Những năm gần đây, “IELTS” đã trở thành một từ khóa quá sức quen thuộc với bất kì học sinh hay phụ huynh nào đang có con em theo học tại các trường học ở Việt Nam. Dường như IELTS không còn chỉ là một chứng chỉ tiếng Anh, mà nó đã trở thành một phong trào trong giới học sinh, sinh viên. Thế nhưng, biến IELTS thành một phong trào mà ai cũng tham gia liệu có cần thiết?

Trước tiên, ta không thể phủ nhận những lợi ích mà chứng chỉ IELTS mang lại cho bất kỳ cá nhân nào sở hữu nó. IELTS là một chuẩn mực đánh giá tiếng Anh Quốc tế, được công nhận toàn cầu, nên việc số lượng học sinh tham gia học và luyện thi chứng chỉ IELTS tăng lên cho thấy một sự chủ động học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tiếp cận với thế giới lớn hơn ngoài kia, góp phần tạo dựng những cơ hội phát triển tốt hơn cho cá nhân đó trong tương lai. Có thể kể đến, như việc đi du học, định cư, sinh sống tại nước ngoài, khởi nghiệp, xét tuyển vào các trường Trung học, Đại học…


Nhưng cũng từ những mặt lợi này mà có rất nhiều gia đình, phụ huynh và học sinh quyết định luyện thi chứng chỉ này. Và thực trạng “bội thu” các thí sinh đăng ký dự thi IELTS đang thực sự diễn ra ngay trước mắt tất cả chúng ta. Cũng rõ ràng như thực trạng này, đó là những hậu quả đằng sau, khi học thi IELTS trở thành điều mà ai cũng làm.

Đầu tiên và phổ biến nhất cho việc này, đó là việc một bộ phận các bậc phụ huynh cho rằng đó là “đỉnh cao” hay con đường duy nhất để xét tuyển vào các trường Đại học, hay thậm chí THPT, THCS tại Việt Nam. Nhưng thực chất, đâu phải như vậy. Nếu IELTS đã trở thành chìa khóa để thành công và đỗ đạt, thì các kì thi THPT Quốc gia, kì thi Đại học còn được tổ chức để làm gì nữa? Ấy vậy mà, sự thật vẫn có rất nhiều các bậc phụ huynh thúc ép con em mình phải đạt được một điểm số IELTS nhất định ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, và thậm chí thúc ép ngay cả khi “IELTS” không phải nguyện vọng hay nhu cầu của chính các em học sinh. Khi học sinh đã không thực sự tìm thấy sự cần thiết của việc học chứng chỉ đó thì chẳng gì có thể đảm bảo việc học thi chứng chỉ này của các em sẽ thực sự hiu quả và nghiêm túc. Đến lúc này, thì thật khó cho cả phụ huynh, học sinh và cả người dạy, vì thứ mất đi nhiều nhất sẽ là công sức, thời gian và tiền bạc.


Thứ hai, học IELTS chỉ theo phong trào, chỉ để sử dụng điểm số xét tuyển vào các trường học, thì liệu những gì các thí sinh đã học được trong kì thi IELTS có thực sự được sử dụng phù hợp và thích đáng. Thử nghĩ mà xem, ai cũng học IELTS, nhưng chỉ trong thời gian ngắn để lấy điểm, thì chỉ khi không cần sử dụng đến tiếng Anh ấy hàng ngày nữa thôi, thì tất cả những kiến thức các bạn học sinh bỏ ra để rèn luyện thi IELTS sẽ dần bị “xói mòn”. Đặc biệt khi mà chứng chỉ IELTS cũng chỉ có thời hạn trong hai năm. Nhiều học sinh chỉ luyện thi IELTS để lấy điểm nên những kiến thức được sử dụng khi ra thực tế, thậm chí còn không được sử dụng đến. Nếu vậy, thì quả thực vô cùng lãng phí!

Thứ ba, có cầu thì ắt có cung. Nhu cầu học thi IELTS tăng vọt, thì các trung tâm dạy thi IELTS cũng “mọc lên như nấm”. Chỉ riêng đi qua trục đường Hoàng Quốc Việt, hay Trần Quốc Hoàn, phải có đến hơn chục trung tâm dạy thi IELTS. Mặc dù không phải tất cả, nhưng thực trạng luyện thi tràn lan là có thật. Rất nhiều lò luyện xuất hiện, và bắt nguồn từ nhu cầu học để lấy điểm, nhiều người chỉ dạy mẹo, hay học tủ để đạt điểm tốt. Thế nhưng, một ngoại ngữ đâu thể chỉ giới hạn và gói gọn trong một kì thi hay một con điểm. Cũng chính điều này, đã và đang làm mất đi dần ý nghĩa của việc học tập và thi chứng chỉ của một môn ngoại ngữ.


Các bạn học sinh dễ gặp phải áp lực khi bị đè nặng vấn đề thi IELTS

Chứng chỉ IELTS không xấu, thậm chí còn rất tốt, nhưng cách tiếp cận và sử dụng chứng chỉ này của phần lớn bộ phận phụ huynh và học sinh đang đi sai lệch. Hậu quả để lại, rõ ràng nhất là áp lực thi cử của các bạn học sinh khi phải luyện thi một chứng chỉ mà bản thân bạn cũng chẳng thật sự yêu thích hay cần thiết. Tiếp đến, là gánh nặng về kinh tế cho chính các bậc phụ huynh, bởi lẽ một khoá học và một lần thi IELTS có thể làm tiêu tốn đến gần 20 triệu. Nếu không hiệu quả thì riêng việc học thi chứng chỉ này đã tạo ra các hệ lụy lớn cho cả phụ huynh và học sinh.

Vậy nên, hãy xác định thật rõ nhu cầu cần thiết của mình cho chứng chỉ IELTS chứ đừng chỉ học như một phong trào. Tiếp cận, học và hiểu một ngoại ngữ cần rất nhiều hơn là một tấm bằng, một chứng chỉ.

Bài viết: Lương Nhật Linh (11D2)

Ảnh: Sưu tầm