Ngô Thì Nhậm - danh sĩ Bắc Hà, học rộng, tài cao có nhiều ý kiến sắc sảo về thơ đã từng nhấn mạnh rằng: “Hãy xúc động hồn thơ cho hồn bút có thần”. Phải chăng chính trái tim nồng ấm, đôn hậu đã thôi thúc Xuân Quỳnh viết ra những dòng thơ chan chứa tình cảm, chạm tới những người yêu văn chương? Liệu có đúng khi cho rằng “Thơ vui về phái yếu” đã “bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực” như một sứ mệnh cao cả mà nhà thơ mang nặng trên vai?
Jorge Luis Borges, nhà thơ nổi tiếng người Argentina, đã từng bộc bạch: “Thời gian hủy hoại các lâu đài, nhưng lại làm giàu những vần thơ”. Thật vậy, năm tháng đưa đẩy vạn vật dần lùi về quá khứ, chỉ có tiếng vọng của thi ca có thể rung động tâm hồn độc giả mãi về sau. Đứa con tinh thần của Xuân Quỳnh chính là một trong những minh chứng tiêu biểu, không chỉ bởi những yếu tố hình thức mà còn bởi tính nhân văn.
Tác phẩm văn học mang giá trị cốt lõi khi nó lên tiếng vì phụ nữ, ca ngợi và bảo vệ những người cả đời nhẫn nại, lo toan. Thơ Xuân Quỳnh vừa hóm hỉnh, tươi vui, vừa chân thành lại đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc.
Chân dung nhà thơ Xuân Quỳnh (1942 - 1988)
Trong khổ thơ đầu, nữ thi sĩ đã dồn nén tâm tình của mình lên cây viết, thủ thỉ, ngợi ca sự vĩ đại và lớn lao của phái mạnh:
Các anh nghĩ ra tàu ngầm, tên lửa, máy bay
Tới thăm dò những hành tinh mới lạ
Tài sản của các anh là những tinh cầu, là vũ trụ
Các anh biết mỏ dầu, mỏ bạc ở nơi đâu
Chính phục đại dương bằng các con tàu
Đi tới tương lai trên con đường ngắn nhất
Mỗi các anh là một nhà chính khách
Các anh quan tâm đến chuyện mất còn của các quốc gia.
Qua việc sử dụng biện pháp tu từ liệt kê, tác giả đã khéo léo chỉ ra những điều kì vĩ, to lớn của những người đàn ông: khả năng chế tạo máy móc, sở hữu tài sản quý giá, là nhà chính khách… Bà gọi họ là “các anh” như một cách ngưỡng mộ, tôn vinh thành tựu đó.
Trái ngược với phái nam, Xuân Quỳnh đã khắc họa hình ảnh nữ giới một cách chân thực, gần gũi, gắn liền với những điều bé nhỏ, bình dị của một người nội trợ:
Chúng tôi là những người đàn bà bình thường trên Trái Đất.
Quen với việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày
Chúng tôi chẳng có tàu ngầm, tên lửa, máy bay
Càng không có hạt nhân nguyên tử
Chúng tôi chỉ có chậu, có nồi, có lửa
Có tình yêu và có lời ru
Những con cò con vạc từ xưa
Vẫn lặn lội bờ sông bắt tép
Cuộc sống vẫn ngàn đời nối tiếp
Như trăng lên, như hoa nở mỗi ngày…
Có lẽ, hai câu phủ định “Chúng tôi chẳng có tàu ngầm, tên lửa, máy bay/Càng không có hạt nhân nguyên tử” như một lời thú nhận rằng phụ nữ không có tài năng đặc biệt, giỏi giang như đấng mày râu. Ấy vậy, họ lại là những người chăm chút cho gia đình, cho cuộc sống hàng ngày. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả lại ví cuộc sống của họ như “trăng lên”, “hoa nở” mỗi ngày vì đó giống như một vòng tuần hoàn vô tận. Những vần thơ rất đỗi giản dị ấy đã khơi gợi lên sự đồng cảm, làm xao động lòng người.
Hình ảnh đồng lúa chín vàng ươm gắn liền với những người bà, người mẹ tảo tần thời xưa
Tiếp nối dòng chảy cảm xúc ấy, ta thấy rằng Xuân Quỳnh đã đặt ra một tình huống giả định làm cho độc giả sững sờ:
Nếu ví dụ không có chúng tôi đây
Liệu cuộc sống có còn là cuộc sống
Ai sẽ mang lại cho các anh vui buồn hạnh phúc
Mở lòng đón các anh sau thất bại nhọc nhằn
Thử nghĩ xem thế giới chỉ đàn ông
Các anh sẽ không còn biết yêu biết ghét
Các anh không đánh nhau nhưng cũng chẳng làm nên gì hết
Thế giới sẽ già nua và sẽ lụi tàn
Ai sẽ là người sinh ra những đứa con
Để tiếp tục giống nòi và dạy chúng biết yêu, biết hát…
Đâu phải tự nhiên mà thượng đế đã ban tặng phụ nữ cho thế gian này, họ chính là món quà quý giá nhất của cuộc sống. Từ những dòng thơ, tác giả đã gián tiếp khẳng định vai trò và vị thế quan trọng của người phụ nữ đối với xã hội và chắp nên đôi cánh cho phái mạnh.
Phụ nữ vất vả gánh vác nhiều công việc nặng nhọc trên vai nhưng chưa từng than vãn một lời
Những lời thơ dưới đây là những thanh âm hay nhất, cảm động nhất, chúng chứa đựng triết lí sâu sắc, đề cao vai trò lớn lao của nữ giới lần nữa và cũng được gửi gắm từ những tình cảm chân thành, cao quý của tác giả:
Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng
Là bác học... hay là ai đi nữa
Vẫn là con của một người phụ nữ
Một người đàn bà bình thường, không ai biết tuổi tên
Giọng điệu thơ tự nhiên, hồn thơ phóng khoáng đã chắc nịch “tuyên bố” qua việc lặp lại từ “là”: dù cánh đàn ông có vĩ đại, tài giỏi đến chừng nào thì họ đều là “con của một người phụ nữ” - người có công dưỡng dục và bồi đắp vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách cho mỗi con người.
“Thơ vui về phái yếu” là tiếng lòng của người phụ nữ. Họ dâng hiến cho đời bằng mồ hôi và nước mắt, giúp cuộc sống thêm đẹp đẽ, rực rỡ. Có thể nói rằng, những người phụ nữ rất cao cả, vĩ đại: họ đảm việc nước, giỏi việc nhà. Chính vì thế, họ xứng đáng được tôn trọng và nâng niu, có quyền bình đẳng. Phải chăng đó chính là giá trị nhân văn khiến người ta đã và sẽ còn tìm đọc Xuân Quỳnh, bởi giọng thơ của bà không chỉ rất trữ tình, mang nét riêng độc đáo mà còn đem đến những chân lí đích thực?
Bài viết: Phạm Huyền Trang (8A4)
Ảnh: Sưu tầm