Nhằm phát huy tính tích cực, chủ động và rèn luyện năng lực giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo cho học sinh trong thời gian tiến hành dạy học trực tuyến, chiều ngày 07/12/2021, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã tổ chức thành công tiết chuyên đề phân môn Lịch sử 6. Thực hiện tiết chuyên đề là thầy giáo Trần Thanh Quang và tập thể học sinh lớp 6A5 - Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành với bài học “Trung Quốc từ thời cổ đại đến thế kỉ VII”.
Tham dự tiết chuyên đề có sự hiện diện của đồng chí Vũ Thanh Thủy – chuyên viên Phòng Giáo dục Đào tạo quận Cầu Giấy; đại diện Ban giám hiệu các trường THCS; các đồng chí Tổ trưởng chuyên môn các trường và toàn bộ giáo viên giảng dạy môn Lịch sử lớp 6. Đây là cơ hội để các thầy cô cùng chia sẻ, trao đổi chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm, hướng đến mục tiêu chung là đem đến những bài học bổ ích, hấp dẫn cho học sinh, đặc biệt trong điều kiện giảng dạy Chương trình Lịch sử mới 2018 dưới hình thức trực tuyến.
Tiết học được tổ chức trên phần mềm Microsoft Teams và đã phát huy những ưu thế của công nghệ thông tin trong giai đoạn dạy học trực tuyến bằng các phần mềm như Padlet, Classpoint. Bên cạnh đó, giáo viên đã áp dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực, học sinh có cơ hội được trau dồi năng lực tự học khi được chuẩn bị nhiệm vụ trước tiết học - tìm hiểu một thành tựu tiêu biểu thuộc các lĩnh vực tư tưởng, văn học, sử học, khoa học kĩ thuật, kiến trúc. Các em chủ động, hăng hái, tràn đầy tự tin báo cáo sản phẩm và đưa ra những nhận xét xác đáng, mang tính xây dựng cho các bạn khác.
Mở đầu buổi học, học sinh được củng cố kiến thức tiết 1 qua phần mềm Classpoint
Học sinh tìm hiểu văn minh Trung Quốc từ thời cổ đại đến thế kỉ VII qua video “Bắc Kinh chào đón bạn”
Học sinh tự tin chia sẻ sản phẩm cá nhân, trao đổi thông tin và góp ý cho bài của nhau
Từ những thành tựu văn minh cổ đại Trung Quốc, học sinh liên hệ và bày tỏ suy nghĩ về vấn đề “Văn hóa Việt Nam là bản sao của Văn hóa Trung Quốc?”. Các em học sinh sôi nổi đưa ra các quan điểm cá nhân, nhưng tất cả đều thống nhất, khẳng định Việt Nam dù chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, nhưng đó là sự tiếp thu có chọn lọc và cải biến để phù hợp với hồn cốt, bản sắc dân tộc.
Tiết học khép lại nhưng chắc chắn, mỗi học sinh sẽ thêm tự hào về bản sắc, văn hóa của dân tộc Việt Nam từ việc nhận thức đúng vấn đề Việt Nam tiếp thu có chọn lọc yếu tố văn minh Trung Hoa, đồng thời, có ý thức phấn đấu trong học tập và rèn luyện qua bài học về tinh thần lao động, sáng tạo, từ đó, tôn trọng những giá trị văn hóa và thành quả lao động của cư dân Trung Quốc cổ đại, có ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam.
Thực hiện: Đặng Minh Thu (8A2)