Ông cha ta có câu “Yêu nhau yêu cả đường đi”. Câu nói ấy quả thực không sai. Chẳng rõ tự bao giờ, thầy Phạm Văn Du – thầy giáo dạy bộ môn Toán của tập thể lớp 12D2 đã khiến một đứa ghét toán như tôi phải tự giác, vui vẻ chờ mong giờ Toán đến. Và cũng chẳng rõ tự bao giờ, thầy Du mới được đám học trò nghịch ngợm 12D2 chúng tôi gọi bằng cái tên vừa tếu táo, vừa thân thương – “bố”.

Tôi gặp thầy muộn hơn so với các bạn cùng lớp một năm. Giờ Toán đầu tiên, nghe các bạn gọi “bố Du”, tôi thấy lạ lùng lắm. Nhưng rồi chẳng mấy chốc tôi đã hiểu được nguyên do của cách gọi ấy, cũng như tình cảm của cả một tập thể đối với thầy Du.


Người cha cầm phấn trắng của tập thể 12D2.

Thầy Du là người chú trọng hiệu suất. Trong giờ của thầy, học ra học chơi ra chơi. Thầy giảng nhanh, dạy nhanh, chữa bài nhanh. Chính nhờ cách dạy và cách học đó mà cả thầy và cả trò đều làm việc hết mình, và khiến học sinh tiếp thu nhanh chóng. Không áp đặt cũng chẳng độc đoán, thầy không bao giờ giảng dạy theo lối “tôi đúng - em sai” mà luôn khiêm nhường, cùng học trò lật đi lật lại một bài toán nếu như giữa thầy và trò có hướng đi khác biệt. Tôi yêu cái cách thầy cởi mở trong việc nhìn nhận, đánh giá học trò, cũng như cái cách thầy rộng mở lòng mình trong cuộc sống. Ba mươi bảy học sinh lớp 12D2, ba mươi bảy cá tính độc lập và riêng biệt không ai lẫn với ai, có ưu có khuyết, thầy đều chấp nhận. Thầy không có định kiến với bất kì một ai, không phán xét hay thiên vị một cá tính nào. Tình yêu của thầy được chia đều cho tất cả. Thầy luôn động viên, và nếu có ai được thầy nhắc nhở, thì cũng bởi vì thầy lo lắng thật lòng. Bước vào giờ học của thầy, tôi cảm nhận được bầu không khí ấm áp, thân thuộc. Đối với thầy, tất cả chúng tôi đều là con. Tôi nghĩ rằng đó là lí do mà mọi học sinh đã và đang có may mắn được học thầy đều trìu mến gọi thầy là “bố”.

Những thầy cô khác, có thể vẽ hình đẹp hơn thầy, có thể giải bài tập như lau như li từ đầu đến cuối nhưng chỉ có thầy, mới có thể không cần xem sĩ số, nhìn một lượt điểm danh ra ngay ai vắng. Chỉ có thầy, mới có thể xoa đầu học sinh ngay sau khi viết bảng, tay trắng xóa phấn. Người cùng vui, cùng buồn, cùng quan tâm chia sẻ chỉ có người thầy mà chúng tôi trìu mến gọi là “bố Du” thôi.


Người thầy đã cùng vui, cùng buồn, đã yêu thương
và dìu dắt chúng tôi như những đứa con của mình

Mười hai năm trời ròng rã ngồi trên ghế Nhà trường, may mắn thay, tôi được gặp thầy. Dù chưa rời xa mái trường Nguyễn Tất Thành, nhưng tôi biết rằng sau này và mãi mãi, tôi sẽ luôn nhớ đến thầy như một người lái đò đúng nghĩa đã giúp tôi nhận ra rất nhiều điều trong dòng đời không ngừng biến chuyển. Điều đẹp đẽ hơn cả một bài giảng, hơn cả những kiến thức logic, dễ hiểu chính là những niềm vui giản dị mà thầy mang đến cho chúng tôi. Thầy đã dạy chúng tôi bằng một tình yêu chân thành, thầy luôn coi học trò như là những đứa con nhỏ của mình, tuy đôi lúc “bầy con nhỏ” ấy khiến thầy phải đau đầu. Thầy còn dạy chúng tôi cách biết quan tâm tới người khác, khi thầy “duyệt binh” qua từng bàn, “quét ra-đa” từng đứa một để xem có đứa nào ốm hay mệt không. Học trò đôi lúc quá vô tư đã khiến thầy phiền lòng. Nhưng thầy vẫn ôn hòa, nhẹ nhàng và bao dung tất cả. Những lúc ấy đối với chúng tôi, thầy chẳng khác nào một người cha đích thực. Và thầy làm tất cả điều đó như một lẽ dĩ nhiên phải thế, vô tư che chở và dạy dỗ chúng tôi trong chuyến đò của thầy.

Cảm ơn “bố Du” của chúng con, vì tất cả.

Thực hiện: Bùi Tố Quyên (12D2)