Ngày 15/10 vừa qua, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã tổ chức buổi học trải nghiệm môn Công nghệ với chủ đề “Kỹ thuật điện tử” dành cho các lớp 12A,N. Được dẫn dắt bởi thầy giáo Nguyễn Tiến Dũng (Tổ Sinh - Công nghệ) cùng sự hỗ trợ của thầy giáo Nguyễn Danh Quân (Tổ Hành chính) và thầy giáo Lưu Minh Đức (Tổ Vật lí), buổi học đã diễn ra rất thành công, góp phần củng cố kiến thức về các mạch điện đơn giản và áp dụng vào thực tế chế tạo linh kiện điện tử, đồng thời khơi gợi niềm đam mê với ngành Công nghệ trong các học sinh.
Tất cả các học sinh đều chăm chú theo dõi tiết học
Khởi động
Mở đầu với không khí vui vẻ, náo nhiệt, lớp học được chia thành 8 nhóm nhỏ, mỗi nhóm (4-5 học sinh) được phát các phiếu học tập để tham gia thiết kế và chế tạo robot dò đường. Trước tiên, học sinh xem video giới thiệu về những công dụng của máy móc trong đời sống của con người. Giáo viên tương tác, đặt câu hỏi trong quá trình học sinh theo dõi video, tạo nên sự hứng thú, tò mò ban đầu cho lớp học. Không chỉ dừng lại ở việc thiết kế và lắp ráp một cách cơ học, học sinh còn được tìm hiểu nguyên lý hoạt động cốt lõi, bản chất cấu tạo của robot dò đường. Để giúp học sinh hoàn thiện phiếu học tập và hiểu rõ bản chất vấn đề, thầy Tiến Dũng liên tục tương tác giữa bảng và phần trình chiếu, đặt câu hỏi chung cho cả lớp, khiến cho không khí lớp học luôn sôi nổi, hào hứng.
Trong quá trình xem video về công dụng của máy móc trong đời sống, thầy Tiến Dũng đặt ra một số câu hỏi tương tác cho học sinh
Tiếp đó, các học sinh được giới thiệu về những linh kiện điện tử và mỏ hàn. Do đây là lần đầu tiên tiếp xúc với mỏ hàn đối với nhiều học sinh nên thầy giáo đã cẩn thận hướng dẫn cách cầm, nhiệt độ hàn phù hợp và giới thiệu về các chú ý an toàn cần biết. Lớp học lúc này càng trở nên hào hứng hơn khi sắp được thực hành lắp ghép robot.
Thực hành - Cuộc đua bắt đầu
Sau khi được cung cấp đầy đủ linh kiện điện tử và mỏ hàn, các nhóm chính thức bắt đầu vào cuộc đua chế tạo robot dò đường. Khi thực hành, cả ba thầy giáo đều tham gia hướng dẫn và chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân cho các nhóm. Tất cả các học sinh đều hào hứng tìm hiểu và cùng thảo luận để lắp ráp robot. Trong thời gian này, các thầy giáo liên tục tương tác giữa các nhóm và cả lớp, đồng thời cũng nêu ra những ưu điểm, hạn chế của từng nhóm để lưu ý với các nhóm còn lại. Yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu trong quá trình thực hành khi dây điện, mỏ hàn không được cắm điện.
Các nhóm học sinh hào hứng, tò mò khi lần đầu được lắp ráp bảng mạch điện tử
Với việc chia thành nhiều nhóm nhỏ, các thầy giáo luôn di chuyển để quan sát từng nhóm, tương tác và giải đáp thắc mắc liên tục để giúp các bạn vừa hoàn thành phiếu học tập, vừa lắp ráp sản phẩm. Tuy nhiên, điều đó không hề làm cho những người dẫn dắt mệt mỏi mà dường như đó còn là động lực để thầy và trò cùng nỗ lực hoàn thiện sản phẩm đầu tay. Học sinh Phạm Ánh Dương (12A1) hào hứng chia sẻ trải nghiệm của mình trong tiết học: “Mình cảm thấy việc trực tiếp làm và được hướng dẫn rất khác so với lí thuyết được học, được thấy trong sách vở. Chỉ khi bắt tay vào làm, nhiều điều mới thực sự vỡ lẽ, hiểu được bản chất, không phải cứ áp dụng công thức là ra, mà còn có nhiều yếu tố khác tác động vào như kinh nghiệm, độ tỉ mỉ,...”.
Trong quá trình lắp ráp robot, các thầy giáo liên tục di chuyển giữa các nhóm để trợ giúp, giải đáp thắc mắc
Về đích - Niềm vui vỡ òa
Càng về sau, không khí càng trở nên khẩn trương, tất bật để kịp hoàn thành sản phẩm với thời gian đề ra. Cuối cùng, những tiếng hò reo đầu tiên cũng đã cất lên, một nhóm hoàn thành nhưng không vì thế mà các nhóm còn lại mất đi khí thế, thậm chí còn có phần hăng say, nhiệt tình hơn. Bạn Ngô Duy Sơn (12A1) kể lại: “Buổi học đó, mình đã có rất nhiều thứ thực hiện lần đầu, lần đầu được lắp ráp bảng mạch điện tử, lần đầu sử dụng và cảm nhận sức nóng của mỏ hàn. Mình đã nghĩ nhóm mình sẽ thất bại vì đây là một nhiệm vụ khá mới mẻ đối với bản thân và những thành viên của nhóm, nhưng kết quả lại trên cả kì vọng, nhóm mình là nhóm đầu tiên hoàn thành sản phẩm”. Cảm xúc càng trở nên vỡ oà khi thầy và trò chứng kiến những chiếc xe đầu tiên đi được và cán đích.
Những robot dò đường đầu tiên lăn bánh trong niềm vui của thầy và trò
Thầy giáo Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: “Học tập qua trải nghiệm là một cách học hiệu quả, dễ ghi nhớ, các bạn học sinh vừa được tìm hiểu lý thuyết, vừa được trực tiếp áp dụng vào thực tế, giải quyết vấn đề. Đồng thời, hoạt động trải nghiệm cũng tạo ra cảm hứng, tình yêu học tập”. Mong rằng, trong tương lai, các buổi học trải nghiệm sẽ tiếp tục được tổ chức, nhân rộng ở các khối lớp nhằm giúp cụ thể hoá lý thuyết trong sách vở, giúp học sinh áp dụng kiến thức một cách hiệu quả vào thực tế đời sống.
Bài viết: Phạm Quốc Đạt (11N1)
Ảnh: Đỗ Phương Linh (10D1)