“Học đi đôi với hành”, “Trăm hay không bằng tay quen” - những câu nói được ông cha ta đúc kết luôn đúng trong mọi thời đại. Thông qua những hoạt động trải nghiệm thực tế, học sinh có thể nắm chắc kiến thức và vận dụng vào thực tế cuộc sống. Hiểu rõ điều đó, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành luôn chú trọng phương pháp dạy học thực hành phát triển toàn diện cho học sinh. Trong tuần vừa qua (18/1 đến 22/1), Nhà trường đã tổ chức cho học sinh khối 6 thực hành “Phân loại Thực vật – Thực hành giâm cành” tại Vườn Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Buổi học gồm hai nội dung chính: tìm hiểu kỹ thuật giâm cành và phân loại thực vật. Mỗi lớp được chia làm hai nhóm, thực hành hai nội dung trên. Bên cạnh việc quan sát, các em học sinh được giao nhiệm vụ tìm hiểu trước ở nhà với phiếu học tập đã phát. Trong quá trình thực hành trải nghiệm, các em sẽ ghi lại thông tin vào phiếu. Vì vậy em nào cũng tập trung, chăm chú lắng nghe và quan sát.
Học sinh tập trung và phân chia nhóm
Các em sôi nổi thực
hành và thảo luận
Hoạt động trải nghiệm diễn ra rất sôi nổi. Bên nhóm phân loại thực vật, các em được cô giáo hướng dẫn nhận biết tên, các đặc điểm, thân cây, lá cây, hình thức sinh sản,... của các loài cây trong vườn. “Trải nghiệm thực tế này giúp các em được thỏa sức khám phá. Mặc dù trên lớp các cô giáo có thể dạy những kiến thức đó rồi nhưng trên thực tế nó lại là một vấn đề khác. Có những loài cây các em chưa gặp bao giờ, cũng có những loài cây thân thuộc các em đã ăn quả rồi nhưng hôm nay mới nhìn thấy.” - Cô Dung (Khoa Sinh học ĐHSP) chia sẻ.
Bên nhóm thực hành giâm chiết cành, các em học sinh được tự làm nhiều công đoạn, được tự tay lựa chọn cành, làm nền (đất pha cát). Mỗi khâu đều cần sự chú ý, cẩn thận, đất cần có độ xốp vừa phải, không khô quá mà cũng không bị tơi ra. Qua đó, các em hiểu các bước, hiện thực hóa những kiến thức đã học, biết cách tạo một cây mới từ cây mẹ và có nhiều đặc tính tốt.
Cô giáo hướng dẫn học sinh thực hành giâm chiết cành
Học sinh hào hứng làm
nền đất
Em Lê Thanh An, học sinh lớp 6A2 chia sẻ suy nghĩ của mình sau khi buổi học kết thúc: “Hoạt động ngoại khóa này rất vui vẻ và ý nghĩa, em được thực hành ngoài trời, được gần gũi với thiên nhiên. Ngoài những kiến thức mới được học, em và các bạn có thể hiểu thêm về cây xanh, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường hơn”.
Buổi trải nghiệm tuy ngắn nhưng để lại nhiều niềm vui, niềm hứng thú, say mê với môn học. Từ đó, các em được trau dồi thêm nhiều kiến thức mới lạ, bổ ích, phát triển kĩ năng quan sát, tìm tòi và thực hành. Với những ý nghĩa, giá trị tích cực như vậy, các em học sinh sẽ được tham gia các hoạt động ngoại khóa lí thú nhiều hơn nữa trong tương lai.
Bài viết: Nguyễn Minh Anh (11D2)
Ảnh: Cô giáo Chu Thị Minh Phương (Tổ Sinh - Công nghệ)