Đây là 3 mẹo cực kì hữu ích, giúp bạn ghi nhớ các thông tin. Tuy chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào chứng minh cho tính xác thực của các phương pháp này, nhưng nó đã rất vô cùng hữu ích với cô Nicole Brown – CEO của Robogals Global – tổ chức phi chính phủ tại Úc.

1. Lặp lại thông tin bằng cách nói to ít nhất 5, 6 lần

Bởi đặc thù công việc, cô N. Brown luôn phải nhớ tên của các công ty, tổ chức đầu tư vào tập đoàn của mình. Nhiều lúc, cô gặp khó khăn trong việc nhớ những tên tổ chức, cơ quan vừa dài, vừa khó. Nhờ cách đọc to những tên gọi ấy vài lần, cô đã có thể nhớ được hầu hết tên các đối tác cùng một số thông tin liên quan.

Bạn cũng có thể vận dụng mẹo vặt này trong việc học tập. Hãy thử lặp lại tên hay địa chỉ, địa danh, các từ mới tiếng Anh, tên một số chất hóa học hoặc một công thức vật lí nào đó… Theo cô Brown, khi thực hiện phương pháp này, những thông tin ngắn được bạn lặp đi lặp lại sẽ được cô lập trong não bộ, khiến nó dễ dàng đi sâu vào vùng trí nhớ dài hạn. Bởi vậy, bạn sẽ nhớ được thông tin đó lâu hơn nhiều so với việc ghép nó vào một câu văn dài.


2. Tạo sự liên kết với những thứ xung quanh

Cô cũng kể một câu chuyện rất hay làm minh họa cho phương pháp này. Trong lần tham dự hội nghị tại San Francisco, hệ thống GPS định vị hoạt động không chính xác đã khiến cho việc tìm đường của cô trở nên khó khăn. Tuy nhiên, cô vẫn nhớ tên đường tới cuộc hội nghị đó – Gilbert Street. Cô Brown chia sẻ rằng, cái tên Gilbert khó nhớ này đã được cô liên tưởng đến câu chuyện c tích nổi tiếng về cuộc hành trình tìm đường về nhà 2 đứa trẻ Gilbert và Sullivan.

Do đó, chúng ta cũng nên vận dụng trí tưởng tượng phong phú của mình, liên tưởng những điều xa lạ thành những gì gần gũi, thân thuộc xung quanh ta. Hãy lấy việc học cách sử dụng mạo từ trong tiếng Anh làm ví dụ. Thay vì những lí thuyết khô khan như mạo từ “the” thì phải dùng với các tên sông, tên núi,... thì bạn hãy nhớ đến những ví dụ thực tế như: the Red River hay The Himalyas. Điều này khiến cho việc học trở nên thú vị hơn rất nhiều, phải không nào?


3. Hãy liên tưởng để sắp xếp các thông tin mà bạn muốn thành một danh sách

Đây cũng chỉ là cách bạn liên tưởng và lặp lại những thông tin bạn muốn nhớ, nhưng “mánh” này khác biệt so với những cái kia ở chỗ, bạn phải tạo ra một danh sách với đầy những liên tưởng và lặp lại chúng nhiều lần. Bạn sẽ phải hệ thống hóa lại tất cả những chi tiết bạn cần nhớ thành một danh sách và sau đó liên tưởng chúng đến những điều thân quen trong cuộc sống hàng ngày.

Và phương pháp này đã được một bạn học sinh sử dụng rất thành công để nhớ năm sáng tác những tác phẩm văn học của chương trình lớp 9:  Năm 1948 ĐỒNG CHÍ về làng chơi, mãi 10 năm sau mới đi ĐÁNH CÁ, không bắt được cá thì bắt được 62 CON CÒ nướng trên 63 cái BẾP LỬA. 3 năm sau ông mua CHIẾC LƯỢC NGÀ và đi chiếc XE KHÔNG KÍNH số 69 lên SAPA bằng con đường 70.


Hãy biến những lí thuyết khô khan, những cái tên khó nhớ thành những điều thú vị bằng trí tưởng tượng phong phú của bạn. Và mong rằng, những mẹo trên sẽ giúp ích các bạn trong việc ôn luyện trong các kì thi sắp tới!

(Theo Nicole Brown - http://time.com/3537446/mind-tricks-to-remember/)

 

Phỏng dịch: Lê Thủy Tiên – 12D1 (CLB Phóng viên)