Thứ Bảy, ngày 25 tháng 2 năm 2023 vừa qua, học sinh Khối 6 trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã tham gia hoạt động học trải nghiệm tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Với chủ đề “Những cuộc khởi nghĩa tiêu biểu giành độc lập, tự chủ trong 10 thế kỷ đầu Công nguyên”, học sinh đã được tìm hiểu về các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam để từ đó càng thêm tự hào về những trang sử vẻ vang, hào hùng của đất nước.

Thực hiện Kế hoạch giáo dục nhà trường năm học 2022 – 2023, tổ chuyên môn Lịch sử đã lập kế hoạch và phối hợp với giáo viên chủ nhiệm để tổ chức hoạt động học trải nghiệm cho học sinh Khối 6 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Tại đây, học sinh được thăm quan phòng trưng bày hiện vật theo tiến trình lịch sử Việt Nam từ thời tiền sử đến năm 938 (bao gồm các giai đoạn “tiền sử, “dựng nước, và 10 thế kỷ đầu Công nguyên). Đặc biệt, học sinh được tìm hiểu chi tiết về các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu của nhân dân Việt Nam trong 10 thế kỷ đầu Công nguyên như: khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, … và trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938 do Ngô Quyền lãnh đạo. Qua giọng kể đầy cảm xúc của hướng dẫn viên, học sinh Khối 6 trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã cảm nhận được không khí hào hùng, tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân Việt Nam. Thông qua hoạt động này, mỗi bạn học sinh Khối 6 không chỉ nắm được diễn biến chính mà còn giải thích được nguyên nhân bùng nổ và trình bày được kết quả, ý nghĩa các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu của nhân dân Việt Nam trong thời kì Bắc thuộc.



Qua lời kể về những cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm của hướng dẫn viên tại Bảo tàng, học sinh có thể hoàn thành nhiệm vụ học tập trong phiếu một cách dễ dàng

Nhằm khơi dậy không khí hào hùng, sôi nổi của trận chiến vẻ vang trên sông Bạch Đằng, học sinh được tham gia một hoạt động thú vị mang tên: “Vượt bãi cọc làm nên chiến thắng”. Ở hoạt động này, học sinh được trải nghiệm đóng cọc gỗ xuống cát, dùng thuyền (mô phỏng) vượt qua những hàng cọc, từ đó, thu thập các mảnh ghép của một bức tranh về trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938. Sau khi hoàn thành, mỗi đội cử ra một bạn hùng biện về ý nghĩa của trận chiến. Với thử thách này, các bạn học sinh không chỉ bộc lộ sự khéo léo, tinh thần hợp tác mà còn thể hiện hiểu biết về lịch sử nước nhà và khả năng thuyết trình.


Những mảnh ghép được học sinh ghép lại thành một bức tranh gắn liền với trận chiến trên sông Bạch Đằng chống quân Nam Hán do Ngô Quyền chỉ huy năm 938


Mỗi người chơi di chuyển bằng một chiếc thuyền (mô phỏng), vượt qua các cọc gỗ để thu thập các mảnh ghép của bức tranh hoàn chỉnh


Sau khi hoàn thành việc ghép tranh, mỗi đội cử ra một học sinh hùng biện về ý nghĩa của trận chiến


Học sinh lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu về các công cụ mà người nguyên thủy tự chế tác




Bộ sưu tập đồ cổ đã gây ấn tượng mạnh và thu hút sự quan tâm của học sinh trường Nguyễn Tất Thành. Các em tập trung ghi chép thông tin và lưu lại những bức ảnh để làm tư liệu cho việc hoàn thành sản phẩm học tập của chủ đề



Thông qua việc nghiên cứu thông tin từ  mẫu vật được trưng bày trong bảo tàng, học sinh được mở rộng hiểu biết về các giai đoạn lịch sử khác nhau




Học sinh được tham gia các trò chơi dân gian ngay tại khuôn viên Bảo tàng

Trong bài thơ “Lịch sử nước ta”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắn nhủ rằng: “Dân ta phải biết sử ta,/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Qua giờ học trải nghiệm này, mỗi học sinh lại thêm “tường gốc tích”, thêm yêu lịch sử hào hùng của đất nước Việt Nam. Niềm tự hào dân tộc ấy chính là động lực giúp các bạn học sinh cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để tiếp nối truyền thống anh hùng, viết tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc.

Bài viết: Phạm Huyền Trang (6A4)

Ảnh: Cô giáo Nguyễn Quỳnh Trang (Tổ Tiếng Anh) - Phạm Huyền Trang (6A4)