Trần Thanh Quang

Gần 30 năm gắn bó với sự nghiệp gieo chữ trồng người, thầy Phạm Sỹ Cường đã đưa biết bao chiếc thuyền mang mộng ước của nhiều thế hệ học sinh vươn mình ra biển lớn. Và nhắc tới thầy Sỹ Cường - một người thầy với dáng vẻ mảnh mai, với giọng nói nhẹ nhàng thì có lẽ bất kì học sinh nào dưới mái trường Nguyễn Tất Thành trong những năm 1998 - năm 2012 cũng mang trong mình niềm biết ơn và khâm phục bởi sự thông tuệ, niềm say mê với những bài giảng văn tràn đầy cảm xúc và tình cảm yêu thương của thầy đối với học trò.

Thầy Phạm Sỹ Cường trong thời gian đầu giảng dạy tại trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (ảnh chụp năm 2002)

Thầy Phạm Sỹ Cường bồi hồi nhớ lại những dấu ấn đặc biệt cách nay 25 năm: thầy lập gia đình, trở thành viên chức khối Chuyên (nay là Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội), đồng thời là giáo viên bộ môn Ngữ văn tại Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành. Vậy là từ những năm tháng đầu tiên của mái trường mang tên Bác đã có những dấu chân kỉ niệm của thầy- đó là một mối duyên nghề nghiệp. Trong những năm tháng ấy, thầy đã có nhiều đóng góp cho chuyên môn của tổ Ngữ văn và thành tích cho Nhà trường. Với tâm huyết, trách nhiệm, thầy đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh đạt các thành tích cao trong các kì thi HSG cụm Thanh Xuân – Cầu Giấy, HSG cấp Thành phố Hà Nội. Nhiều học sinh dưới sự dìu dắt, định hướng, được thầy tiếp thêm niềm đam mê văn chương đã đỗ vào lớp chuyên Văn của các trường Chuyên nổi tiếng ở Hà Nội, đỗ vào các trường đại học danh giá. Làm việc và cống hiến tại Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành - trong một môi trường sẻ chia và trách nhiệm, thầy đã không ngừng phấn đấu hết mình, trở thành một nhà giáo mẫu mực, được đồng nghiệp tin yêu, học trò quý mến.

Năm 2012, để khám phá và chinh phục những tri thức mới của văn học với nhiệm vụ nghiên cứu sinh, đồng thời gắn bó với trường THPT Chuyên - Đại học Sư phạm Hà Nội, thầy Phạm Sỹ Cường tạm rời xa mái trường Nguyễn Tất Thành. Thầy tiếp tục cần mẫn với công tác giảng dạy; tìm tòi những nhân tố nổi trội để bồi dưỡng mũi nhọn, nhiều học sinh của thầy đã đạt được giải cao trong kì thi HSG Quốc gia, nhiều học sinh sau này trở thành những giáo viên văn, nhà báo, nhà ngoại giao tài năng và nhiệt huyết. Được ghi nhận về công tác chuyên môn, lãnh đạo trường Đại học Sư phạm Hà Nội còn nhận thấy ở thầy tố chất của một người quản lí. Năm 2020, thầy đã được bổ nhiệm là Phó Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà nội. Đó là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng của một nhà giáo tài năng, tâm huyết với nghề cùng những khát khao đóng góp, xây dựng những nhà trường mẫu mực.

TS Phạm Sỹ Cường (đứng giữa) trong Lễ Bổ nhiệm Hiệu trưởng trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành

Đặc biệt, tháng 2/2023, thầy Phạm Sỹ Cường được Đảng ủy, Ban giám hiệu Đại học sư phạm Hà nội tín nhiệm giao trọng trách Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành. Giáo viên Trường Nguyễn Tất Thành vui mừng chào đón một người đồng nghiệp cũ trở về trường trên một cương vị mới với vai trò và trách nhiệm lớn lao: là người “thuyền trưởng” kế nhiệm tiếp tục chèo lái đưa con thuyền THCS và THPT Nguyễn Tất Thành vươn khơi.

Với thầy Phạm Sỹ Cường, về Trường Nguyễn Tất Thành là về với ngôi nhà thân yêu, gặp lại những năm tháng xưa cũ của những đam mê tuổi trẻ. Và chúng tôi, những đồng nghiệp năm xưa vẫn thấy hình ảnh của thầy 20 năm về trước- điềm đạm, nhỏ nhẹ mà sâu sắc đầy chất nghệ sĩ của một thầy giáo dạy văn. Tuy bề bộn với công việc quản lí, nhưng thầy vẫn dành thời gian cho tình yêu, cho niềm say mê đã ngấm trong tâm hồn- đam mê văn chương: đọc văn, dạy văn. Thầy đã ngay lập tức dành thời gian dạy bồi dưỡng đội tuyển HSG Ngữ văn 9, 11, 12 của Nhà trường. Thời gian không nhiều nhưng những tiết dạy của thầy đã truyền cảm hứng văn chương cho các em học sinh, và hơn hết các em nhận được sự quan tâm động viên của thầy trong tư cách của thầy giáo dạy Văn thật gần gũi, giản dị, sâu sắc. Nhận thấy tầm quan trọng của việc đọc, thầy đã thúc đẩy công tác “khuyến đọc” trong giáo viên và học sinh toàn trường. Thầy đã chỉ đạo xây dựng “thư viện số", mở rộng không gian đọc sách và dự án đầu tư cho thư viện nhà trường đã lên khung, không xa nữa, thầy và trò nhà trường sẽ có một thư viện hiện đại, một không gian đọc sách, làm việc và học tập lí tưởng.

Trên cương vị Hiệu trưởng Nhà trường, một trong những mối quan tâm đầu tiên của thầy là cơ sở vật chất. Năm học 2023 - 2024, dấu ấn đầu tiên của thầy Hiệu trưởng là sự đổi mới về không gian trường với màu sắc trang nhã và hiện đại hơn, với những hành lang và sảnh nhà N2, N3, N4 được lát gạch chống trơn trượt. Rồi những màn hình máy tính, những phím đàn piano mới; hơn 500 bộ bàn ghế đa năng giúp học sinh khối 6, khối 7 bán trú có bàn học- giường ngủ trưa tiện lợi. Thầy cũng rất quan tâm đến sức khỏe tinh thần và thể chất của cán bộ công nhân viên và học sinh. Phòng Tâm lí học đường được yêu cầu thay đổi cách tiếp cận học sinh, khu giáo dục thể chất xưa cũ được thay thế bằng phòng đa chức năng hiện đại nhằm thúc đẩy phong trào rèn luyện thể dục thể thao để năng động, đoàn kết và “sống trọn vẹn” hơn... Đó là những nỗ lực ban đầu hướng tới việc tạo những điều kiện phát triển tốt nhất có thể cho học sinh nhà trường.

“Tấm áo mới” của Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành

Thầy Hiệu trưởng thăm và động viên các học sinh trong giờ bán trú

Thầy cũng sớm khẳng định mình trong vai trò là một người thuyền trưởng vững vàng, bản lĩnh của mái trường mang tên Bác. Với sự ân cần mà sâu sắc, thầy đã gặp gỡ, trò chuyện để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các đồng nghiệp, học trò; thầy tỉ mỉ quan sát, tìm hiểu rõ hơn về trường trên tất cả các mặt. Trong những buổi họp, các vấn đề được thầy trình bày một cách tường minh, với tầm nhìn xa, hướng tới việc bài bản, chuyên nghiệp và mang lại lợi ích lâu dài cho cả thầy và trò. Thầy sớm nắm bắt được các đặc trưng hoạt động của Nhà trường, chỉ đạo sát sao để nhà trường tiếp tục duy trì nề nếp dạy và học cũng như phát huy chất lượng giáo dục. Điều này thể hiện qua kết quả trong năm học 2022 – 2023: Trường Nguyễn Tất Thành vẫn duy trì thứ hạng cao trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT - đây cũng là năm thứ hai liên tiếp trường xếp thứ nhất toàn Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong kì thi Tốt nghiệp THPT; nhiều lượt học sinh tham gia nghiên cứu khoa học tại Hàn Quốc, Indonesia…; thi Vô địch tin học văn phòng Thế giới tại Hoa Kì đã mang về những huy chương và bằng khen quý báu. Thầy đã truyền lửa để đội ngũ giáo viên nhà trường phát huy niềm say mê chuyên môn, tích cực hợp tác, chia sẻ trong cộng đồng học tập, cùng nhau nỗ lực phấn đấu trở thành người giáo viên đạo đức, hướng tới đào tạo ra những học trò có nhân cách tốt, biết yêu đời, yêu người, sống tử tế cùng suy nghĩ và hành động tích cực.

Đã dìu dắt nhiều thế hệ học sinh lớn khôn, thành danh và giờ đây trên cương vị lãnh đạo, thầy cũng nhận thấy tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp trong thời đại mới. Theo đó, thầy chỉ đạo công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh một cách có hệ thống và giàu tính thực tiễn. Để tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp với mục đích định hướng chọn Tổ hợp và chọn nghề cho học sinh ngay từ khi sớm nhất, Ban giám hiệu đã kết nối với các phụ huynh, các chuyên gia hàng đầu, đặc biệt là kết nối với các cựu học sinh. Việc gắn kết những thế hệ học sinh học tập dưới mái trường Nguyễn Tất Thành còn hướng tới việc hình thành nên một cộng đồng NTTer với bản sắc của yêu thương, sẻ chia và cùng nhau phấn đấu đi lên đạt được những thành công trong cuộc sống, sự nghiệp. Lần đầu tiên với ý tưởng của thầy Phạm Sỹ Cường, Hội cựu học sinh trường Nguyễn Tất Thành đã được thành lập. Sự gắn kết giữa hội với nhà trường thể hiện qua những hoạt động ý nghĩa ban đầu như: tham gia tư vấn hướng nghiệp, giải chạy cựu học sinh mang tên “Cung đường kí ức” nhân kỉ niệm 25 năm thành lập trường, quỹ “Tiếp bước tương lai” đã ra đời... đều mang những dấu ấn của thầy Hiệu trưởng.

Thầy Phạm Sỹ Cường trao đổi trong buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh khối 11 (tháng 9/2023)

Thầy Hiệu trưởng chụp ảnh lưu niệm cùng các thế hệ cựu học sinh trong buổi gặp gỡ chuẩn bị cho giải chạy “Cung đường kí ức”

Với những thành công bước đầu của thầy Hiệu trưởng trong thời gian vừa qua, nhất là với tầm nhìn chiến lược, khát khao, mong mỏi của một nhà giáo có tâm, một lãnh đạo có tầm chúng tôi tin tưởng con thuyền Nguyễn Tất Thành tiếp tục đạt được nhiều thành công trên hành trình vượt sóng gió vươn khơi. Đó cũng là điều thầy đã nói với giáo viên và học sinh Nhà trường: “Chúng ta không có phép thuật, nhưng bằng tình yêu thương, trách nhiệm, sự sáng tạo, cống hiến, chúng ta có thể cùng nhau làm nên những điều kì diệu”. Chúc thuyền trưởng của chúng tôi vững tay chèo, sáng tạo và bản lĩnh cùng chúng tôi - chúng ta sẽ có những đột phá mới, những chuyển mình tiếp tục đi lên...