Nhân kỉ niệm 67 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, vào ngày 17/12/2011 trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đã tổ chức đi thăm và tặng quà cho các thương bệnh binh ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Lạng Giang, tỉnh  Bắc Giang.

Trong cái rét se lạnh của buổi trưa cuối năm, hoàn tất cuộc thi học kì I nhiều bạn học sinh và thầy cô giáo chỉ kịp ăn tạm bánh mì là lên đường tới Trung tâm Điều dưỡng thương binh Lạng Giang- Bắc Giang. Thành viên của đoàn bao gồm: cô giáo Nguyễn Thị Thu Anh – phó hiệu trưởng, các giáo viên, cán bộ công nhân viên của nhà trường; các em học sinh đại diện cho tất cả các khối lớp. Dù đã chuẩn bị khá chu đáo (chương trình quyên góp ủng hộ thương bệnh binh được triển khai khắp toàn trường vào tháng 12), song đến giây phút khởi  hành, đoàn chúng tôi vẫn bâng khuâng, nôn nao khó tả. Bởi, tất cả chúng tôi đều hiểu rằng, đây không chỉ là chuyến đi để thực hiện nghĩa cử của xã hội đối với những người có công với đất nước, mà đây thực sự là hành trình kết nối các thế hệ, kết nối bước chân của chúng tôi và cuộc hành quân của lớp cha anh đi trước.

Vượt qua chặng đường dài Hà Nội- Bắc Giang, khi xuống xe ô tô, không một ai có biểu hiện mệt mỏi, mà trái lại, rất háo hức, nóng lòng vào thăm trại điều dưỡng. Bác Nguyễn Văn Tuất – giám đốc Trung tâm đã nhiệt tình ra đón chúng tôi từ ngoài cổng và đưa đoàn vào hội trường lớn. Tại đây, chúng tôi đã được gặp gỡ, nói chuyện với rất nhiều các cô, các chú, các bác thương bệnh binh. Hình ảnh của những con người dũng cảm, oanh liệt một thời đang hiển hiện trước mắt chúng tôi. Không phải trên phim ảnh hay trong sách báo, mà là những con người bằng da bằng thịt. Trong số ấy, có bác bị mất một tay, có chú phải ngồi trên xe lăn, có cô in hằn nhiều vết sẹo trên mặt… Tất cả là dấu tích của bom đạn chiến tranh, là cái giá của tự do và hòa bình mà chúng tôi đang được hưởng. Tất cả những điều đó khiến chúng tôi không khỏi rưng rưng xúc động.

Buổi lễ giao lưu, thăm hỏi được tiến hành trọng thể trong không khí thân mật và ấm cúng. Đại diện cho nhà trường, cô Thu Anh đã trao tặng trung tâm điều dưỡng 15 triệu đồng cùng những lời tri ân sâu sắc. Đoàn giáo viên- học sinh nhà trường còn gửi tới các thương bệnh binh tại trại điều dưỡng nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, để góp phần đem lại niềm vui và làm ấm lòng những người thương bệnh binh khi ở xa nhà.

 

Giai điệu “Thời hoa đỏ” đầy thiết tha, lắng sâu do thấy Quốc Toản trình bày đã đánh thức cảm xúc, đã làm sống dậy trong lòng người nghe hình ảnh về một thế hệ người lính oanh liệt, hào hùng mà cũng chịu đựng không ít mất mát, hi sinh.

Điệu múa nhịp nhàng, uyển chuyển trên nền nhạc “Quê tôi” của các em học sinh lớp 8A2 đã mang đến cảm giác thanh bình, yên ả ở làng quê Việt Nam. Đặc biệt, tiết mục song ca đầy ngẫu hứng “Tình yêu bên dòng sông quan họ” của thày giáo Đình Vũ và cô giáo Hồng Anh đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của những khán giả đất Bắc Giang, những người con vùng Kinh Bắc. Để đáp lại tấm lòng của thầy và trò chúng tôi, các thương bệnh binh nơi đây cũng rất hào hứng bước lên sân khấu, thể hiện lời ca tiếng hát tràn đầy khí thế cách mạng và tinh thần lạc quan, yêu đời.

Buổi biểu diễn văn nghệ kết thúc bằng bài hát tập thể “Hát mãi khúc quân hành” của tất cả các thày cô giáo và các cô bác của trung tâm Lạng Giang.

Tiếp sau buổi lễ, chúng tôi đến từng phòng để thăm hỏi, động viên các thương – bệnh binh nơi đây. Trực tiếp lắng nghe những câu chuyện của họ, tất cả các thành viên đều không khỏi bồi hồi, xúc động. Dù hàng ngày phải chịu đựng những nỗi đau của cơ thể do di chứng chiến tranh để lại, dù hiện tại phải sống cô đơn, xa gia đình, xa người thân; nhưng những con người ấy vẫn luôn lạc quan, yêu đời, đầy ý thức trách nhiệm với đất nước. Họ là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực kiên cường; về lý tưởng sống cao đẹp cả trong thời chiến lẫn khi hòa bình.

          Chia tay Trung tâm Điều dưỡng thương binh Lạng Giang chúng tôi ra về trong nỗi niềm lưu luyến, bịn rịn khôn nguôi. Chúng tôi nhớ cụ Nguyễn Văn Bê 80 tuổi là thương bệnh binh chống Pháp, bị thương ở sọ não và phổi; nhớ bà Tống Thị Liên 65 tuổi, quê ở Hà Tĩnh bị đau đầu liên miên vì di chứng chiến tranh; và ám ảnh hình ảnh cụ Nguyễn Đình Huấn bị thương ở phổi phải thở bằng bình oxi 24/24... và rất nhiều thương, bệnh binh với các hoàn cảnh khác nhau nữa.

Chúng tôi nhớ lời gửi gắm đầy tâm huyết của người cựu chiến binh mà mái tóc ngả màu bạc trắng: “Nghĩa cử của các giáo viên, học sinh trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành có ý nghĩa nhân văn rất lớn, làm ấm lòng những người lính chúng tôi... Chúc các thầy trò trang bị đầy đủ những kiến thức để làm tốt những gì mà chúng tôi còn đang bỏ ngỏ trong công cuộc kiến quốc...”.

Tất cả mọi người trên xe ô tô đều nhiệt liệt ủng hộ khi bạn Phan Ngọc Luyên – Uỷ viên BCH Đoàn trường đề nghị năm sau cần mở rộng quy mô quyên góp ủng hộ để có thể giúp đỡ các cô bác thương binh nhiều hơn, để kết nối tốt hơn những tấm lòng, những thế hệ.

 Tác giả: cô giáo Lê Thị Phương Thảo và học sinh Nguyễn Hiền Phương lớp 11A4