Đến với Trung tâm bảo trợ xã hội III, không ai trong số chúng tôi – những học sinh lớp 7A5 – không khỏi chạnh lòng trước những mảnh đời bất hạnh của những cụ già neo đơn và trẻ em không nơi nương tựa. Tuy nhiên, ở nơi đây, tình bạn của những người cùng cảnh ngộ và sự chăm sóc tân tụy của của cán bộ Trung tâm, đã giúp họ tìm được niềm vui trong cuộc sống.
Sáng ngày 17/5, dưới ánh nắng chói chang của mùa hè, gác lại đèn sách sau một năm học tràn ngập niềm vui, chúng tôi, học sinh lớp 7A5 háo hức đi thăm Trung tâm bảo trợ xã hội III - nơi nuôi dưỡng các cụ già neo đơn và trẻ em không nơi nương tựa.
Sau gần một giờ ngồi trên ô tô, men theo con đường nhỏ dẫn vào thôn Miêu Nha, xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội, chúng tôi đã tới Trung tâm Bảo trợ Xã hội III. Đây cũng là mái ấm của hơn một trăm cụ già neo đơn và trẻ em không nơi nương tựa. Nằm giấu mình mình dưới những bóng cây xanh mượt, trung tâm như nằm tách biệt với thế giới bên ngoài. Ở đây thật yên tĩnh và thoáng đãng.
Sau khi gặp gỡ lãnh đạo trung tâm, chúng tôi đi thăm các em bé bị bỏ rơi được nuôi dưỡng nơi đây. Trong căn phòng rộng rãi thoáng mát, cô bảo mẫu đang xúc cháo cho các em ăn. Các em ăn thật ngoan và cười đùa vui vẻ. Ở trong Trung tâm này, một điều thật lạ là chúng tôi không hề nghe thấy tiếng khóc. Mặc dù không được ôm ấp trong vòng tay yêu thương của bố mẹ, nhưng tình cảm, sự chăm sóc tân tụy của những cô bảo mẫu nơi đây đã làm dịu đi nỗi đau của các em.
Chúng tôi tiếp tục đi thăm nơi ở của các cụ già neo đơn, chia sẻ và lắng nghe tâm sự của những người đã ở độ tuổi gần đất xa trời. Những câu chuyện của các cụ về những người con, những người cháu bất hiếu khiến chúng tôi chực trào nước mắt. Ơn nghĩa sinh thành, làm con phải hiếu, nhưng do sức cuốn hút của tiền tài và danh vọng, nhiều người con đã ruồng rẫy cả cha mẹ mình để chạy theo danh lợi. Cả đời một nắng hai sương vất vả trăm đường nuôi con khôn lớn để rồi khi về già họ lại bị chính những đứa con do mình sinh ra ghẻ lạnh. Có những lúc các cụ gần như đã tuyệt vọng và tưởng chừng như đã không chiến thắng được số phận. Nghe những câu chuyện của các cụ, khóe mắt của chúng tôi – ai ai cũng đỏ hoe, thương xót cho số phận hẩm hiu của những người già bất hạnh.
May mắn thay ở Trung tâm xã hội III, các cụ được sống trong sự chăm sóc, quan tâm nâng niu từng bữa ăn, giấc ngủ của đội ngũ nhân viên, hộ lý mà tự bao giờ họ đã coi như các con của mình. Lúc ốm đau hay khi khuất núi, họ đã chăm sóc các cụ hết sức tận tình, chu đáo.
Hầu hết các cụ tại trung tâm, khi được hỏi thăm, đều vui vẻ nói rằng: các bác sĩ, hộ lý ở trung tâm rất tốt, đối xử với họ như cha mẹ đẻ. Thật vậy, đến với trung tâm, cảm giác đầu tiên mà tôi nhận thấy là cuộc sống nơi đây như một đại gia đình.
Để chia sẻ nỗi bất hạnh với những bạn nhỏ và những cụ già không nơi nương tựa, chúng tôi, tất cả đều gửi tặng họ chút quà nho nhỏ: bánh kẹo, quần áo, đồ chơi và một chút tiền. Nhân dịp này, chúng tôi cũng dành cho các cụ già và các em nhỏ của trung tâm những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”, với mong muốn xoa dịu bớt nỗi buồn của những số phận bất hạnh này.
Sau một buổi sáng gặp gỡ và chia sẻ với các cụ già và các em nhỏ của trung tâm, chúng tôi chia tay quay lại trường. Ai nấy đều có vẻ trầm tư, thương cảm những số phận ở trung tâm. Đối với tôi chuyến đi này thật ý nghĩa. Tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc và may mắn được sống trong vòng tay yêu thương của bố của mẹ, được dạy bảo tận tụy của các thầy cô giáo trường Nguyễn Tất Thành. Tội tự hứa với lòng mình, sẽ cố gắng trở thành học sinh tốt để không phụ lòng chăm sóc của bố mẹ và thầy cô.
Hoạt động từ thiện là hoạt động thường xuyên của thầy trò trường Nguyễn Tất Thành. Sau mỗi chuyến đi, chúng tôi, học sinh của ngôi trường mang tên Bác này, đã học hỏi được rất nhiều điều bổ ích trong cuộc sống: đó là trách nhiệm và tình yêu thương.
Chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh
Tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” của tập thể lớp
Trò chuyện, tâm sự cùng các cụ già
Những món quà nhỏ mang đến niềm vui cho các cụ già