Hàng năm, mỗi khi gần đến Trung thu, lồng đèn lại nhuộm màu rực rỡ các con phố, từng nhịp trống đánh vang lên khắp mọi nơi, nhà nhà náo nức tiếng hò reo,... Nhưng năm nay, thật đáng tiếc làm sao, dịch COVID đã khiến mọi hoạt động bị dừng lại và Tết Trung thu cũng vậy.

Tết Trung thu là một dịp vô cùng đặc biệt, có ý nghĩa sâu sắc không chỉ với Việt Nam chúng ta mà còn với một số quốc gia trên thế giới. Trung thu diễn ra vào Rằm tháng Tám âm lịch, đây được xem là ngày lành, tháng tốt để tiên đoán mùa màng và cũng là dịp Tết vui chơi của trẻ nhỏ.

Vào ngày này, trăng sẽ tròn nhất và theo quan niệm của người xưa, trăng tròn là biểu tượng của sự sum họp. Mọi năm, ta được cùng bạn bè đi rước đèn, phá cỗ, xem múa lân và ngắm trăng. Năm nay tuy không thể đón Tết Trung thu cùng bạn bè hay đi vui Trung thu trên những phố phường nhưng ngược lại, ta đón tết Trung thu trong vòng tay ấm áp, thân thương của bố mẹ, người thân và tại chính ngôi nhà yêu dấu của mình. Mọi năm, có rất nhiều những người con xa quê vì công việc không thể về đón một cái Tết Trung thu sum họp bên gia đình nhưng năm nay, khi tất cả mọi người đều ở trong nhà để tránh dịch thì việc đón một cái Tết Trung thu đông đủ thành viên nhất là một điều không còn khó khăn.


Mọi người trong nhà quây quần với nhau đón tết Trung thu

Lâu nay, bánh trung thu đã được coi là biểu tượng của ngày tết Trung thu. Không chỉ có hương vị thơm ngon đặc biệt, bánh trung thu còn chứa đựng rất nhiều ý nghĩa sâu sắc. Hình ảnh chiếc bánh trung thu tượng trưng cho sự sum vầy, gắn kết của các thành viên trong gia đình. Đúng với ý nghĩa đoàn tụ, yêu thương ấy, năm nay, do tình hình dịch Covid, mọi nhà cùng nhau tự làm bánh trung thu, chiếc đèn ông sao năm cánh - biểu tượng của ánh sáng chân thành, soi sáng tâm hồn trẻ thơ, giúp mỗi trẻ em đều lớn lên khỏe mạnh; hay chiếc lồng đèn Trung thu truyền thống với các hình dáng đa dạng như đèn cá chép, đèn ông sao, đèn kéo quân,... Mọi năm bận bịu với công việc, không có thời gian thì giờ đây, việc giãn cách xã hội đã đưa mọi người trong gia đình xích lại gần nhau hơn. Tất cả sẽ trở thành món quà chất chứa bao hoài niệm tuổi thơ, kí ức tươi đẹp của mỗi người.


Đèn ông sao gắn liền với tuổi thơ của biết bao người dân Việt Nam

Chiếc lồng đèn quen thuộc mỗi dịp Trung thu


Những chiếc mặt nạ giấy bồi - cái hồn của Tết trung thu truyền thống

“Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu… Tùng rinh rinh, tùng tùng tùng rinh rinh! Đây ánh sao vui chiếu xa sáng ngời.” Những câu hát này biết bao lâu nay đã trở nên quen thuộc và gần gũi, trở thành câu hát "cửa miệng" với không chỉ trẻ em mà còn cả người lớn mỗi dịp Trung thu. “Chiếc đèn ông sao” - bài hát ấy luôn vang lên trong các bữa tiệc trông Trăng của nhiều thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam khi vui đón Trung Thu và cũng là một phần không thể thiếu trong ngày đặc biệt của thời gian giãn cách đặc biệt này.


Thời gian trôi đi, ai rồi cũng lớn lên, nhưng Tết Trung thu năm nào cũng có, gợi nhớ về biết bao kỉ niệm và hồi ức đẹp đẽ của thời thơ ấu hồn nhiên, tinh nghịch, gắn bó với thiên nhiên và bè bạn. Trung thu nay dẫu có không được náo nhiệt, đông vui như mọi năm nhưng chắc chắn vẫn sẽ phảng phất đâu đó không khí của một Tết Trung thu đủ đầy. Chắc chắn, những câu hát và kỉ niệm về Tết Trung thu sẽ mãi ngân vang trong tim mỗi người dân Việt Nam “Tết Trung thu em rước đèn đi chơi/ Em rước đèn đi khắp phố phường…”.

Bài viết: Đặng Minh Thu (8A2)

Ảnh: Sưu tầm