Trong tác phẩm “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, Nguyễn Nhật Ánh đã viết: “Hai bàn tay của ta giống như những người bạn thân, luôn chia sẻ với ta mọi vui buồn trong cuộc sống...”. Vậy mới biết, hai bàn tay của chúng ta mới dễ thương làm sao! Bàn tay nào cũng đáng quý, đáng trân trọng, nhất là khi nó chăm chỉ, cần mẫn làm những công việc có ích, có giá trị cho bản thân, xã hội và cuộc đời.
Người ta thường nói: “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Đôi bàn tay là món quà quý giá, đặc ân mà tạo hóa ban tặng cho chúng ta - những con người may mắn. Tuy bàn tay thật nhỏ bé nhưng nó lại có sức ảnh hưởng lớn, có thể “làm nên tất cả”. Nhất là với những con người lao động, bàn tay chăm chỉ, cần mẫn, thậm chí phải làm những công việc nguy hiểm, giúp họ mưu sinh, trang trải cho cuộc sống.
Bàn tay người bám biển
Ngư dân là những người ngày đêm bám biển, đánh bắt, nuôi trồng và thu hoạch động vật thủy sinh ở sông, hồ, biển… phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người, phát triển kinh tế và còn là một lực lượng hùng mạnh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc. Đây là một công việc vô cùng nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều rủi ro không thể đoán trước. Có lẽ, điều quan trọng nhất của một người ngư dân đánh bắt cá chính là đôi bàn tay của họ. Bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết, cái lạnh cắt da, cắt thịt của mùa đông - mùa được ví như nỗi ám ảnh của những con người làng chài, họ vẫn không quản ngày đêm cùng với đôi tay trần giăng lưới mà bắt cá, rồi ngâm tay vào chậu nước lạnh để vớt hay phân loại cá. Chính vì vậy, những đôi bàn tay ấy ngày một bầm tím, xây xước hơn. Có những người ngư dân thậm chí đã phải hi sinh bàn tay của mình trong khi đánh cá chỉ vì tai nạn không mong muốn.
Trong cái lạnh thấu xương của mùa đông Hà Nội, họ vẫn phải ngâm đôi tay trần vào nước lạnh để bán cá
Đôi bàn tay người ươm mầm xanh
Với sứ mệnh lan tỏa mầm xanh đến mọi nơi, cùng bao nhiêu hi vọng và tình yêu thương của người làm nghề, những người trồng rau vẫn chăm chỉ không quản ngày đêm, mưa gió để trồng nên những ruộng rau xanh mướt. Những đôi bàn tay ấy tần tảo, chịu khó sớm hôm, tạo nên các loại rau củ quả ngon, an toàn, đáp ứng nhu cầu sử dụng của con người, tăng sản lượng và góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế. Vì công việc thường xuyên hái rau, nhặt cỏ, phải tiếp xúc nhiều với bùn đất lấm lem nên móng tay của người nông dân bị mòn dần và chai sần đi. Họ phải nhặt cỏ dại giúp cho cây mọc nhanh hơn. Tuy nhiên, với những cây cỏ “cứng đầu”, bám sâu dưới lòng đất, người nông dân lại phải dùng đến lưỡi liềm nhằm loại bỏ chúng, vì thế, những đôi bàn tay có thể sẽ bị xước xát và chảy máu.
Người nông dân nhặt cỏ, hái rau
Bàn tay trồng hoa
Hoa thường xuất hiện ở khắp mọi nơi. Chúng được mua vào các ngày lễ quan trọng, trưng bày trong các sự kiện lớn nhỏ, để trang trí… Đặc biệt là vào dịp Tết đến xuân về, mùa của các loài hoa đua nhau khoe sắc, tỏa hương thơm ngát khắp mọi miền Tổ quốc. Đây cũng là dịp mà những người trồng hoa bày bán những thành quả sau một năm ròng rã, tận tụy chăm bón cho những cây hoa của mình. Tuỳ thuộc vào các loại hoa, người nông dân lại phải thực hiện các công đoạn khác nhau, tính toán thời điểm ra hoa để chuẩn bị quá trình chăm sóc, dưỡng cây. Bàn tay khéo léo, linh hoạt vun xới đất, khẽ khàng nâng niu từng đoá hoa, mong chờ thành quả sẽ xứng đáng với công sức của mình. Phụ thuộc vào mỗi loại cây hoa khác nhau, người nông dân phải cắt tỉa, chăm bón, tưới nước và phun thuốc đúng quy trình. Có lẽ vì vậy mà những đôi bàn tay ấy ngày một chai sạn đi theo năm tháng.
Đôi bàn tay vun đất trồng hoa
Không chỉ bàn tay của những người ngư dân bám biển, người trồng rau hay người trồng hoa, đôi bàn tay nào cũng đều quý giá và có giá trị riêng của nó. Điều quan trọng nhất chính là nó được chúng ta sử dụng để làm việc tốt, có ý nghĩa với đời. Bàn tay nào cũng thật đẹp đẽ, trân quý khi nó làm việc có ích. Không có một bàn tay nào là xấu xí hay bẩn thỉu khi làm những công việc chính đáng. Bởi lẽ, chúng chính là món quà mà tạo hoá ban tặng, là thứ vô cùng đáng trân trọng và đáng quý.
Bài viết: Nguyễn Minh Trang (10D1)
Ảnh: Sưu tầm