Thứ Hai (01/04/2024) vừa qua, Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành đã tổ chức diễn đàn với chủ đề: “Giới trẻ với an toàn trên không gian mạng” cùng sự dẫn dắt của TS. Nguyễn Thị Ánh Nguyệt và TS. Nguyễn Thị Mai Hương (Khoa Công tác xã hội - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Qua buổi sinh hoạt dưới cờ, học sinh được trau dồi thêm các kiến thức về an toàn mạng và nhận thức được những hiểm hoạ, từ đó, đưa ra cách ứng phó với những sự việc không mong muốn.
Trong thời đại 4.0, với sự tiếp cận Internet từ sớm, nhiều học sinh đã rất thành thạo trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ. Tuy nhiên, dù mang lại rất nhiều lợi ích như dễ dàng kết nối, trao đổi với bạn bè, giải trí,… thì Internet cũng ẩn chứa nhiều tác hại mà học sinh cần nhận biết để phòng tránh cho bản thân mình. Diễn đàn được tổ chức với mục đích trang bị cho học sinh những kiến thức về lợi ích, nguy cơ, rủi ro khi sử dụng mạng xã hội; các hành vi bắt nạt và xâm hại trên không gian mạng; trang bị cho học sinh những kĩ năng nhận diện khi bị bắt nạt, xâm hại, lừa đảo trên không gian mạng và cách phòng tránh, ứng phó với các tình huống mất an toàn trên không gian mạng, từ đó, có ý thức và hành vi sử dụng mạng xã hội an toàn.
Mở đầu diễn đàn là màn trình diễn “Tình bạn diệu kì” được thể hiện bởi các thành viên câu lạc bộ Âm nhạc (M4U) với giai điệu ngọt ngào, trầm ấm và lời ca cùng thông điệp về sự trong sáng, hồn nhiên của tuổi học trò.
Ca khúc “Tình bạn diệu kì” vui tươi, trẻ trung được trình diễn bởi câu lạc bộ Âm nhạc (M4U)
Diễn đàn được dẫn dắt bởi hai vị khách mời dày dặn kinh nghiệm: TS. Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, TS. Nguyễn Thị Mai Hương - giảng viên khoa Công tác Xã hội (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Hai diễn giả đã mang đến những kiến thức vô cùng bổ ích về an toàn trên không gian mạng. Các cô đã chỉ ra thực trạng và cách sử dụng mạng xã hội của giới trẻ hiện nay, nêu ra những lợi ích khi sử dụng mạng xã hội: hỗ trợ học sinh trong học tập; cập nhật thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời; là một kênh kết nối hữu hiệu; kinh doanh online; giải trí (xem phim, nghe nhạc…); thể hiện hình ảnh bản thân,… Tuy nhiên, mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, tác hại và những mối nguy hiểm không đáng có: tiếp cận những thông tin độc hại, sai lệch; có nguy cơ bị lấy cắp thông tin; bị giả mạo, lừa đảo; bị công kích, đe dọa, bạo lực, tấn công và bắt nạt trong môi trường mạng; đặc biệt là bị phụ thuộc, lạm dụng, nghiện mạng xã hội,… Vì vậy, việc sử dụng mạng xã hội không an toàn đã để lại rất nhiều hậu quả đáng tiếc. Qua đó, hai diễn giả đã trao đổi với học sinh về những biện pháp ứng phó, xử lí khi gặp phải các tình huống xấu trên mạng xã hội. Học sinh không cần quan tâm tới những công kích của người khác hay hình ảnh kẻ xấu gửi cho bản thân; cần hủy kết bạn, chặn, báo cáo, lưu lại bằng chứng về hành vi của kẻ xấu và tìm đến những người thân cận, có thể tin tưởng để chia sẻ câu chuyện mình gặp phải, xin sự hỗ trợ, giúp đỡ từ họ nhằm bảo vệ sự an toàn cho chúng ta.
Hai giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ về an toàn trên môi trường mạng
Học sinh tích cực tham gia diễn đàn, chia sẻ ý kiến của bản thân
Thông qua các từ khóa 5K-3T, hai diễn giả muốn thể hiện thông điệp với 5K: “Không tin ngay”, “Không vội bấm like”, “Không thêm thắt”, “Không vội chia sẻ”, “Không im lặng” cùng 3T gửi gắm lời nhắn “Tôn trọng”, “Trách nhiệm” và “Tử tế”.
Thông điệp 5K - 3T được truyền tải rõ ràng
Qua diễn đàn, học sinh đã được trang bị kiến thức, kĩ năng về an toàn trên không gian mạng và cách sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả, biết cách xử lí, ứng phó với những rủi ro không đáng có. Từ đó, học sinh có cái nhìn toàn diện hơn về môi trường mạng và biết thay đổi để sử dụng internet một cách hiệu quả hơn. Đồng thời, buổi sinh hoạt dưới cờ cũng khẳng định sự quan tâm của thầy cô BGH nhà trường đến sự an toàn trên không gian mạng của học sinh, để môi trường học tập, sinh hoạt của các em luôn lành mạnh, tích cực.
Bài viết: Nguyễn Minh Trang (10D1)
Ảnh: Vũ Minh Anh (11D3)