Trong thời đại 4.0, để bắt nhịp với cuộc sống hiện đại, mỗi chúng ta cần phải trang bị cho mình những kiến thức về tài chính để biết cách tối ưu hóa giá trị của đồng tiền. Nhận thức được điều đó, ngày 26/1/2024, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã tổ chức hoạt động ngoại khóa với chủ đề “Đi tìm cửa hàng bán hạnh phúc” - tìm hiểu cuốn sách giáo dục tài chính nổi tiếng “Khôn khéo với tiền - Tránh những ưu phiền”. Với sự dẫn dắt của diễn giả - TS. Trịnh Thị Phan Lan (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) và các cộng sự, thầy và trò trường Nguyễn Tất Thành đã có cơ hội được tìm hiểu thêm về cách quản lí, sử dụng quỹ tài chính cá nhân.
Các học liệu tài chính - ngân hàng theo hình thức truyện tranh phù hợp với lứa tuổi học sinh
Mở đầu chương trình, diễn giả Phan Lan đã giúp các học sinh tìm hiểu và nhận thức đúng về giá trị thực sự của đồng tiền, từ đó, đưa ra thông điệp: “Tiền không mua được tất cả nhưng cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu chúng ta biết sử dụng tiền một cách hợp lí và thông minh”.
Diễn giả và các học sinh chia sẻ về giá trị của đồng tiền
Tại chương trình, diễn giả đã tổ chức cho học sinh tham gia trò chơi “Ai nhanh hơn”. Qua trò chơi này, học sinh đã được thực hành làm việc nhóm 3 người và xếp chữ cái thành các thuật ngữ chuyên ngành tài chính liên quan tới 6 quỹ tài chính cá nhân bao gồm: quỹ Nhu cầu thiết yếu, quỹ Tiết kiệm, quỹ Đầu tư sinh lời, quỹ Phát triển bản thân, quỹ Giải trí và quỹ Từ thiện. Nhờ đó, học sinh đã có cơ hội được tìm hiểu cụ thể, chính xác khái niệm quỹ tài chính cá nhân và rút ra bài học tiết kiệm luôn là yếu tố cần được đặt lên hàng đầu.
Học sinh hào hứng tham gia trò chơi “Ai nhanh hơn”
Để các bước lập quỹ tài chính cá nhân trở nên đơn giản, dễ hiểu hơn với học sinh, TS. Trịnh Thị Phan Lan đã đưa ra thêm một hình thức khác chỉ bao gồm 3 quỹ chính: quỹ tiết kiệm, quỹ chi tiêu và quỹ từ thiện. Từ đó, diễn giả chia sẻ với học sinh lối tư duy thành công phổ biến trên thế giới “Pay yourself first” với ý nghĩa: chúng ta luôn phải đặt tiết kiệm lên hàng đầu, lên trước bất kì nhu cầu chi tiêu nào khác.
Diễn giải giới thiệu 3 chiếc lọ - tương ứng với 3 quỹ tài chính cá nhân đơn giản mà quan trọng nhất trong cuộc sống con người
Bên cạnh đó, nhằm củng cố kiến thức về quỹ tài chính cá nhân cho học sinh, trò chơi thứ hai đã được tổ chức với tên gọi “Vua tiếng Việt”. Tham gia trò chơi này, các em được cung cấp kiến thức về tài chính - ngân hàng qua những học liệu gần gũi, thân thuộc, từ đó vận dụng vào thực tế sử dụng các quỹ của bản thân.
Câu tục ngữ “Tiền trong nhà tiền chửa/Tiền ra ngoài tiền đẻ” thuộc quỹ Đầu tư
Câu tục ngữ “Làm khi lành để dành khi đau” thuộc quỹ Tiết kiệm
Câu tục ngữ “Người không học như ngọc không mài” thuộc quỹ Phát triển bản thân
Câu ca dao “Dẫu xây chín bậc Phù Đồ/Chẳng bằng làm phúc cứu cho một người” thuộc quỹ Từ thiện
Cuối cùng, để khắc sâu nội dung của hoạt động, TS. Trịnh Thị Phan Lan đã giúp học sinh rút ra một số nguyên tắc tất yếu trong tài chính ngân hàng:
1. Tiết kiệm luôn được ưu tiên và đặt lên hàng đầu
2. [Chi phí] = [Thu nhập] - [Tiết kiệm]
3. [Sự giàu có] = [Số tiền kiếm được] - [Số tiền chi tiêu].
Diễn giả chia sẻ về các nguyên tắc cơ bản trong lĩnh vực tài chính ngân hàng
Kết thúc chương trình, nhận thức được sự quan trọng của việc lập quỹ tài chính cá nhân, các em học sinh đã cùng nghiêm trang đọc bản tuyên bố sẽ có kế hoạch lập quỹ tài chính cá nhân rõ ràng và cùng hứa sẽ làm đúng với những điều tự vạch ra trong kế hoạch.
Thầy và trò trường Nguyễn Tất Thành cùng thể hiện quyết tâm lập quỹ tài chính cá nhân rõ ràng và quản lí một cách hiệu quả
Chia sẻ về những bài học bổ ích sau khi tham gia hoạt động ngoại khóa, bạn Ngô Phương Linh (10D1) bày tỏ: “Quản lí tài chính cá nhân không phải là một điều dễ dàng, mỗi chúng ta đều cần rất nhiều thời gian để học hỏi và tìm ra được cách chi tiêu phù hợp. Qua hoạt động ngoại khóa này, em đã học được rất nhiều kiến thức bổ ích về cách lập kế hoạch tài chính cá nhân để cân đối chi, tiêu sao cho hợp lí. Đây quả là một cơ hội quý giá đối với mỗi chúng em.”
Thầy và trò mái trường mang tên Bác đã có một buổi trải nghiệm đáng nhớ
Sau gần 2 tiếng làm việc, chương trình ngoại khóa phổ cập kiến thức tài chính ngân hàng “Khôn khéo với tiền - Tránh những ưu phiền” thực sự là một hoạt động ý nghĩa, bổ ích với học sinh. Với nhiều kiến thức mới mẻ, thiết thực, chương trình đã giúp học sinh lên kế hoạch lập quỹ tài chính cá nhân cho bản thân, đồng thời áp dụng những kiến thức tài chính ngân hàng vào giải quyết các vấn đề chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày một cách hiệu quả.
Bài viết: Nguyễn Khánh Diệp (10D2)
Ảnh: Chu Nhật Minh (11A5)