mình chiếc áo choàng của sức mạnh, kế thừa tinh thần của những người đi trước và tiên phong vẽ nên một thế giới công bằng hơn, nhân văn hơn.

Bài viết: Bùi Mai Anh (10A6)

Ảnh: Nguyễn Thùy Chi (11A1)