Hà Nội đang trong khoảng thời gian đẹp nhất của một năm với sắc vàng ngọt ngào của nắng cùng hương hoa sữa nồng nàn. Tiết trời se lạnh trong từng làn gió heo may của những ngày cuối thu đã đưa kí ức lịch sử của ngày 10/10/1954 ùa về trong tâm trí mỗi người con Thủ đô. Nhớ Hà Nội thân yêu trong ngày khải hoàn ấy: rực rỡ cờ hoa, hân hoan đón những chiến sĩ giải phóng quân từ các cửa ô tiến v tiếp quản Thành phố...

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève được kí kết, thực dân Pháp phải chấp nhận rút hết quân ra khỏi Hà Nội trong 80 ngày. Bắt đầu từ sáng ngày 8/10/1954, Sư đoàn Quân tiên phong nhận nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô, tiến vào ngoại thành Hà Nội. Trên khắp các nẻo đường tiến về thành phố, cờ hoa rợp trời, cổng chào và khẩu hiệu xuất hiện như lời chào mừng rộn rã các anh bộ đội và chính quyền cách mạng trở về. Địch rút đến đâu, ta tiếp quản đến đó. Đến 16 giờ ngày 9/10/1954, khi tốp lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội qua cầu Long Biên, Thủ đô chính thức sạch bóng quân thù. 


Những lính Pháp cuối cùng qua cầu Long Biên rút khỏi Hà Nội

Đúng 5 giờ sáng ngày 10/10 của 67 năm về trước, cả Hà Nội như bừng tỉnh sau những đêm trường chiến đấu chống lại kẻ thù. Không khí hào hùng, rộn rã ngập tràn khắp phố phường, hiện rõ trong từng ánh mắt hạnh phúc của hàng vạn người dân Thủ đô ca khúc khải hoàn. Từ những ông cụ tóc bạc đến các bé thiếu nhi, từ những học sinh đến các công nhân nhà máy, ai nấy đều mặc quần áo chỉnh tề, mang theo cờ hoa và ảnh Bác đứng thành hàng ngũ trên các khu phố, công sở, trường học... nghênh đón đoàn bộ đội giải phóng.

Hồi 8 giờ sáng hôm đó, đoàn xe của thiếu tướng Vương Thừa Vũ cùng bác sĩ Trần Duy Hưng dẫn đầu đi qua các phố Hàng Đường, Hàng Đào vào trung tâm thành phố. Theo sau đó, hàng hàng lớp lớp bộ đội ta tiến vào đầy khí thế từ các cửa ô, tỏa ra khắp các con đường, lối phố của Hà Nội với nhiệm vụ cao cả là tiếp quản Thủ đô. Hình ảnh lịch sử ấy đã đi vào những lời ca hùng tráng của cố nhạc sĩ Văn Cao:

"Trùng trùng quân đi như sóng

Lớp lớp đoàn quân tiến về"

(Tiến về Hà Nội)


Bộ đội ta tiến vào tiếp quản Thủ đô trong sự hân hoan của người dân

Nhân dân Hà Nội chào đón các anh trở về sau những tháng ngày mưa bom bão đạn bằng tất cả niềm vui sướng rạo rực, bằng "nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường". Chiều hôm ấy, tiếng còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài. Hàng chục vạn quân và dân Thành phố trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô. Dẫu vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc không thể ở bên chung vui cùng người dân Hà Nội trong ngày giải phóng, song những lời nhắn gửi của Người đã tiếp thêm động lực to lớn để chính quyền và nhân dân cùng nhau cố gắng xây dựng Hà Nội: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm, nhất trí góp sức với Chính phủ thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui, phồn thịnh”.

Giờ đây, Hà Nội đang trải qua tháng 10 trong một hoàn cảnh đặc biệt của những ngày giãn cách khi phải chiến đấu với dịch bệnh Covid-19. Song, nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước luôn tin chắc rằng khi Hà Nội và cả nước chiến thắng đại dịch, Thủ đô ta sẽ lại ca khúc khải hoàn, hân hoan trong niềm vui chiến thắng như không khí của mùa thu vàng năm xưa. Chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng để xây dựng Thủ đô ngày càng toàn diện và bền vững, xứng đáng với tầm vóc "Thủ đô Anh hùng" - trái tim của cả nước.

Bài viết: Nguyễn Thị Thu Hương (CLB Lịch sử)

Ảnh: Sưu tầm