Sáng thứ bảy (7/1/2022), Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã tổ chức hoạt động ngoại khóa môn Ngữ văn dành cho học sinh khối 11 với chủ đề Hiện thực đen trắng qua lăng kính màu. Chương trình là cách tiếp cận gần gũi và độc đáo với các tác phẩm truyện Việt Nam hiện đại giai đoạn 1930-1945, qua đó, học sinh đã được trải nghiệm nhiều hoạt động bổ ích và đầy ý nghĩa.

Thực hiện dự án học tập, học sinh hai tuần để tìm hiểu và nghiên cứu các tác phẩm truyện Việt Nam hiện đại giai đoạn 1930-1945, từ đó, thiết kế những bìa sách độc đáo xây dựng không gian trưng bày sản phẩm học tập sáng tạo. 


Không gian trưng bày sản phẩm được các lớp chuẩn bị kì công 



Góc trưng bày sáng tạo, độc đáo


Khung cảnh làng quê Việt Nam trước năm 1945 được tái hiện chân thực trong chính không gian lớp học


Học sinh giới thiệu về các tác phẩm truyện hiện đại giai đoạn 1930-1945 sau khi tìm hiểu, nghiên cứu

Không gian lớp học gây ấn tượng mạnh mẽ với các bìa sách của các truyện Việt Nam hiện đại giai đoạn 1930-1945 do chính học sinh khối 11 thiết kế, với nhiều sự đổi mới về hình thức nhưng vẫn giữ nguyên giá trị mà tác phẩm để lại. Để sáng tạo nên những bìa sách với hình ảnh, đường nét màu sắc độc đáo, học sinh không chỉ đọc mà cần hiểu giá trị nội dung, thông điệp tác giả truyền tải qua tác phẩm.



Học sinh các lớp tự tin giới thiệu về ý tưởng thiết kế bìa sách

Bên cạnh đó, để giúp học sinh củng cố kiến thức về các tác giả và tác phẩm truyện Việt Nam hiện đại giai đoạn 1930-1945, cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympiađược tổ chức với bốn vòng chơi đầy cam go và thử thách. Không khí diễn ra cuộc đua vô cùng sôi động, các khán giả hò reo, cổ vũ hết sức cho đội chơi của mình. Cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” không chỉ giúp học sinh thể hiện những hiểu biết về các tác phẩm truyện Việt Nam hiện đại giai đoạn 1930-1945, mà còn rèn luyện tinh thần làm việc nhóm, khả năng giải quyết vấn đề trong từng câu trả lời.




Học sinh tập trung, hăng hái tham gia trò chơi


Không khí càng trở nên kịch tính hơn sau mỗi vòng đấu


Đội chơi giành chiến thắng một cách xứng đáng và thuyết phục

Sáng tác những tác phẩm kinh điển để lại cho hậu thế, các nhà văn đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức của hoàn cảnh lịch sử và cuộc sống cá nhân. Talkshow văn học là nơi hội tụ những nhà văn hiện thực, lãng mạn của giai đoạn 1930-1945: Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao. Các học sinh đóng vai làm các tác giả để chia sẻ về cuộc đời, sự nghiệp của bản thân và cảm hứng sáng tác văn chương.


“Các nhà văn lớn” đầu thế kỉ XX chia sẻ về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của mình với các khán giả


Khán giả sôi nổi đặt câu hỏi cho các nhà văn

Lắng nghe những chia sẻ từ các “nhà văn”, học sinh lớp 11 đã phần nào thấu hiểu, đồng cảm với những khó khăn, thử thách mà tác giả phải đối mặt trong hoàn cảnh thực dân Pháp xâm lược nước ta, tạo ra nhiều chính sách áp bức nhân dân. Không những vậy, học sinh cũng thêm trân trọng quan điểm sống, quan điểm làm nghề cao đẹp của bốn nhà văn lớn được gửi gắm qua các tác phẩm, từ đócách nhìn nhận cuộc sống một cách đúng đắn, tích cực.

Với chủ đề “Hiện thực đen trắng qua lăng kính màu”, học sinh khối 11 đã tiếp thu những tinh hoa văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX thêm trân trọng giá trị của các tác phẩm, sự đóng góp của các nhà văn trong giai đoạn này. Hoạt động ngoại khóa còn phát triển năng lực tiếp nhận và tạo lập văn bản, năng lực sáng tạo của học sinh qua hoạt động sáng tạo và đồng sáng tạo, tích hợp truyện Việt Nam hiện đại với các thể loại văn học và loại hình nghệ thuật khác, kết nối với cuộc sống hiện đại và trải nghiệm thực tiễn của học sinh. Sau hoạt động ngoại khóa thú vị, bổ ích, chắc chắn học sinh của mái trường mang tên Bác sẽ thêm tự hào và có ý thức giữ gìn, tôn vinh những giá trị văn học và nghệ thuật của dân tộc trong bối cảnh hội nhấp quốc tế.

Bài viết: Lê Minh Đăng (11D3)

Ảnh: Đặng Yến Linh (11N1) - Phùng Nhật Minh (11N1) - Đường Lê Tuệ Minh (11N1)