Tồn tại từ thuở xa xưa, âm nhạc luôn song hành cùng con người trên mọi hành trình, mọi khoảnh khắc dù thăng hoa hay đầy gian truân. Chính vì thế, hạt giống thanh âm luôn được ấp ủ trong trái tim của mỗi người, chờ đợi một khoảnh khắc mà bén rễ, lấy tiếng lòng được cất giấu hoá thành lời ca. Khúc hát chạm đến trái tim, chạm đến cả những tâm hồn thật sự đồng điệu.

Trong tháng sáu, tháng của trẻ thơ, bộ phim Doraemon chính thức được khởi chiếu. Thế nhưng, bài viết này không đánh giá, chấm điểm hay giới thiệu về bộ phim bởi lẽ tôi không phải nhà bình luận đại tài và ý kiến cá nhân tôi cũng chỉ là góc nhìn phiến diện. Vậy hà cớ gì bạn không tự mình thưởng thức, tự mình cảm nhận? Tôi tin khi làm xong điều ấy, khoảng thời gian bạn đọc bài viết này sẽ có đôi phần lắng đọng hơn.

Thế ta không đề cập đến nội dung, đánh giá chất lượng của nó thì bài viết này nói về điều gì? Nó nói về cái riêng trong cái chung, cái rộng lớn nhất và cũng đặc biệt nhất của một bộ phim, chủ đề. Đến với Doraemon: Nobita và bản giao hưởng địa cầu”, lấy âm nhạc làm nguồn tư liệu gốc để khai thác, bộ phim đã chạm đến trái tim của nhiều người xem.


Poster bộ phim Doraemon: Nobita và bản giao hưởng địa cầu”

Mang đến chủ đề quen thuộc là âm nhạc nhưng nhà sản xuất lại đặt chất liệu có phần đã cũ này vào tình huống mà tôi cho là hoàn toàn mới. Ngay từ mở đầu phim, sự hỗn loạn của một thế giới không tồn tại âm nhạc đã gây bất ngờ cho người xem. Bất ngờ bởi tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của thứ ta vốn cho quá đỗi quen thuộc trong đời sống thường ngày lại to lớn đến như vậy. Thiếu vắng thanh âm, chim không thể hót, lá rơi không tiếng động, dòng sông chẳng còn biết nói, lời hát ru chẳng còn tồn tại ở tuổi thơ và những bản nhạc để đời của nhân loại đã thật sự chết. Có thể nói, thế giới lần đầu đối diện với sự hủy diệt chỉ vì sự biến mất của âm nhạc.

Âm nhạc, thứ vô hình được định nghĩa “là một bộ môn nghệ thuật dùng âm thanh để diễn đạt cảm xúc của người hát hoặc người nghe. Là âm thanh thanh nhạc hoặc công cụ âm thanh (hoặc cả hai) kết hợp theo cách như vậy để tạo ra vẻ đẹp của hình thức, sự hài hòa và biểu hiện cảm xúc.” (Theo Wikipedia). Và thứ tưởng chừng giản đơn ấy lại tồn tại song hành cùng con người từ thời hồng hoang cho đến hiện tại. Nếu như trong phim Doraemon, người nguyên thuỷ “học lỏm” cấu tạo cây sáo mà người từ hành tinh Musica mang đến thì trên thực tế, trái tim đã con người rung lên nhịp đập thổn thức bởi thanh âm từ thiên nhiên và từ nhịp rung đó, âm nhạc đã chính thức hòa vào trong máu thịt của toàn nhân loại.


Những nhạc cụ truyền thống và hiện đại của thế giới và Việt Nam

Từ thuở sơ khai, con người đã không coi âm nhạc là công cụ giải trí mà biến nó trở thành phương tiện để bày tỏ, truyền đạt tâm tình. Ở thời xa xưa, nhân loại dùng âm nhạc để cúng bái, lễ nghi với nhạc cụ làm từ xương động vật, thời các nền văn minh phát triển, âm nhạc lại trở thành một nét văn hoá, nét đặc trưng riêng biệt của mỗi vùng miền thì ở thời hiện đại âm nhạc biến thành một di sản vô hình, thành sân chơi, thành sợi dây chỉ đỏ kết nối những tâm hồn đồng điệu. Tuy đa dạng chức năng là thế nhưng chúng đều có điểm chung là xuất phát từ chính trái tim của loài người. Tiếng lòng hoá tiếng nhạc, hoà vào trong thanh âm vọng nơi thinh không, bất kể là ai, bất cứ tầng lớp nào, không phân biệt giàu nghèo, âm nhạc đều tồn tại, thậm chí cả nơi tối tăm nhất nó cũng cất lên, hoà thành một bản “giao hưởng địa cầu” đầy hứng khởi.

Muôn trùng cảnh vật trên thế gian đều tồn tại thanh âm độc nhất và trong mọi hoàn cảnh, con người cũng có thể hát vang thậm chí sáng tác âm nhạc. Từ chàng trai dân tộc lấy chiếc lá làm kèn ca cho người mình thương đến nhạc sĩ Beethoven vĩ đại dùng trái tim thay đôi tai thứ hai để viết nên bản “Sonata ánh trăng” gửi đến tình yêu không trọn vẹn của mình. Tất thảy thanh âm ấy đều xuất phát từ tiếng lòng. Tiếng yêu không kịp nói đành để gió hát thành ca, lời thương chưa đến đầu môi phải nhờ sông chuyển thành nhạc. Thanh âm vút bay giữa khoảng không xanh thẳm, là tiếng trái tim cất thành lời.


Âm nhạc là tiếng nói của con tim

Không phải việc sáng tác mới được coi là âm nhạc chân chính mà những khúc ca ngẫu hứng hay lời hát truyền từ bao đời cũng là thanh âm đáng rung động. Âm nhạc gắn với con người thuở tay bế tay bồng, nâng đỡ con bằng lời hát ru của mẹ với “Cánh cò bay lả bay la”, tiếp bước con bằng lời hát ca ngợi thiên nhiên giàu đẹp, trân trọng cuộc sống lao động hoà bình, phấn khởi. Không chỉ là những kí ức đẹp, âm nhạc còn chính là liều thuốc tinh thần thuần khiết nhất. Nó hóa thành nguồn dinh dưỡng tâm hồn của người lính trên chiến trường, để khúc hát mang đến hi vọng trong nền trời nhuộm đỏ màu máu. Lời ca cất lên khi hành quân, cất lên khi xả thân lao về phía quân thù, cất lên khi lá cờ tung bay phấp phới đầy tự do, cất lên khi trong tim ta chỉ đọng lại bóng hình Tổ quốc và rồi cất lên thành khúc hát tri ân dưới bầu trời ngày Độc lập. Như văn chương, âm nhạc là cuốn bách khoa toàn thư về cuộc đời và người nhạc sĩ là người nói lên tiếng lòng mình, tiếng lòng của thời đại.

Âm nhạc chưa bao giờ là chủ đề ít tư liệu khai thác bởi độ sâu, độ rộng của nó là vô cùng tận, trải dài xuyên suốt lịch sử nhân loại. Thế nhưng, thứ tưởng chừng cao sang ấy lại luôn tiềm ẩn trong trái tim của mỗi người, chỉ chờ một gợn sóng nhẹ là tuôn trào ra hết thảy những tâm tình còn bỏ ngỏ, giấu kín đầy vấn vương. Tựa chú chim sơn ca cất lên tiếng hót thánh thót nhất trước cuộc đời.

Bài viết: Đoàn Ngọc Yến Nhi (10D4)

Ảnh: Sưu tầm