Với việc tổ chức 4 kì thi tập trung trong một năm học – kì thi giữa kì I, hết kì I, giữa kì II và cuối kì II - Ban Giám hiệu Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành mong muốn hướng đến mục tiêu THI THẬT - HỌC THẬT, để qua sự nghiêm túc của các kì thi, tác động đến ý thức học tập của học sinh.
Kì thi hết học kì 1, năm học 2012 – 2013 đã diễn ra trong 3 ngày, từ 10 – 12.12.2012. Kết thúc buổi thi cuối cùng, chúng tôi đã có dịp trao đổi với học sinh một số vấn đề xung quanh kì thi này.
Đề cương ôn tập đã được phát cho từng học sinh từ 3 tuần trước khi thi. Đề cương bao quát kiến thức một cách đầy đủ, trình bày khoa học, dễ hiểu, có tính định hướng cao. Do đó, học sinh có thể chủ động hơn trong việc ôn tập cho kì thi quan trọng này. Đề thi lần này bám sát nội dung chương trình, phù hợp với đa số trình độ học sinh và có khả năng phân hóa. Nhìn chung, các em tương đối hài lòng về bài làm của mình. Tuy nhiên, một số em bày tỏ sự nuối tiếc như Phương Lan 11A3: “Môn Lí câu 1 không khó nhưng em lại làm sai”…
Các em cũng tiết lộ cách mà mình và các bạn đã chuẩn bị cho kì thi này. Văn Nam 10A4 nói: “Nhận đề cương ôn tập, chúng em đã tập hợp thành các nhóm gồm 4 đến 5 bạn để cùng ôn tập. Mỗi bạn lại có thế mạnh ở một hoặc một vài môn khác nhau. Bạn nắm chắc thì giảng giải cho các bạn chưa nắm chắc. Học như vậy chúng em vừa tiết kiệm được khá nhiều thời gian vừa khá hiệu quả. Phần nào chưa hiểu, chúng em sẽ đến lớp hỏi các thầy cô”.
Văn Nam 10A4
Minh Phương (áo màu cam) cùng các bạn 12A1
Minh Phương – một học sinh đã từng rất nhiều lần đứng đầu các kì thi tập trung toàn trường cho hay: “Em cảm thấy kì thi này không quá áp lực. Theo em, đến lúc gần thi mới học thì khó mà bao quát hết các dạng bài, chưa kể là không có thời gian luyện tập. Em và nhiều bạn 12A1 đã chọn cách học và làm kĩ các bài tập ngay từ đầu, lúc có đề cương chỉ xem lại kiến thức nên cũng không vất vả lắm”.
Khi được hỏi về việc không khí thi cử nghiêm túc, cách sắp xếp thí sinh đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa hai thí sinh ngồi cạnh nhau theo hàng ngang là 1,2m; mỗi phòng thi 24 - 25 thí sinh, giống như kì thi tốt nghiệp THPT, các em thẳng thắn bày tỏ: “Ngồi trong phòng thi ít các bạn như thế này cũng hơi buồn một chút, vì có muốn trao đổi đáp án với bạn bên cạnh cũng khó” (Công Minh 10A4).
Nhưng chính Công Minh và rất nhiều học sinh khác như Văn Nam 10A4, Hoàng Nam 11A1, Minh Phương 12A1, Hằng Nga 12A1 và Minh Nguyệt 12A1… cũng đồng quan điểm: Các thầy cô coi thi nghiêm túc nhưng không gây ra tâm lí căng thẳng. Quan trọng hơn, qua những kì thi như thế này, việc đánh giá học sinh về các mặt kiến thức, kĩ năng và ý thức sẽ được chính xác, khách quan và công bằng. Học sinh biết mình không thể dựa dẫm, ỷ lại nên sẽ phải tự giác học hành, ôn tập và làm bài; rèn luyện bản lĩnh, tâm lí thi cử cho các kì thi quan trọng sau này như thi tốt nghiệp THPT, thi Đại học. Bên cạnh đó, các phụ huynh cũng có thêm một căn cứ chính xác để đánh giá thực lực của con em mình…
Khi được hỏi: “Rút kinh nghiệm từ những kì thi tập trung vừa trải qua, theo em, cần phải làm gì để đạt được kết quả tốt nhất cho các kì thi sắp tới?” Câu trả lời chúng tôi nhận được là: có kế hoạch học tập, vui chơi và nghỉ ngơi hợp lí; học từ đầu, bởi nước đến chân nhảy sẽ không kịp nữa; bổ sung kịp thời những lỗ hổng kiến thức; làm nhiều bài tập để củng cố kiến thức và rèn kĩ năng, tốc độ làm bài; xem số báo danh, phòng thi và thời gian, đảm bảo đến thi đúng thời gian quy định; đặc biệt cần chú ý giữ gìn sức khỏe…
THI THẬT - HỌC THẬT có ý nghĩa vô cùng cùng quan trọng trong giáo dục nói chung và trong Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành nói riêng. Hoàn thành mục tiêu này đòi hỏi nỗ lực hết mình từ phụ huynh học sinh, giáo viên và nhất là học sinh. Với sự nỗ lực từ nhiều phía, mục tiêu này đã và đang trở thành hiện thực.