Chủ nhật ngày 29/9, tại sân vận động trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã diễn ra cuộc thi bắn tên lửa nước do tổ Vật lí, tổ Sinh học và Mĩ thuật trường Nguyễn Tất Thành phối hợp với Viện công nghệ vũ trụ - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức. Sự kiện là hoạt động cuối cùng, đặc biệt có ý nghĩa nằm trong “Tháng tìm hiểu công nghệ vũ trụ”. Tổ chức nghiêm túc, trao giải long trọng và cháy bỏng niềm đam mê khoa học vũ trụ của học sinh trường Nguyễn Tất Thành là những hình ảnh đẹp về cuộc thi.
Với mục đích quảng bá, đưa khoa học và công nghệ đến gần với công chúng, khơi gợi niềm yêu thích và đam mê khoa học cho các em học sinh, chương trình hoạt động “Tuần lễ vũ trụ” đã kết thúc thành công rực rỡ và vẫn còn đó nỗi vương vấn, niềm hân hoan và cả sự tiếc nuối trong các em học sinh tham gia cuộc thi.
Sân chơi lí thú
Bắt đầu phát động từ đầu tháng 9, sự kiện thu hút 210 học sinh khối 7, 128 học sinh khối 8 và 187 học sinh khối 10 tham gia – quả là một con số không nhỏ đã cho thấy niềm say mê hứng thú với khoa học vũ trụ của học sinh Nguyễn Tất Thành. Một tháng vừa phải hoàn thành các giờ học, bài học trên lớp, vừa chuẩn bị cho cuộc thi tên lửa nước, các em đã nỗ lực gấp đôi gấp ba những ngày bình thường. Sắp xếp thời gian hợp lí, tranh thủ mọi lúc, phân công công việc cẩn thận các em đã vào cuộc với một tinh thần phấn chấn, một thái độ hưởng ứng tích cực và sục sôi tình yêu với khoa học vũ trụ.
Cuộc thi là một sân chơi lành mạnh, bổ ích, là môi trường tôi luyện và thỏa nguyện đam mê. Khi cau có, bực dọc, lúc trăn trở, lo lắng, lúc nhảy cẫng sung sướng, hò reo là những trải nghiệm tuyệt vời của các em trong cả quá trình chuẩn bị cũng như trong buổi thi chính thức. Đọng lại trong cảm xúc của các em đó là khoảnh khắc tranh luận ý tưởng, chia sẻ hiểu biết và hì hụi làm tên lửa nước cùng nhau. Lên kế hoạch, làm việc nhóm, những giờ tập huấn hướng dẫn cách làm của thành viên giáo dục vũ trụ WRE sẽ là những kỉ niệm đáng nhớ.
Được cọ xát thực tiễn, chủ động tìm tòi và cặm cụi trực tiếp làm, các em rất thích thú. Chính từ quá trình thể nghiệm các em tự kiến tạo kiến thức về vật lí, về khoa học vũ trụ cho mình. Tham gia cuộc thi các em chơi mà học, học mà chơi. Vui vẻ mà hiệu quả, thiết thực gần gũi và bổ ích là những giá trị mà hoạt động bắn tên lửa nước mang lại cho các em học sinh.
Tên lửa nước là bơm khí vào nước tạo sức nén mạnh bắn tên lửa đi xa. Khi làm tên lửa nước đã giúp học sinh giải quyết các kiến thưc về tính toán áp suất và ném xiên ném ngang trong sách giáo khoa Vật lí 10, đồng thời cũng là để các em tự tạo thiết bị trực quan, phục vụ học tập. Các sản phẩm đều được các em làm từ vật liệu tái chế rất tiết kiệm và dễ kiếm. Chỉ từ cái vỏ chai bỏ đi, ống nhựa đơn giản, các em thiết kế và sáng tạo thành những tên lửa lạ mắt và độc đáo. Khi những tên lửa bằng nước phóng lên bầu trời cũng là lúc những ước mơ chắp cánh. Để có một tên lửa như mũi tên, đạt được quỹ đạo bay ổn định, dễ điều khiển và phóng chính xác mục tiêu các em phải làm đi làm lại nhiều lần. Vì thế, thất bại hay thành công đều là những bài học quý báu, cũng là một dịp để hiểu mình, hiểu bạn đối với các em.
Liên tục các buổi chiều cuối tháng 9, các thầy cô giáo tổ Vật lý tiến hành thi vòng loại giữa các lớp và chọn ra được 16 đội bước vào chung kết cuộc thi. Giải Nhất thuộc về đội Siêu Nhân Gao lớp 10A3, 02 giải Nhì là đội Đẹp trai không yêu ai lớp 10A1 và đội Đàn bò lớp 8A6, đội WR6 lớp 10D2; WR1 lớp 10D1 và Chuối lớp 10D4 rinh về giải Ba, 10 giải khuyến khích là Đội 69 Team lớp 10D1; đội Vãi nước lớp10A4; đội Super Rocket lớp 10A1; đội Bay vào không gian lớp 8A3, đội Lighting lớp 10A1; đội Rocket Legend lớp 10A2; Nepture Stars lớp 10A1 – 10D3; đội Super iron Gơn lớp 10A4; đội Tứ Nữ lớp 10A1, đội Ba cô gái lớp 10D3.
Đội Siêu Nhân Gao – 10A3
giải Nhất cuộc thi cùng cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Anh và các thầy cô
Đội Đàn bò – 8A6
giải Nhì cuộc thi chụp ảnh kỉ niệm với cô Hiệu trưởng
Những chàng trai của đội Đẹp trai không yêu ai – 10A1 giải Nhì cuộc thi
Các nhóm đồng giải Ba 10D1, 10D2, 10D4
Hành trình của đam mê
Một học sinh lớp 7 tâm sự “Em chẳng có năng khiếu hát hò, nhảy múa hay đóng kịch như các bạn để được biểu diễn. Có cuộc thi tên lửa nước em đăng kí luôn vì em tò mò thích khám phá vũ trụ lắm”. Quả thật, sân chơi đã thắp sáng và thổi bùng sở thích công nghệ và đam mê khoa học vũ trụ, là cuộc gặp của những học trò yêu thích môn Vật lý. Điều mà chúng ta nhận thấy rõ là niềm vui có thật, là không khí say mê sáng tạo của học sinh Nguyễn Tất Thành. Trời nắng, trời mưa bất kể giờ nào có thể là các em đều lôi tên lửa nước ra bắn thử, không biết chán, không biết mệt là gì. Hình ảnh các nhóm học sinh ngồi khắp nơi trong trường miệt mài cưa cắt, tháo lắp các tên lửa nước là hình ảnh nổi bật, quen thuộc trong suốt thời gian tháng qua. Tất cả chỉ có thể là đam mê, các em mới nhập tâm và chăm chú như vậy.
Trước giờ vào bệ phóng
Thông minh, sáng dạ và đam mê là những nhận xét của các thầy cô, của nhóm WRT khi tiếp xúc và làm việc với học sinh khối 7, 8 10 trường Nguyễn Tất Thành. Một thành viên của nhóm giáo dục vũ trụ nói: “Chúng tôi rất ấn tượng và bị các em cuốn hút bởi tinh thần cầu thị, nhất là niềm hăng say tìm tòi, mày mò của các em. Có những em không ngừng hỏi, liên tiếp băn khoăn. Tiếp thu nhanh và ứng dụng rất sáng tạo”. Quả thật, tiềm năng trong các em rất lớn, trách nhiệm của người giáo viên nói riêng và nhà trường nói chung phải biết khai thác, phải tạo điều kiện và môi trường cho những đam mê ấy được chắp cánh.
Hơn nữa qua cuộc thi, các kĩ năng như làm việc nhóm, tinh thần đoàn kết, ý chí chiến đấu, khao khát chiến thắng trong các em được khích lệ. Đối với bản thân mỗi học sinh cũng như một tập thể lớp học những điều này rất có ý nghĩa. Cuộc thi vừa là một thử thách của trí tuệ, vừa là cuộc du hành của đam mê khoa học vũ trụ, nhưng cũng là nhịp cầu kết nối, giao lưu giữa các lớp, các khối. Các em được thể nghiệm và vui cùng khoa học vũ trụ, đặc biệt cho chúng ta thấy các em có thể làm được nhiều thứ.
Hình ảnh tuyệt đẹp khi các tên lửa nước được phóng đi
Hoạt động tên lửa nước được tổ chức rất bài bản. Đầu tiên: Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách làm tên lửa nước, nêu rõ các tiêu chí – khâu này do nhóm RWT của Viện khoa học Việt Nam đảm nhiệm. Bước tiếp theo: Thi vòng loại, kiểm chứng kết quả vận dụng lí thuyết vào thực tiễn, chọn sáng chế tốt nhất và cuối cùng là vòng chung kết. Sự liên kết, tương tác giữa Viện và tổ bộ môn Vật lý trường Nguyễn Tất Thành đã tạo ra một chu trình tìm hiểu và sáng chế đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả. Chắc chắn hoạt động này sẽ có sức lan tỏa và hấp dẫn các em trong những năm tới.
Một thành viên của nhóm Giáo dục vũ trụ RWP đang hướng dẫn các em làm tên lửa nước
Thầy Long và Thầy Phú (Tổ bộ môn Vật
lý)
trong một buổi hỗ trợ tập huấn, công bố thể lệ cuộc thi
Các em chăm chú theo dõi thầy hướng dẫn quy trình
Một cảnh tượng trong giờ tập huấn tìm hiểu về tên lửa nước
Chuẩn bị thi đấu
Nụ cười vào trận của các em lớp 8
Góp phần thành công cho cuộc thi phải kể đến đội ngũ cổ động viên nhiệt tình: đó là học sinh các lớp, bố mẹ và thầy cô giáo sát cánh cùng các em suốt chặng đường. Sự quan tâm, ủng hộ, niềm tin tưởng của mọi người đã là nguồn động lực mạnh mẽ tiếp sức cho các em. Không khí ngày diễn ra hội thi vô cùng náo nhiệt. Đông đảo khán giả đã đến cỗ vũ và các nhóm thi đã chơi và cống hiến hết mình. Thời khắc căng thẳng, có tính quyết định là khâu đưa tên lửa vào bệ phóng, những bàn tay thoăn thoắt, các động tác lắp, bơm nhanh chóng, khi bắt đầu có hiệu lệnh bắn, tất cả các em đều hồi hộp chờ đợi. Nhìn những tên lửa nước vút lên không trung, các em ôm chầm lấy nhau hò reo vui sướng và tự hào thích chí.
Lực lượng cổ động viên hùng hậu
Hội ý nhóm trước giờ thi bắn tên lửa nước
Cuộc thi tên lửa nước đã góp phần phát triển tư duy khoa học, mạng lại kinh nghiệm tổ chức và tiến trình nghiên cứu khoa học cho học sinh Nguyễn Tất Thành. Để phát hiện, ươm mầm và nâng cánh những ước mơ khoa học, thiết nghĩ nhà trường cần phải tạo ra nhiều môi trường thực hành, không gian thể nghiệm hơn nữa. Thể nghiệm là một cách học đặc biệt thú vị và hiệu quả. Muốn phát triển năng lực học sinh thì đây là cách dạy học tích cực nhất. Học phải đi đôi với hành, để các em được nghĩ nhiều hơn, được làm nhiều hơn- đó là mục tiêu, cũng là phương pháp dạy học của trường Nguyễn Tất Thành hiện nay!