Hàng năm, Trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành luôn duy trì mối quan hệ hợp tác gắn bó khăng khít với nhiều trường trên thế giới: Trường Raffles, Trường Anderson Junior College (Singapore); Trường Trung học Frederiksborg Gymnasium (Đan Mạch);… Tuy nhiên, năm nay, giáo viên và học sinh Trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành đã có một khoảng thời gian giao lưu văn hoá online trong 4 tuần từ ngày 6/7/2020 với giáo viên và học sinh Trường Trung học Miyazaki Omiya (Nhật Bản) để đảm bảo an toàn cho thành viên của hai trường Trung học giữa thời điểm dịch Covid – 19 đang diễn biến phức tạp.
Hoạt động giao lưu, trao đổi văn hoá của các học sinh được thực hiện chủ yếu thông qua nền tảng Google Classroom
Trong 3 tuần giao lưu văn hoá đầu tiên, học sinh Trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành và học sinh Trường Trung học Miyazaki Omiya đã tự giới thiệu về bản thân mình, về ngôi trường mình đang theo học cũng như quê hương, đất nước của mình thông qua nền tảng Google Classroom. Hoạt động giao lưu diễn ra vô cùng sôi nổi khi các học sinh đều cởi mở và tự tin chia sẻ những thông tin về bản thân với những người bạn mới.
Các học sinh tham gia hoạt động giao lưu, trao đổi văn hoá tự tin giới thiệu về bản thân, ngôi trường mình theo học cũng như quê hương, đất nước mình
Trong tuần thứ 4, học sinh hai trường đã được tham gia vào hoạt động thảo luận, nêu ý kiến của bản thân về chủ đề “Pop Culture” (“Popular Culture”). Các học sinh tham gia hoạt động đều rất sôi nổi và tích cực đưa ra ý kiến cũng như lắng nghe chia sẻ của các bạn khác về chủ đề này.
Quan điểm của các học sinh Trường Nguyễn Tất Thành về chủ đề “Pop Culture”
Bên cạnh hoạt động giao lưu, trao đổi thông tin thông qua các đoạn giới thiệu ngắn, học sinh còn được chia thành các nhóm để tự thiết kế bài thuyết trình và trình bày hiểu biết của mình về các chủ đề “Water Use” và “Water Pollution”. Tham gia chương trình trao đổi trên nền tảng Webex vào 2 ngày 3 – 4 /8/2020 cùng với giáo viên và học sinh Trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành và Trường Trung học Miyazaki Omiya còn có các thành viên đến từ Trường THPT Cao Bá Quát và Trường Kaohsiung (Đài Loan). Thông qua hoạt động này, học sinh không chỉ cải thiện được kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng thiết kế và trình bày bài thuyết trình mà các bạn còn hiểu sâu hơn về những tồn tại liên quan đến đề tài “Nước và ô nhiễm nguồn nước”, cũng như đưa ra giải pháp cho vấn đề đáng quan tâm này.
Học sinh nhóm 5 cùng nhau chuẩn bị cho bài thuyết trình của mình
Học sinh Trường Nguyễn Tất Thành tự tin giới thiệu về ngôi trường mang tên Bác trong buổi giao lưu đầu tiên của chương trình trao đổi trên nền tảng Webex
Các bài thuyết trình của 5 nhóm học sinh được thiết kế vô cùng hấp dẫn và đẹp mắt
Nói về hoạt động giao lưu trực tuyến lần này, bạn Nguyễn Bảo Hân (Lớp 11D5 - Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành) chia sẻ: “Em thấy mình rất may mắn khi được rèn luyện nhiều kĩ năng, tiếp thu kiến thức cũng như làm quen thêm rất nhiều bạn mới sau hoạt động giao lưu lần này. Em mong rằng giáo viên và học sinh 4 trường ở Việt Nam, Nhật Bản và Đài Loan có thể có một buổi gặp mặt trực tiếp sau khi dịch bệnh đi qua!”.
Tuy nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế đã bị huỷ bỏ do diễn biến của dịch bệnh Covid – 19 nhưng học sinh hai trường đã có những kỉ niệm đáng nhớ cũng như trau dồi thêm những kiến thức bổ ích sau khi trải qua 4 tuần giao lưu. Hi vọng rằng, các giáo viên, học sinh Trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành, Trường Trung học Miyazaki Omiya tiếp tục thúc đẩy tinh thần hữu nghị bằng những buổi giao lưu, chia sẻ cởi mở để hai ngôi trường có thể tiến tới những hợp tác xa hơn trong tương lai.
Bài viết: Hoàng Phương Thảo (12D1)
Ảnh: Cô giáo Trần Thị Thúy Loan (Tổ Tiếng Anh) - Thầy giáo Trần Minh Đức (Tổ Hóa học)