Từ những câu chuyện trong phòng tâm lí học đường

Là một cán bộ tâm lý trong trường học, tôi thường xuyên có cơ hội gặp gỡ trò chuyện với các bậc phụ huynh để cùng phối hợp giải quyết các vấn đề của học sinh trường Nguyễn Tất Thành. Một vấn đề nổi cộm trong những cuộc gặp gỡ đó là tình trạng các con mắc lỗi. Mới chỉ năm trước thôi, con còn là một học sinh rất có ý thức trong học tập, gia đình rất ít khi phải nhận tin nhắn thông báo về các lỗi của con từ giáo viên chủ nhiệm. Thế nhưng năm nay con thay đổi hoàn toàn, chểnh mảng trong việc học, thường xuyên không làm bài tập về nhà, không tập trung trong giờ học, hay mất trật tự trong lớp… Nghiêm trọng hơn, con còn ăn cắp đồ của bạn. Gia đình vô cùng lo lắng, mỗi bậc cha mẹ đều đã cố gắng nhưng quả thật là quá khó để cải thiện tình hình. Có những phụ huynh phải tạm thời nghỉ việc để ở nhà giám sát con... Đó là tâm sự nghẹn ngào và xót xa của một số người mẹ đã quá đau lòng và bế tắc về con mình.

Anh chị có đang phải đối mặt với tình trạng này không? Thử đặt mình trong hoàn cảnh của người mẹ này, anh chị có suy nghĩ gì, cảm thấy gì và sẽ hành động như thế nào?

Một trong những người mẹ đáng thương ấy đã tâm sự với tôi rằng mỗi lần giáo viên chủ nhiệm gọi điện hay nhắn tin thông báo lỗi của con thì cả nhà đều rất lo lắng và tức giận. Thời gian đầu bố cháu thường phạt cháu bằng cách viết “tội” của cháu vào tờ giấy A0 rồi dán trong phòng ngủ đồng thời cũng là phòng học của cháu, để lúc nào cháu cũng phải ý thức sửa lỗi, tránh tái phạm. Bố cháu cũng đã đi học những lớp kĩ năng mềm nên tự tin vào cách làm này, cho rằng con không phải nghe chửi mắng mà dần dần sẽ sửa được lỗi. Kết quả là chỉ sau hai ngày thôi, con lại liên tiếp mắc các lỗi khác như đánh bạn, chửi tục, trốn học, vào muộn, gan lì không lên bảng theo yêu cầu của các thầy cô… Nghĩa là tần suất và mức độ vi phạm của con còn trầm trọng hơn trước.

Hậu quả ấy là do lỗi của người bố hay người con?

Theo chúng tôi, trước khi la mắng hay phạt con cha mẹ cần trả lời câu hỏi “Con có biết việc làm của mình là sai trái không?”. Thực ra, tuy con bị nhắc nhở rất nhiều, nhưng chính con là người đầu tiên và trực tiếp đối diện với lỗi mà mình gây ra, không cần cha mẹ nhắc lại thì con đã biết những hành vi của mình là sai trái rồi. Nếu cha mẹ nhắc lại về “tội” của con thì sẽ làm cho đứa trẻ cảm thấy mặc cảm. Nhưng có rất nhiều cha mẹ lại lo lắng nếu không nhắc lại thậm chí không phạt con thì nó sẽ hư hỏng. Vậy là, khi nhìn thấy đứa con xuất hiện trước mặt mình thì điều đầu tiên xảy ra trong suy nghĩ của cha mẹ là con mình đang mắc lỗi, nó làm mình xấu hổ với cô giáo, nó làm mất thời gian của cha mẹ, nó không biết thương cha mẹ… Suy nghĩ này dẫn đến những cảm xúc tiêu cực như bực mình, tức giận, buồn, thất vọng… Và chuỗi cảm xúc này chính là con đường gần nhất để dẫn đến những chuỗi hành vi mắng con, đánh con, trừng phạt… Tôi tạm gọi đó là hiệu ứng “con chó đốm”- trên cả thân hình màu đen tuyền của của con chó chỉ có một đốm trắng nhưng thường khi nhìn nó người ta sẽ nhìn đốm trắng trước khi nhìn toàn bộ màu đen và chỉ tập trung vào đốm trắng ấy.

Cội nguồn của hành vi đánh mắng, trừng phạt con là gì? Nếu không yêu thương con thì cha mẹ có cần phải bực tức đến thế? Nếu không lo lắng cho con thì cha mẹ có cần trừng phạt con như vậy?

Cha ông ta có câu “cá chuối đắm đuối vì con”, cha mẹ nào không thương không xót con mình. Vậy những cảm xúc buồn, tức giận chỉ là những cảm xúc thuộc về phần ngọn còn cảm xúc gốc rễ phải là sự yêu thương và lo lắng cho con. Có lẽ nào yêu thương con, lo lắng cho con lại phải trừng phạt chúng?

Chúng tôi cho rằng “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” cũng là một quan niệm giáo dục, một cách giáo dục nhưng đó là cách yêu thương để lại vết thương trong lòng con trẻ. Tại sao chúng ta lại không chọn cách yêu thương để lại cảm xúc ngọt ngào cho con? Con của bạn cần: được yêu thương, được hiểu, được tôn trọng, được có giá trị và được an toàn. Sẽ có phụ huynh đặt câu hỏi rằng con có đáng được nhận những cảm xúc ngọt ngào của yêu thương không khi con đang mắc lỗi? Xin trả lời ngay rằng, khi chúng ta mang đến cho con những cảm xúc ấy sẽ là cách tác động đến con tích cực và hiệu quả nhất, để con muốn khắc phục, sửa chữa. Ngược lại, khi cách hành xử của cha mẹ làm cho con bị tổn thương, con sẽ muốn phản ứng theo cách của mình, và mất dần đi sự tin yêu với cha mẹ.

Vậy chúng ta phải làm gì khi con mắc lỗi?

1. Cha mẹ cần làm chủ cảm xúc khi nhận thông tin về lỗi của con. Làm được điều này sẽ giúp cho chuỗi suy nghĩ – cảm xúc – hành vi của cha mẹ được thông thoáng.

2. Khi con bạn mắc lỗi, chắc chắc con phải là người hiểu rõ nhất về lỗi của mình và có nguyên nhân của nó ( cả nguyên nhân chính đáng và nguyên nhân bao biện). Cha mẹ cần lắng nghe con một cách vô điều kiện để con trẻ nhận thấy cha mẹ là người bạn an toàn. Cần lắng nghe con một cách thực sự nghiêm túc và thiện chí vì trẻ con vô cùng nhạy cảm, nếu chúng ta lắng nghe với dụng ý « moi móc » thì sẽ làm con bạn đề phòng và không cởi mở, chia sẻ.

3. Khi lắng nghe toàn tâm toàn ý, cha mẹ cần phải xâu chuỗi các thông tin để hiểu vấn đề một cách chính xác. Và để tránh sự hiểu lầm thì cần diễn giải lại để cha mẹ và con cái thông hiểu ý nhau. Trong quá trình diễn giải lại sự kiện cha mẹ cần chú ý diễn giải cả cảm xúc của con.

4. Cha mẹ thể hiện suy nghĩ – cảm xúc của mình với con một cách thẳng thắn.

5. Cha mẹ đưa ra vài hình thức trừng phạt và thảo luận cùng con về chúng (tránh áp đặt con phải nghe theo các hình thức mà cha mẹ đã đặt ra bởi hình phạt chỉ là hình thức để con nhận thấy đó không phải là hành vi được hoan nghênh). Chúng tôi gọi đây là cách kỉ luật tích cực -  kỉ luật không nước mắt.

Làm được những điều trên tôi tin rằng các bậc cha mẹ sẽ nhận được tín hiệu thay đổi tích cực, và nhất là sự tin yêu từ con mình!

Để hiểu hơn về những kĩ thuật này và thực hành nó một cách thuần thục, các bậc phụ huynh xin vui lòng liên hệ tới phòng Tâm lý học đường trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành qua kênh :

-                      Trực tiếp : phòng 112 Trường Nguyễn Tất Thành

-                      Điện thoại : (04)66.849.823

-                      Email: phuonglinh8385@gmail.com

-                      Thời gian : Gặp trực tiếp và điện thoại vào giờ hành chính tất cả các ngày trong tuần

Trần Thị Mạnh Linh - cán bộ tâm lý phòng Tâm lý học đường