Nhân dịp kỉ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không ( 12/1972 – 12/2012 ), vào ngày 16-12 vừa qua bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành tổ chức buổi giao lưu gặp gỡ các nhân chứng lịch sử với chủ đề “Kí ức Hà Nội - 12 ngày đêm”.

Mặc dù chương trình bắt đầu lúc 14h00’ nhưng từ lúc 13h00’, hơn 400 học sinh và giáo viên nhà trường đã đến đông đủ. Chào đón sự tham gia của các bạn học sinh Nguyễn Tất Thành là bài hát mở màn đầy khí thế hào hùng “Tiểu đoàn 307” do thầy Đình Cương – giáo viên bộ môn Lịch Sử của trường Nguyễn Tất Thành biểu diễn. Thầy chia sẻ một số kỉ niệm của mình về những ngày tháng lịch sử Hà Nội 1972 xưa và cũng như học sinh, thầy rất mong chờ chào đón các vị khách đặc biệt đến với buổi giao lưu hôm nay.


Thầy Đình Cương với bài hát lịch sử “Tiểu đoàn 307”

Tiếp nối chương trình là bài múa hát của tập thể lớp 7A3 với bài “Chắp cánh ước mơ”, rồi lần lượt sau đó là “Hà Nội một trái tim vàng”, “Nhớ về Hà Nội”, “Cuộc đời vẫn đẹp sao”...do các cô chú cán bộ bảo tàng biểu diễn.


Tiết mục “Chắp cánh ước mơ” của tập thể 7A3


Mở đầu chương trình giao lưu, MC trân trọng giới thiệu sự tham dự của các nhân chứng lịch sử:

- Trung tướng Phạm Tuân – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – Anh hùng Lao động – Anh hùng Liên Xô, cũng là người đầu tiên bắn rơi máy bay B52 trên bầu trời Hà Nội năm 1972

- Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư kí hội khoa học lịch sử Việt Nam

- Giáo sư Đỗ Doãn Đại – Giám đốc bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thời kì 1969 – 1983

- Đại tá, nhà báo Nguyễn Xuân Mai - Tổng biên tập báo phòng không không quân

Về phía khách mời có:

- Phó giáo sư tiến sĩ Vương Dương Minh, hiệu trưởng trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành

- Thạc sĩ Lương Bích Hằng, chủ tịch công đoàn trường

- Ông Đàm Vĩnh Sơn, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh trường Nguyễn Tất Thành

- Đại tá Nguyễn Hữu Đạt, giám đốc bảo tàng phòng không không quân

- Em Bùi Việt Hà, học sinh lớp 11D1 trường Nguyễn Tất Thành



Chương trình bắt đầu với một đoạn phim tư liệu lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Trò chuyện với các em học sinh về giai đoạn lịch sử hào hùng này là hai bác Phạm Tuân và bác Dương Trung Quốc. Bác Dương Trung Quốc thân tình chia sẻ những sự kiện lịch sử lớn mang tính quyết định, mở màn cho cuộc chiến đấu diễn ra tháng 12-1972 năm đấy, sự lật lọng của tổng thống Mĩ Nixon và những âm mưu, thủ đoạn của chúng. Thuật lại tình hình quân ta và địch lúc ấy, bác Phạm Tuân có nói: “B52 là loại máy bay có khả năng chiến đấu cao nhất. Một chiếc B52 có thể mang 30 tấn bom. Trong cuộc chiến này, Mĩ đã sử dụng 193 chiếc B52 trên tổng số 400 chiếc và hơn 1000 loại máy bay khác trên tổng số 3000, tức là gần một nửa. Trong khi đó chúng ta chỉ có hai trung đoàn tên lửa và hơn một chục phi công chiến đấu” Tuy điều kiện khó khăn là thế nhưng bác Tuân luôn khẳng định rằng tinh thần người chiến sĩ là không bao giờ khuất phục, luôn luôn rèn luyện bản thân và không ngừng phấn đấu.


Một đoạn phim tư liệu


Trong suốt buổi nói chuyện, hai bác đã không ngừng chỉ ra những sai lầm của quân đội Mĩ khi nghĩ rằng có thể lấy sức mạnh vật chất áp đảo tinh thần và đồng thời bày tỏ sự thương xót, niềm tự hào với sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của nhân dân ta. Khi được MC hỏi về nguyên nhân chính của sự thắng lợi, bác Dương Trung Quốc phát biểu: “ Hai nguyên nhân chính dẫn đến sự thắng lợi này. Một chính là cái tài tình nhìn xa trông rộng của Đảng, sự chuẩn bị công phu của quân ta từ những năm 68-69 và sự lãnh đạo sáng suốt của Bác Hồ. Hai là nhờ tổ chức lực lượng về con người. Mỗi người, mỗi dân quân tự vệ đều được bồi dưỡng về ý chí chiến đấu, về sự sáng tạo và trí tuệ. Trong đó bản lĩnh vốn có của con người Việt Nam cũng vô cùng quan trọng để tạo nên thắng lợi này và không những đã được phát huy nhiều mà còn tiếp tục phát huy ở tầng cao hơn

32323_378624625560933_1906536068_n

Nhà sử học Dương Trung Quốc (bên trái) và trung tướng Phạm Tuân (bên phải) chia sẻ với các em về những sự kiện lịch sử

Để cảm ơn những chia sẻ rất chân tình của bác Phạm Tuân, ban tổ chức đã mang đến một món quà tinh thần đầy bất ngờ - đó chính là bộ đồ phi hành gia mà bác Phạm Tuân đã mặc khi lần đầu tiên bay vào vũ trụ. Bác đã rất ngạc nhiên và xúc động khi lại một lần nữa được hồi tưởng những kỉ niệm không quên và đầy tự hào. Bác Tuân không chỉ chia sẻ những kinh nghiệm của mình về sự khó khăn của một phi hành gia, của một phi công lái máy bay quân sự mà còn rất nhiệt tình, hài hước trả lời những câu hỏi, thắc mắc của các bạn học sinh. Kết thúc phần giao lưu, bác Phạm Tuân đã khẳng định một điều khiến chúng em vẫn nhớ mãi: “ Nếu đất nước có chiến tranh, lớp trẻ chắc chắn có thể làm tốt hơn cả chúng tôi. Xấu tốt trong cuộc sống thường ngày không thể đánh giá hết được. Tình yêu nước của các bạn sẽ bộc lộ ra khi nước nhà cần các bạn, khi chúng ta cần tình đoàn kết. Tôi luôn tin tưởng vào thế hệ trẻ ngày nay”


Cùng hồi tưởng lại những kỉ niệm


Học sinh đặt câu hỏi, giao lưu với các nhân chứng lịch sử

Tiếp theo phần giao lưu là tiết mục múa đặc sắc “Khúc ban mai” do lớp 8A2 trình bày. Tiết mục đã đem đến một không khí tinh khôi mới lạ, tạo cảm giác thư thái thoải mái cho người tất cả mọi người.


Tiết mục múa “Khúc ban mai” của lớp 8A2

Chương trình giao lưu vẫn tiếp tục với hai vị khách mời là ông Đỗ Doãn Đại và đại tá Nguyễn Xuân Mai. Trái với cuộc giao lưu vừa rồi, hai ông đến với buổi nói chuyện không phải để bàn luận về cuộc chiến đấu lịch sử mà chia sẻ những câu chuyện nơi hậu phương – nơi có những con người thầm lặng sẵn sàng hy sinh tất cả để làm chỗ dựa vững chắc cho nơi tiền tuyến.


Không phải cảm xúc hưng phấn, tự hào như khi nghe bác Tuân và bác Quốc kể chuyện nữa, chúng em lắng nghe những lời tâm sự của ông Đại mà lòng dâng trào xúc động, cảm phục và thấu hiểu hơn những nỗ lực, khó khăn mà hai ông đã trải qua. Giữa cuộc chiến ác liệt, trong khi nhiều người đã phải đi di tản xa nhưng những người như ông Đại, ông Mai dù không có nhiệm vụ chiến đấu nhưng vẫn tình nguyện ở lại, thực hiện trách nhiệm cao cả của một bác sĩ, của một nhà báo tuyên truyền Cách Mạng.

Bác sĩ Đỗ Doãn Đại (bên trái) và nhà báo Xuân Mai (bên phải) kể chuyện nơi hậu phương


Học sinh Nguyễn Tất Thành chăm chú lắng nghe

Điều thú vị khi chúng em đến với phần giao lưu này là có cơ hội nhìn tận mắt một vật chứng lịch sử là chiếc xe xích lô - chiếc xe được coi là xe cứu thương thời ấy đã từng chở và cứu sống hàng trăm người.


Cuối phần giao lưu, bạn Việt Hà - học sinh lớp 11D1 - đại diện cho toàn bộ học sinh trường Nguyễn Tất Thành bày tỏ cảm xúc của mình: “ Ngày hôm nay thực sự là một ngày ý nghĩa đối với tất cả chúng cháu khi có mặt ở đây để giao lưu với những nhân chứng lịch sử. Những thước phim tư liệu, những câu chuyện mà các bác vừa chia sẻ dường như đã làm sống lại cả một thời kì lịch sử oai hùng. Đối với cá nhân cháu bây giờ, cháu cũng đang mang trong mình rất nhiều cảm xúc. Đó là sự khâm phục ý chí, nghị lực phi thường của các bạn cũng như hàng triệu người anh hùng đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do và cháu cũng biết ơn sự hy sinh to lớn của các bác đã đem lại một cuộc sống bình yên, tốt đẹp cho chúng cháu như ngày hôm nay. Đại diện cho các bạn học sinh trường Nguyễn Tất Thành cùng thế hệ trẻ hôm nay, cháu xin ghi nhớ công ơn to lớn của các bác, cũng như những thế hệ đi trước đã dành cả cuộc đời mình cống hiến cho Tổ Quốc. Chúng cháu xin hứa sẽ không ngừng phấn đấu nhiều hơn nữa trong học tập, cũng như rèn luyện đạo đức để góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước, tiếp nối những truyền thống tốt đẹp mà cha ông đi trước đã để lại”


Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vương Dương Minh, Hiệu trưởng nhà trường cũng đã lên có đôi lời phát biểu, cảm ơn các nhân chứng lịch sử đã đến tham dự đông đủ ngày hôm nay và chúc mừng cho sự thành công của buổi giao lưu ý nghĩa.


Hiệu trưởng nhà trường- thầy giáo Vương Dương Minh (bên trái) lên phát biểu và nhận hoa


Các vị khách mời lên nhận hoa của ban tổ chức


Học sinh Nguyễn Tất Thành chụp ảnh kỉ niệm với những nhân chứng lịch sử


Buổi giao lưu thực sự đã trở thành một một kỉ niệm khó quên đối với tất cả các bạn học sinh, những ai đã có cơ hội tham gia và học hỏi. Em hy vọng chúng em sẽ không chỉ dừng lại ở một sự kiện như thế này mà càng có nhiều hoạt động thú vị, ý nghĩa khác giúp chúng em hiểu biết hơn về lịch sử hào hùng của nước nhà.
Nguyễn Thu Thảo- lớp 11D1