Sau một thời gian chuẩn bị, trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đã chính thức đưa chương trình Giáo dục Giá trị sống vào lớp học.

Ban Giám hiệu đã tổ chức tiết dạy mẫu cho các giáo viên chủ nhiệm đến dự giờ, học tập rút, kinh nghiệm. Cô giáo Nguyễn Thùy Dương cùng lớp chủ nhiệm 11D2 được tín nhiệm giao trọng trách thực hiện tiết dạy mẫu này.

Với lớp 11D2, đây là tiết học về các Giá trị sống thứ hai sau khi cô trò đã cùng nhau trải qua một tiết học thú vị vào tiết sinh hoạt tuần trước. Dư âm tốt đẹp chắc vẫn còn đọng lại từ giờ học trước nên tất cả các thành viên đều tỏ ra rất hào hứng ngay từ khi tiết học mới bắt đầu.

Bài học “Hình dung về một thế giới Hòa bình” nằm trong nhóm bài tìm hiểu về Giá trị Hòa bình. Đây là Giá trị sống được giới thiệu đầu tiên, bởi theo quan điểm của các chuyên gia, đó là giá trị nền tảng để xây dựng các giá trị sống quan trọng và cần thiết khác.

Sau hoạt động khởi động tập thể để tạo cảm giác thư giãn thoải mái cho học sinh, trong lúc những nụ cười vẫn còn chưa tắt trên những gương mặt rạng rỡ của tất cả các thành viên trong lớp, cô giáo Thùy Dương đã nhanh chóng hướng sự tập trung của học sinh vào hoạt động thứ hai. Hai học sinh cùng ngồi cạnh nhau cùng thảo luận để trả lời 4 câu hỏi:

1)    Ngày nay, thế giới của chúng ta có thực sự hòa bình không?

2)    Một thế giới hòa bình nên như thế nào?

3)    Có thể làm thế giới ngày nay thay đổi những gì?

4)    Theo bạn thì hòa bình có thực sự quan trọng hay không?

Cuộc thảo luận diễn ra rất sôi nổi. Một vấn đề lớn lao mang tính chất toàn cầu và thực sự có ý nghĩa. Những câu hỏi của cô giáo Thùy Dương đã thu hút được sự chú ý của học sinh. Đây là dịp để các em nghiêm túc suy ngẫm về giá trị của hòa bình, về thực trạng của nền hòa bình trên thế giới và những việc cần làm, có thể làm để có được Giá trị Hòa bình… Sau khi thảo luận nhóm nhỏ, tất cả cùng thảo luận trong vòng tròn lớn dưới sự dẫn dắt của cô giáo Thùy Dương. Có vẻ như ai cũng muốn được nói lên những suy nghĩ riêng và sâu sắc của mình. Một điểm chung là các em đã hiểu được rằng để có được một thế giới hòa bình, không chỉ cần đến bàn tay, khối óc, tấm lòng của các nguyên thủ quốc gia mà còn cần đến sự chung sức của tất cả mọi thành viên trên Trái Đất, trong đó có cả những thành viên của tập thể 11D2 này.

Hoạt động thứ ba của tiết học là một hoạt động tưởng tượng. Cô giáo hướng dẫn học sinh chọn một tư thế ngồi thật thoải mái và nhắm mắt lại, để tâm trí hoàn toàn thư giãn và bắt đầu hành trình tưởng tượng theo sự dẫn dắt của cô. Theo giọng đọc nhẹ nhàng, truyền cảm của cô giáo, mỗi học sinh đang được đến với ngôi trường mơ ước của mình, cảm nhận về không gian, về các mối quan hệ và về cảm giác của chính mình trong thế giới tưởng tượng ấy. Sau khi bừng tỉnh trở về với thế giới thực tại, sự biểu lộ cảm xúc ở mỗi học sinh rất khác nhau, có em thì trầm ngâm, có em thì rất vui vẻ… Và khi chia sẻ về ngôi trường mơ ước của mình trong tưởng tượng, mỗi học sinh đều đề cập đến một vài khía cạnh tích cực, lí tưởng trong trường học. Điều thú vị là nhiều học sinh đã mô tả ngôi trường mơ ước giống như ngôi trường Nguyễn Tất Thành - nơi các em đang theo học. Qua đây, các giáo viên có dịp hiểu học sinh của mình hơn; ngược lại mỗi học sinh cũng tự nhận ra rằng mình thực sự cần điều gì khi đến trường, và tự phải trả lời câu hỏi rằng mình sẽ phải làm gì để tạo nên những giá trị tốt đẹp ấy trong ngôi trường của mình.

Thu hút nhất chính là hoạt động cuối cùng - cùng nhau làm chiếc bánh Hòa Bình. Nguyên liệu mà các em phải lựa chọn để làm bánh là các giá trị sống: hòa bình, tôn trọng, yêu thương, khoan dung, trung thực, khiêm tốn, hợp tác, hạnh phúc, trách nhiệm, giản dị, tự do đoàn kết với các tỉ lệ khác nhau. Bằng cách chia những chiếc ống nhựa nhiều màu sắc cho mỗi học sinh, cô giáo đã tạo được các nhóm ngẫu nhiên theo từng màu sắc. Các nhóm hợp lại rất nhanh chóng, dùng giấy, hộp, màu vẽ… đã được cô giáo chuẩn bị sẵn để cùng nhau “làm bánh”. Không khí lớp học trở nên rất sôi nổi.


Cùng nhau “làm bánh”

Thời gian có 8 phút nên các nhóm đều phải phân công nhiệm vụ rõ ràng và phối hợp ăn ý để hoàn thành chiếc bánh. Và sau một hồi chuông hiệu lệnh của cô giáo, các nhóm lần lượt mang “thành quả” của mình lên trưng bày.





Mỗi nhóm đều cử đại diện lên thuyết trình về chiếc bánh của mình. Các em đã thể hiện những suy nghĩ rất sâu sắc về giá trị của Hòa bình. Có nhóm thì sử dụng đồng đều các nguyên liệu là 12 giá trị sống, bởi giá trị nào cũng quan trọng và cần thiết để tạo lập và duy trì hòa bình. Có nhóm lại chọn nguyên liệu chính là giá trị Yêu thương, bởi theo các em Yêu thương là thứ mà mỗi người đều mong muốn đón nhận, bởi Yêu thương sẽ làm tiêu tan những giá trị tiêu cực. Có nhóm tạo nên chiếc bánh Hòa bình mang hình Châu Phi và giải thích đó là trái tim của Trái đất, từ đó kêu gọi phát huy tất cả các giá trị để mang đến những điều tốt đẹp nhất cho châu lục còn nhiều thiệt thòi. Có nhóm tạo nên chiếc bánh mang hình quả địa cầu, ở đó mỗi châu lục đang sở hữu hoặc hướng đến một giá trị riêng… Phần trình bày của nhiều nhóm thực sự gây xúc động cho các thày cô giáo đến dự giờ và toàn thể học sinh trong lớp.

Tiết học khép lại và đọng lại trong mỗi người rất nhiều điều để suy nghĩ. Với học sinh, đó là cảm giác thoải mái bởi tiết học diễn ra hết sức thú vị với các hoạt động hấp dẫn được thay đổi liên tục, và quan trọng hơn, đó là những cảm nhận riêng sâu sắc về giá trị Hòa Bình. Với tư cách là một giáo viên dự giờ, tôi thấy tiết học thực sự bổ ích. Bằng một cách thức nhẹ nhàng, tự nhiên, thoải mái, tiết học chắc chắn đã hình thành ở học sinh một phần của Giá trị sống Hòa bình. Cách truyền dạy kiến thức theo phương pháp mới như cô Thùy Dương thực hiện đã giúp học sinh lĩnh hội một cách tích cực, chủ động, và nhờ đó mà thấm thía nhiều hơn.

Cô giáo Thùy Dương cũng có đôi lời tâm sự sau tiết học “Trước khi tiến hành tiết dạy Giá trị sống đầu tiên, tôi rất lo lắng, không biết học sinh của mình có thích thú không, và không biết hiệu quả sẽ đến đâu. Nhưng sau hai tiết học, tôi thấy thực sự yên tâm. Phần lớn các học sinh tỏ ra hào hứng, và có những hoạt động khiến học sinh rất xúc động. Tôi nghĩ, chương trình Giáo dục này đã chạm đến tâm hồn và trái tim của các em. Và như vậy thì việc hình thành các Giá trị sống thiết yếu ở các em sẽ là điều không khó.”


Cô giáo Nguyễn Thùy Dương

Có thể nói, thử nghiệm bước đầu đã chứng minh được sự thành công của chương trình Giáo dục Giá trị sống. Và chúng tôi muốn tự tin nói rằng: chương trình Giáo dục Giá trị sống đã chính thức được bắt đầu ở ngôi trường Nguyễn Tất Thành!
cô giáo Phạm Thị Thu Phương