Hành trình nghiên cứu khoa học vốn được xem như một chặng đường dài đầy những khó khăn, thử thách bởi nó đòi hỏi ở mỗi người tính sáng tạo, sự bền bỉ, niềm đam mê và đặc biệt là vốn hiểu biết sâu rộng. Chính vì vậy, nhiều người hoài nghi, liệu công việc nghiên cứu ấy học sinh có thể thực hiện? Câu trả lời là hoàn toàn có. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, học sinh trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành hàng năm được tham gia cuộc thi Khoa học Kĩ thuật (KHKT) nhằm nâng cao khả năng tìm tòi, sáng tạo cũng như vận dụng linh hoạt kiến thức vào thực tiễn.
Chung kết cuộc thi KHKT năm nay được diễn ra vào ngày 1 tháng 12 tại phòng 107. Với ba lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, Kĩ thuật công nghệ và Khoa học xã hội và hành vi, 15 đề tài đã được các thầy cô ở tổ chuyên môn lựa chọn để tiến tới Chung kết. Có thể nói, đây là sân chơi vô cùng thú vị và bổ ích cho mỗi học sinh, giúp các em khám phá thế giới khoa học muôn màu, đồng thời được học hỏi, giao lưu với những bạn có cùng đam mê. Bên cạnh đó, vòng Chung kết cấp Trường còn nhằm mục đích chọn ra các đề tài xuất sắc để tham dự cuộc thi cấp Trường Đại học Sư phạm sắp tới.
Các nhóm học sinh lần lượt trình bày đề tài của mình trước các vị giám khảo
Hình thức dự thi năm nay không có sự thay đổi so với những lần tổ chức trước, đó là mỗi nhóm tham gia sẽ trình bày kết quả đề tài, dự án nghiên cứu của mình trên 1 poster như Ban tổ chức đã quy định. Thời gian dành cho phần thuyết trình tối đa là 7 phút, sau đó các nhóm sẽ trả lời những câu hỏi từ Ban giám khảo (BGK). Tiêu chí đánh giá đề tài KHKT dựa trên tính thực tiễn và khả thi của dự án, thí nghiệm linh hoạt cũng như các mô hình, thông số khảo sát. Bên cạnh đó, các tác phẩm sẽ được cho điểm thông qua sự sáng tạo và đổi mới hình thức, nội dung trình bày.
Sự tự tin được thể hiện trên khuôn mặt các em học sinh khối THCS
Bên cạnh đó, các tác phẩm của khối THPT cũng được các thầy, cô giáo đánh giá cao về tính sáng tạo cũng như vận dụng kiến thức vào đời sống.
Đề tài “Điều chế
nước ngọt từ nước biển - công nghệ chưng cất màng”
là một trong những dự án có
tính thực tiễn cao và đòi hỏi vốn hiểu biết phong phú
Ở lĩnh vực Khoa học
Tự nhiên, những đề tài nghiên cứu đã thể hiện khả năng tìm tòi
và không ngừng
khám phá của những “nhà phát minh trẻ”
Một hiện tượng tự
nhiên những tưởng giản đơn nhưng khi bắt đầu nghiên cứu
là muôn vàn câu hỏi hiển
hiện và thúc đẩy ta tìm lời giải đáp
Các nhóm say mê trình bày ý tưởng cũng như nội dung muốn truyền tải ở dự án của mình
Có thể nói, Chung kết cuộc thi KHKT cấp Trường đã diễn ra vô cùng sôi nổi và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các thầy giáo, cô giáo và học sinh trong toàn trường. Bạn Hoàng Lê Minh (10N1) với dự án “Năng lượng sạch và động cơ năng lượng mặt trời” chia sẻ: “Thực sự khoảng thời gian thực hiện đề tài này với mình rất thú vị. Đây cũng là lần đầu mình có cơ hội đươc tự tìm tòi kiến thức cũng như lên ý tưởng và hoàn thiện quá trình gọi là “nghiên cứu”. Mặc dù chúng mình gặp nhiều khó khăn từ những ngày đầu nhưng rất may mọi thứ vẫn diễn ra suôn sẻ. Mình đã được học hỏi và rút ra nhiều kinh nghiệm trong quá trình thực hiện đề tài”.
Cuộc thi đã tìm ra chủ nhân của các giải thưởng, bao gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 5 giải Ba và 7 giải Khuyến khích. Dưới đây là kết quả của cuộc thi:
STT |
Tên đề tài |
Mã số |
Họ và tên học sinh |
Lớp |
Giải |
1 |
Thiết bị phòng tránh và giảm cận thị ở trẻ em |
KC1 |
Nguyễn Xuân Hưng Phạm Thuỳ Châu |
8A2 |
NHẤT |
2 |
Nghiên cứu chế tạo hệ thống điều chế nước uống từ nước biển sử dụng công nghệ chưng cất màng |
KC4 |
Lê Minh Huyền Đặng Thị Minh Thu |
10N1 |
NHÌ |
3 |
Robot trợ giúp cho người khiếm thị |
KC6 |
Lê Anh Quang Nguyễn Thanh |
9A5 10A1 |
NHÌ |
4 |
Nghiên cứu tổng hợp và thử nghiệm khả năng ức chế tế bào ung thư của hệ MIL-53(Fe)-PEG@5-FU |
TN2 |
Nguyễn Quế Châu |
11A1 |
BA |
5 |
Nghiên cứu xử lí kim loại nặng bằng phế phẩm nông nghiệp |
TN3 |
Nguyễn Diệu Linh Phạm Quang Huy |
11N1 |
BA |
6 |
Hệ thống thủy điện mini sử dụng nước suối trong sinh hoạt của hộ gia đình ở miền núi Việt Nam |
KC3 |
Nguyễn Hoàng Minh Nguyễn Quang Duy |
8A6 |
BA |
7 |
So sánh ước mơ của học sinh đối với kì vọng của gia đình |
XH3 |
Trần Phương Thảo Hoàng Kim Bảo Ngọc |
10D3 |
BA |
8 |
Nghiên cứu thực trạng sử dụng google trong hoạt động học tập của học sinh THCS |
XH4 |
Lê Gia Linh Trần Nhật Minh |
8A6 |
BA |
9 |
Tìm hiểu sự sống trên sao hỏa |
TN5 |
Phạm Yến Nhi Phạm Tuấn Phong |
10D4 |
Khuyến khích |
10 |
Công nghệ phát triển công nghiệp nhà vườn: bom hạt giống |
KC2 |
Vũ Đình Nguyên Trần Đào Việt Hưng |
8A6 |
Khuyến khích |
11 |
Máy lọc nước cho vùng bị lũ lụt |
KC5 |
Nguyễn Minh Nghĩa Nguyễn Đức Mạnh |
10A1 |
Khuyến khích |
12 |
Thiết kế hệ thống Tăng cường hiệu suất cho cánh đồng pin năng lượng mặt trời trong công nghiệp |
KC8 |
Trần Văn Toàn Phạm Chí Vỹ |
10A2 |
Khuyến khích |
13 |
Điện não máy tính |
KC9 |
Đinh Thu Hà Hoàng Nguyễn Diệu Anh |
11D3 |
Khuyến khích |
14 |
Năng lượng sạch và động cơ năng lượng mặt trời |
KC12 |
Nguyễn Thị Anh Thư Hoàng Lê Minh |
10N1 |
Khuyến khích |
15 |
Teencode và sự giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt |
XH1 |
Nguyễn Minh Thành Nguyễn Phương Anh |
11D1 |
Khuyến khích |
Đề tài “Thiết kế
và chế tạo thiết bị hỗ trợ ngăn ngừa cận thị” của 2 học sinh lớp 8A2
đã tạo được
sức thuyết phục lớn cho BGK
Chúc mừng thành công của tất cả các đội thi!
Mong rằng các nhóm học sinh có đề tài được lựa chọn đi tiếp sau khi nhận được những góp ý của BGK sẽ tiếp tục chuẩn bị thật tốt cho cuộc thi KHKT cấp Trường Đại học Sư phạm sắp tới và trên hết, chúc tất cả các bạn tham dự cuộc thi KHKT sẽ luôn cháy mãi trong mình niềm đam mê khoa học, những khát vọng chinh phục tri thức. “Không gì là không thể” (Louis-Napoléon Bonaparte), hãy luôn nỗ lực và theo đuổi đam mê!
Bài viết: Nguyễn Thị Thu Hường (10D1)
Ảnh: Cô giáo Lê Thị Mai Oanh - Phạm Đức Thọ (11D2)